Nguồn tin: Báo Phú Yên, 05/04/2017
Ngày cập nhật:
7/4/2017
Cua bắt từ đầm Ô Loan, người dân lựa ra bán cho thương lái - Ảnh: Hoài Nam
Trong vòng 5 năm trở lại đây, chưa năm nào, người dân 5 xã An Cư, An Ninh Đông, An Hòa, An Hải, An Hiệp, sống ven đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) bắt cua, tôm đất bội thu như năm nay. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cẩn trọng đối với loại hải sản từ các nơi khác được đưa đến bán.
Thu tiền triệu
Ông Bùi Tấn Thìn ở xã An Cư, bơi sõng thả lưới bắt cua, cho biết: Khác với các loại hải sản khác chỉ bắt được ban đêm, đối với con cua thì thả lưới bắt cả ngày lẫn đêm. Cua y, con 2 lạng trở lên, thịt săn chắc, giá bán 150.000 đồng/kg; cua sô, yếm mềm thịt xốp giá 100.000 đồng/kg; cua gạch 250.000-300.000 đồng/kg (tùy loại). Trung bình bắt một đêm bán sa cạ được 500.000-600.000 đồng, có người đánh bắt cả ngày lẫn đêm thu tiền triệu. Hiện nay, lứa cua lớn rộ nhiều, còn cách đây 2 tháng cua còn nhỏ, người nào bắt giỏi cả ngày lẫn đêm cũng chỉ thu 200.000-300.000 đồng.
Còn ông Phan Minh ở xã An Hiệp, vui mừng nói: Cua năm nay xuất hiện nhiều. Ngoài cua lớn, lứa cua nhỏ rất nhiều. Hồ nuôi tôm ở đây bờ hồ làm bằng đá gọi là hồ hở, nhiều người lận lưới lỗ nhỏ vào bên trong mua cua nhỏ thả lại hồ tiếp tục nuôi, sau đó bán cua gạch.
Theo ông Trương Văn Tấn, một người chuyên mua cua ở đầm Ô Loan, mỗi ngày đi quanh đầm mua gom lại thì có gần 1 tấn cua, chưa năm nào đầm Ô Loan “phá” kỷ lục về số lượng cua như năm nay. Cua chui sống dưới kẽ đá hồ nuôi tôm, có người bắt được cua nặng nửa ký. Cua gạch đầm Ô Loan xếp vào loại thượng hạng. Không cầu kỳ chế biến mà chỉ cần hấp, luộc, nướng, gạch cua có vị béo rất ngon. Mấy năm qua, cua đầm Ô Loan “vắng bóng” do cửa đầm An Hải bị bồi lấp không thông ra cửa biển được, nguồn nước bị ô nhiễm nặng; năm rồi có mưa lụt, cửa đầm được thông ra biển, nguồn nước thông nhau nên tạo điều kiện cho các loại hải sản ở đầm phát triển, nên năm nay được mùa. Những ngày qua, bạn hàng từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương gọi điện thoại ra đặt hàng rất nhiều.
Bà Trần Thị Thu, nhà ở cạnh mé đầm thuộc xã An Ninh Đông, nói: Nhiều năm liền, đầm Ô Loan “đói”, buồn thiu, người dân quanh đầm đi làm ăn xa; nay đầm hồi sinh nhiều loại tôm, cua nên ban đêm người đi đánh bắt chong đèn sáng rực. Riêng tôm đất, mỗi đêm đi đóng chấn bắt được 4-5kg, bán với giá 200.000 đồng/kg; có người một đêm đánh bắt được trên 10kg tôm đất, thu nhập trên 2 triệu đồng. Tôm đất là đặc sản của đầm, tuy nhiên trước đây do cửa biển An Hải bồi lấp nên nước trong đầm ô nhiễm nặng, gần 5 năm qua, tôm đất trong đầm “vắng bóng”.
Cẩn trọng hải sản từ nơi khác đến
Tại thôn Phú Tân 1, Tân Long (xã An Cư), nhiều phụ nữ ngồi cạy hàu bên đầm và bán với giá 20.000 đồng/kg hàu vỏ, còn hàu ruột là 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo nhiều người dân chuyên đi bắt hải sản trong đầm, có một số người bán hàu ven đầm Ô Loan giá chỉ khoảng 70.000-90.000 đồng/ký hàu ruột, đó là hàu từ Huế chở vào. Hàu ở đầm Ô Loan mới rạy, con to lắm chỉ bằng 2-3 ngón tay, còn hàu từ Huế chở vào to bằng bàn tay người lớn. Do hàu khan hiếm không đủ cung cấp cho thị trường trong tỉnh, nên các thương lái đi mua hàu từ nơi khác về bán kiếm lời. Hàu Ô Loan con nhỏ, ăn ngọt, thịt dai, còn hàu nơi khác con to, thịt mềm nhũn.
Ông Hồ Thanh Riếu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An, cho biết: Mấy năm gần đây, nguồn nước đầm Ô Loan ô nhiễm nên các loại hải sản dưới đầm chết dần. Cuối năm rồi, Phú Yên có mưa lụt lớn nên cửa An Hải được mở rộng, nguồn nước mặn tràn vào đầm dồi dào nên nhiều loại hải sản hồi sinh, có gia đình thu nhập khá từ bắt cua, tôm đất. Đối với hàu, điệp thì sinh trưởng chậm nên con còn nhỏ. Do vậy, thời gian qua, hàu từ nơi khác chở đến bán ven đầm. Hội Nông dân huyện phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền vận động người buôn bán qua khâu trung gian không vì hám lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng đến uy tín hải sản đầm Ô Loan và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản ven đầm. Đồng thời, UBND và Hội Nông dân các xã ven đầm Ô Loan đã khuyến cáo người dân sống quanh đầm, không vì hám lợi trước mắt mà dùng các phương tiện đánh bắt có tính hủy diệt như xung điện, lờ Thái Lan… làm cạn kiệt hải sản nhỏ mới hồi sinh trong đầm.
Trâm Trân
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.