• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bạc Liêu: Nâng tầm mô hình sản xuất lúa - tôm - Bài cuối: Cần tổ chức lại sản xuất

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 10/04/2017
Ngày cập nhật: 12/4/2017

Để mô hình lúa - tôm phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao, thì việc tổ chức lại sản xuất là nhu cầu bức thiết. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ tạo nên sức bật cho mô hình lúa - tôm phát triển, chủ động phòng tránh những rủi ro, lãng phí và gây tác động xấu đến môi trường sản xuất.

Quản lý Đầu vào

Một trong những bất cập trong sản xuất lúa - tôm lâu nay chính là các ngành, địa phương vẫn chưa làm tốt công tác quản lý sản xuất. Trong đó, khâu quản lý đầu vào gần như ngoài vòng kiểm soát và đều do nông dân tự lo, nhất là chất lượng tôm giống luôn là nỗi trăn trở của nhiều nông dân khi đến mùa vụ.

Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm càng xanh bằng hình thức xiệc điện (ảnh trên) và rộng tôm càng xanh chờ thương lái đến thu mua. Ảnh: L.D

Qua điều tra thực tế ở các địa phương sản xuất lúa - tôm, hình thức lựa và mua tôm giống chẳng khác nào đi chợ mua rau, chỉ cần thấy tôm giống còn sống, nhảy khỏe là nông dân mua rồi thả ngay vào ruộng lúa mà không cần quan tâm đến tôm giống đó có chất lượng hoặc có bị nhiễm bệnh hay không!? Do vậy, nhiều “chòi tôm” kinh doanh tôm giống và cả các xe bán tôm giống lưu động như “bán cà rem” mà nông dân vẫn quen gọi là “tôm cà rem” thi nhau mọc lên như nấm ở vùng nông thôn khi vào mùa vụ. Và ai cũng biết rằng, phần lớn lượng tôm giống này đều là tôm giống trôi nổi không qua xét nghiệm, hoặc tôm giống bị các trại sản xuất bỏ đi, bán ra bên ngoài với giá rẻ (do xét nghiệm lô tôm giống bị nhiễm bệnh phải thực hiện tiêu hủy).

Việc không quan tâm đến chất lượng con giống còn bị ảnh hưởng bởi tập quán sản xuất theo kiểu thu tỉa, thả bù và gây nên những lãng phí lớn lâu nay. Thay vì mua tôm giống chất lượng đã qua xét nghiệm, kiểm soát được mật độ thả nuôi, hạch toán được lợi nhuận. Đằng này, sản xuất chủ yếu dựa vào may rủi và nông dân phải tốn thêm một khoản chi phí đầu tư không nhỏ trong việc mua thuốc trị bệnh cho con tôm. Cũng như tạo ra một nghịch lý, đó là nếu con giống mua trôi nổi nuôi đạt đầu con thì sẽ bị thất tôm, thay vì trúng tôm!? Bởi con tôm được nuôi trong ruộng lúa là mô hình nuôi quảng canh nên không có đầu tư quạt quay ôxy, nếu con giống đạt đầu con sẽ làm cho môi trường ao nuôi không đủ lượng ôxy cung cấp cho con tôm và cả nguồn thức ăn vốn được bỏ lại từ cây lúa cũng không đủ cung. Do vậy, tôm sẽ tranh nhau thở, tranh nhau ăn, kéo theo tỷ lệ tôm chết nhanh và thất bại là khó tránh khỏi.

Cùng với tôm sú giống, thì chất lượng tôm càng xanh giống lại càng khó khăn hơn. Lâu nay, chuyện nuôi tôm càng xanh gần như “đánh bạc”, vì người nông dân phải mất thời gian từ 2 - 2,5 tháng mới biết chắc mình nuôi phải tôm càng xanh đực hay tôm càng xanh cái. Nếu như mua và nuôi được lô tôm càng xanh có tỷ lệ tôm đực cao thì có lãi, còn ngược lại thì thua, vì tôm càng đực thân to, cho thịt và gạch nhiều, còn tôm càng xanh cái thân nhỏ, thịt ít vì phải ôm trứng. Do vậy, giá tôm càng xanh đực luôn cao hơn giá tôm càng xanh cái bình quân khoảng 50 ngàn đồng/kg. Biết vậy, nhưng đến nay, để mua được tôm càng xanh toàn đực không phải là chuyện dễ, Ông Nguyễn Hoàng Đặng (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân) cho biết: “Để mua được tôm càng xanh giống chất lượng, tôi phải đặt hàng cả tháng và lên đến tận TP. Cần Thơ để mua mới có. Vì vậy, ngành Nông nghiệp cần xây dựng các trung tâm giống sản xuất tôm giống chất lượng để cung cấp cho nông dân, vì tình trạng bán tôm giống tràn lan như hiện nay là khá phổ biến”.

Riêng phần giống lúa phục vụ cho sản xuất lúa - tôm, đến nay giống lúa Một bụi đỏ Hồng Dân vẫn là giống chủ lực, chiếm hơn 50% diện tích sản xuất. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu thêm bộ giống khác ngoài giống lúa chịu mặn này, vì giống lúa Một bụi đỏ đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế. Do Một bụi đỏ là giống lúa mùa nên phải đợi đến cuối tháng 12 âm lịch mới thu hoạch, và thời gian từ trồng cho đến thu hoạch kéo dài hơn 6 tháng. Trong khi hiện nay, vào tháng 11 (âm lịch) đã xảy ra xâm nhập mặn chứ không còn vào cuối tháng 12 như những năm trước đây. Đơn cử như năm 2016, diện tích sản xuất lúa Một bụi đỏ nhiều nơi ở huyện Phước Long bị thiệt hại và không thể thu hoạch vì mặn đến sớm hơn 1 tháng. Do vậy, phải có một giống lúa chịu mặn có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ sản xuất và thu hoạch khoảng hơn 3 tháng, nhằm chủ động tránh xâm nhập mặn và giúp nông dân phòng ngừa rủi ro.

Cùng với con giống, thì vật tư đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất lúa - tôm như: thuốc cải tạo ao, xử lý môi trường nước, trị bệnh cho con tôm và cây lúa hiện nay cũng khó kiểm soát. Qua điều tra thực tế, nông dân lạm dụng nhiều thuốc hóa chất bán trôi nổi và có cả những loại thuốc không rõ nguồn gốc nhập vào từ Trung Quốc phục vụ cho sản xuất hiện nay là khá phổ biến.

Lo đầu ra

Mô hình lúa - tôm đã hình thành và triển khai thực hiện mạnh từ năm 2001. Thế nhưng, đầu ra cho con tôm, hạt lúa gần như vẫn để nông dân “tự bơi” là chính. Xuất phát từ thực tiễn này, nên cùng với tập trung phát triển diện tích sản xuất lúa trên đất tôm, cũng cần quan tâm đến việc tìm đầu ra cho con tôm và cây lúa. Vì đến nay, cả vùng phía Bắc Quốc lộ 1A có diện tích sản xuất lúa - tôm hơn 30.660ha và khả năng sẽ mở rộng diện tích này hơn 40.000ha (vì vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A có diện tích mặn lợ khoảng 62.000ha). Với tiềm năng và nguồn lợi như thế, nhưng đến nay vùng Bắc Quốc lộ 1A vẫn chưa xây dựng được chợ đầu mối cho con tôm và gần như đầu ra của con tôm đều lệ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Xuất phát từ việc nông dân “tự bơi” tìm đầu ra cho sản phẩm của mình cũng kéo theo hàng loạt kiểu thu hoạch gây tác động xấu đến môi trường và làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Như việc thu hoạch tôm càng xanh trong ruộng lúa, đến nay nông dân vẫn sử dụng hình thức xiệc điện làm cho tôm càng bị điện giật phải nổi lên rồi bắt là chủ yếu. Trong khi đó, hình thức thức xiệc điện này bị cấm vì gây nguy hiểm, có thể gây chết người, nhất là thu hoạch gặp phải lúc trời mưa. Đặc biệt là làm hủy diệt nguồn lợi cá đồng (vì cá đồng cùng nuôi chung với tôm càng xanh trong ruộng lúa).

Với những khó khăn, thách thức đặt ra cho sản xuất lúa - tôm lâu nay, việc ngành quản lý, các địa phương nghiên cứu và tổ chức lại sản xuất là rất cần thiết. Trong đó, cần tập trung làm tốt công tác quản lý quy hoạch, nghiên cứu một quy trình sản xuất mới để chuyển giao cho nông dân, đặc biệt cần tập trung tăng năng suất cho con tôm trên đất lúa (vì hiện nay tôm sú chỉ đạt từ 150 - 200kg/vụ/ha). Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, vì phát triển mô hình lúa - tôm cũng là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng hiệu quả đất trồng lúa và Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp - nông thôn khu vực ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu đến năm 2030.

Lư Dũng

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang