Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 07/04/2017
Ngày cập nhật:
11/4/2017
Mô hình sản xuất lúa - tôm chỉ mang lại hiệu quả khi chủ động được nguồn nước mặn và nước ngọt. Tuy nhiên, muốn giải quyết bài toán có nước mặn cho con tôm và đủ nước ngọt cho cây lúa không phải là chuyện dễ làm trong điều kiện hạ tầng thủy lợi ở vùng chuyên canh lúa - tôm hiện nay vẫn còn thiếu và yếu.
Thừa nước mặn, thiếu nước ngọt
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển diện tích sản xuất lúa trên đất tôm đạt từ 35.000 - 40.000ha vào năm 2020, giải pháp quan trọng nhất chính là tăng cường đầu tư cho hệ thống thủy lợi. Bởi, đây chính là “chiếc chìa khóa” để tháo gỡ tất cả những khó khăn và giúp mô hình lúa - tôm phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có.
Trạm bơm nước gắn với ô đê bao khép kín ở ấp Phước Thạnh (xã Phước Long, huyện Phước Long).
Nông dân huyện Hồng Dân trồng dưa trên bờ liếp vuông tôm (mô hình lúa - tôm). Ảnh: P.Đ - T.T.C
Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, mô hình lúa - tôm tuy đạt hiệu quả kinh tế, nhưng lại bị phụ thuộc vào tự nhiên. Chỉ cần những thay đổi thất thường của thời tiết gây bất lợi là sản xuất theo mô hình này bị động và xảy ra thua lỗ. Năm 2016, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đã làm cho hơn 9.910ha lúa - tôm bị thiệt hại ước tính trên 22 tỷ đồng. Nguyên nhân chính vẫn là yếu kém về hạ tầng thủy lợi, hệ thống thủy lợi chưa đủ sức “giải cứu” cho con tôm và cây lúa.
Điều đó xuất phát từ đặc thù của mô hình lúa - tôm, bởi diện tích sản xuất lúa - tôm nằm giáp với vùng ngọt ổn định, nhưng cũng vừa nằm trong vùng mặn, vừa nuôi tôm nhưng lại trồng lúa. Đơn cử như địa bàn TX. Giá Rai, diện tích sản xuất lúa - tôm chủ yếu nằm ở xã Phong Tân và ấp 15 của xã Phong Thạnh Đông. Trong khi hai địa phương này lại nằm giáp ranh với các xã chuyên sản xuất lúa ở huyện Phước Long và huyện Hòa Bình. Nếu đưa nước mặn vào nuôi tôm, hoặc khi xảy ra hạn hán, khô hạn cần bơm nước mặn vào giải cứu cho con tôm thì sẽ làm ảnh hưởng vùng chuyên lúa, làm cho cây lúa bị nhiễm mặn, chết hoặc giảm năng suất. Thêm vào đó, địa bàn TX. Giá Rai nằm ở cuối nguồn nước ngọt nên sản xuất lúa trên đất tôm chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa. Thế nhưng, hệ thống trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất lúa trên đất tôm lại thiếu nước rửa mặn, cải tạo đồng ruộng và thường thiếu nước vào cuối vụ… Cũng như bị ảnh hưởng xâm nhập mặn bởi kênh Giá Rai - Phó Sinh khi lấy nước vào phục vụ nuôi trồng thủy sản. Từ đó gây nên khó khăn cho việc phát triển diện tích sản xuất lúa trên đất tôm.
Do không chủ động được nguồn nước ngọt nên nhiều địa phương áp dụng mô hình lúa - tôm hiện nay chỉ độc canh con tôm trên đất lúa, và có nơi gần như bỏ quên luôn cây lúa. Cụ thể là ở vùng chuyển đổi sản xuất lúa - tôm xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi), nhiều nông dân quanh năm chỉ độc canh con tôm và nuôi tôm 3 vụ/năm. Hay ở ấp Phước Tân và ấp Phước Ninh (xã Phước Long) - địa phương có diện tích sản xuất lúa - tôm lớn nhất của huyện Phước Long, nhưng năm qua hai ấp này chỉ xuống giống lúa 144/1.696ha, nguyên nhân chính vẫn là thiếu nước ngọt.
Nếu như những địa phương nằm giáp với vùng mặn cần nước ngọt cho phát triển cây lúa, thì những địa phương nằm xa vùng mặn lại chờ nước mặn để nuôi con tôm. Như xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân), năm nay nông dân đợi đến tháng 2 mà nước vẫn chưa đủ mặn, nhiều cánh đồng lúa - tôm đã cải tạo xong (với hơn 3.870ha) nhưng vẫn phải nằm chờ nước đủ mặn mới thả tôm. Ông Lê Văn Sỏi, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân) bày tỏ: “Nhiều năm qua, nông dân ở xã luôn chờ nước mặn để nuôi tôm. Nếu thả giống tôm trễ sẽ làm đảo lộn lịch thời vụ, gây khó khăn cho sản xuất lúa trên đất tôm và dễ phát sinh dịch bệnh”.
Để cây lúa và con tôm cùng phát triển
Với những khó khăn trong giải quyết tranh chấp mặn, ngọt cho cây lúa và con tôm như hiện nay, nếu như không làm tốt công tác thủy lợi thì việc thực hiện mục tiêu phát triển diện tích lúa sản xuất trên đất tôm sẽ khó hoàn thành, đặc biệt nếu thiếu nước ngọt nông dân sẽ bỏ luôn cây lúa.
Theo ông Trần Văn Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long: “Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về mở rộng diện tích sản xuất lúa trên đất tôm, năm 2017 huyện Phước Long sẽ có hơn 9.000ha sản xuất lúa - tôm. Trong đó, sẽ kết hợp với tỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng mở rộng sản xuất lúa - tôm ở xã Vĩnh Phú Tây 719,35ha và xã Phước Long 1.482ha. Huyện đã và đang đầu tư xây dựng trạm bơm nước, ô đê bao khép kín ở ấp Phước Thạnh (xã Phước Long) với tổng vốn đầu tư khoảng 16 tỷ đồng”.
Qua khảo sát, nếu trạm bơm nước và hệ thống ô đê bao khép kín ở ấp Phước Thạnh đưa vào khai thác sẽ góp phần giải quyết những khó khăn đặt ra cho mô hình lúa - tôm lâu nay. Đó là tăng tính chủ động ứng phó trong tháo úng, ngăn mặn, giữ ngọt khi sản xuất lúa và đưa nước mặn vào khi nuôi tôm; đồng thời làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Khi xảy ra dịch bệnh, hệ thống ô đê bao khép kín sẽ tạo thuận lợi trong việc khoanh vùng, xử lý, không để dịch bệnh lây lan như trước đây do sử dụng chung nguồn nước từ một con kênh thủy lợi. Mặt khác, việc xây dựng hệ thống ô đê bao khép kín còn mang lại nhiều lợi ích khác như: giúp nông dân tuân thủ lịch thời vụ, thu hoạch tập trung; quản lý tốt môi trường, dễ liên kết trong thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo ra lượng hàng hóa dồi dào, hạn chế tình trạng thu hoạch manh mún gây bất ổn về thị trường đầu ra…
Lợi ích từ việc đầu tư công trình thủy lợi và hệ thống ô đê bao khép kín rất lớn, song diện tích được đầu tư cho mô hình lúa - tôm ở huyện Phước Long đến nay chỉ mới được 300ha. Vì vậy, việc nghiên cứu và tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi cho sản xuất lúa - tôm là rất cần thiết.
Trong thời gian chờ đợi sự đầu tư từ Nhà nước, cùng với giải pháp công trình, nông dân cũng cần áp dụng những giải pháp phi công trình để giúp mô hình lúa - tôm phát triển. Theo ông Lê Thái Hùng (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân): “Để giúp mô hình lúa - tôm phát triển, ở những nơi chưa được đầu tư hệ thống thủy lợi, bà con cần trồng cây trái, rau màu trên bờ liếp vuông tôm, hay trồng rau trong hệ thống mương bao nhằm tạo bóng mát, hạn chế quá trình bốc hơi nước. Đồng thời, trồng cỏ, gia cố lại bờ bao đồng ruộng giúp ngăn mặn, giữ ngọt. Điều quan trọng là phải trồng lúa, dù lúa có thất cũng góp phần tạo nguồn thức ăn cho tôm và giữ cho môi trường nuôi tôm phát triển ổn định. Thực tế đã chứng minh, nếu nuôi liên tiếp 3 vụ tôm thì tôm nuôi vụ sau sẽ không có thức ăn, và người nuôi tôm cũng khó thành công cho những vụ nuôi tiếp theo".
Lư Dũng
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.