Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 07/04/2017
Ngày cập nhật:
12/4/2017
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất tôm năm 2017 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Sóc Trăng mới đây, hầu hết các đại biểu đều có chung nhận định: Để đạt mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỉ đô la là vấn đề hết sức khó khăn, nhưng không phải là không có cơ hội để thực hiện.
Nhứt giống, nhì môi…
Mở đầu cho mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỉ đô la vào năm 2025, ngay trong năm 2017, cả nước dự kiến thả nuôi 700.000ha tôm nước lợ, chủ yếu là tôm sú với 600.000ha; sản lượng ước đạt 660.000 tấn. Để đạt kế hoạch trên, nhu cầu tôm post ước khoảng 130 tỉ con; trong đó, tôm thẻ khoảng 100 tỉ con và tôm sú là 30 tỉ con. Đó cũng là lý do khiến đại diện các tỉnh, thành, các nhà khoa học và doanh nghiệp không khỏi băn khoăn, bởi qua thực tế sản xuất nhiều năm nay, người nuôi tôm đã đúc kết kinh nghiệm nghề nuôi tôm qua 8 chữ: “Nhứt giống - con giống, nhì môi - môi trường, tam mồi - thức ăn, tứ kỹ - kỹ thuật”.
Ông Nguyễn Khắc Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho rằng: “Muốn đạt mục tiêu trên, ngay từ bây giờ, chúng ta cần chủ động trước hết về tôm giống vì hơn 10 năm nay chúng ta vẫn chưa làm được tôm bố mẹ. Nếu không làm tốt công tác giống, chúng ta sẽ rất bất lợi trong quá trình cạnh tranh”.
Mô hình vèo tôm trong nhà lưới trước khi thả ra ao nuôi giúp hạn chế dịch bệnh và tăng tỷ lệ sống tôm nuôi. Ảnh: Hg.N
Cùng chung mối quan tâm về con giống, ông Trần Công Bình - Giám đốc Công ty TNHH tôm giống Châu Phi nêu thực trạng: “Để phục vụ cho 600.000ha nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến, việc chọn giống nên theo hướng giống kháng bệnh sẽ tốt hơn là con giống sạch bệnh. Bởi với môi trường nuôi của mô hình này, cho dù có đưa con giống sạch bệnh vào cũng không mấy ý nghĩa. Muốn vậy, chúng ta phải có trung tâm gia hóa tôm sú giống để cung cấp cho các cơ sở tại các vùng nuôi phát triển thành tôm bố mẹ đưa vào sản xuất tôm giống thương phẩm, nhằm dự phòng trường hợp đối tác đột ngột không cung cấp tôm bố mẹ nữa”.
Phó GSTS Trương Quốc Phú - Trường Đại học Cần Thơ, lại quan tâm nhiều đến rủi ro về dịch bệnh. Theo TS Phú, sở dĩ dịch bệnh thường xuyên phát sinh, chủ yếu là do hầu hết các mô hình nuôi hiện nay vẫn chưa quản lý được chất thải và nước thải, nên đây cũng chính là nguồn mầm bệnh lưu tồn và phát triển. Vì vậy, TS Phú đề xuất: “Để nuôi tôm hiệu quả và bền vững, bên cạnh các mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ… các mô hình còn lại phải đảm bảo không xả thải ra môi trường khi chưa được xử lý đạt chuẩn”.
Để con tôm được sạch hơn
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm không kháng sinh, ông Ngô Công Luận - Giám đốc HTX Nông ngư 14-10 Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú II (Mỹ Xuyên) cho biết, các thành viên HTX đã từ bỏ sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm từ 4 năm nay, nhưng mức độ thành công vẫn khá cao. Hiện, HTX đã đạt chứng nhận VietGAP và đang hướng đến được công nhận đạt tiêu chuẩn ASC. Cũng nhờ từ bỏ kháng sinh, nên tôm nuôi của HTX luôn bán được giá cao và hiện đã có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ tôm thương phẩm.
Ông Luận chia sẻ: “Gần đây, HTX bắt đầu sử dụng thử nghiệm chế phẩm sinh học sản xuất từ nguồn vi sinh bản địa do các nhà khoa học trong tỉnh nghiên cứu rất hiệu quả. Do đó, ngành nông nghiệp cần sớm có tổng kết, nhân rộng và tạo điều kiện để sản phẩm này đến được với người nuôi, nhất là những vùng nuôi tôm thẻ với mật độ từ 40 - 50 con/m2”.
Hiện nay, hầu hết các thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam đều gia tăng tần suất kiểm tra kháng sinh và chất cấm. Các báo cáo của Cục Thú y cũng cho thấy, đã có một số lô hàng tôm Việt Nam bị đối tác trả về gây khó khăn cho doanh nghiệp lẫn uy tín ngành tôm cả nước. Vì vậy, ông Lâm kiến nghị: “Muốn hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng kháng sinh, chất cấm tràn lan trong nuôi tôm, các địa phương cần nhanh chóng tổ chức lại sản xuất, đưa nhanh tiến bộ khoa học - công nghệ vào nghề nuôi”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám chỉ đạo: “Đối với vấn đề dư lượng kháng sinh và chất cấm khác trong tôm, muốn giải quyết tốt, trước hết phải làm tốt công tác kiểm soát thị trường trong nước và nguồn nguyên liệu tôm. Phải xác định cho được nguồn gốc các lô tôm vi phạm bị trả về để có hướng xử lý cũng như giải pháp khắc phục hiệu quả. Hiện nay, dù ta khẳng định không vi phạm về truy xuất nguồn gốc tôm, nhưng EU đang hoài nghi và tới đây họ sẽ tiến hành kiểm tra tại một số doanh nghiệp trong nước”.
Sản xuất và thị trường
Ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh đề nghị: “10 tỉ USD cũng đồng nghĩa với một sản lượng tôm tăng lên rất lớn, nên ngay từ bây giờ, cần tính đến mở rộng thị trường cho con tôm, vì nếu không, người nuôi tôm sẽ phải chịu thiệt thòi, một khi con tôm bị tắc đầu ra. Ngoài ra, cũng cần cung cấp thông tin thị trường nhiều hơn, kịp thời hơn, giúp người nuôi định hướng được đối tượng, kích cỡ tôm nuôi, cũng như thời điểm thả nuôi phù hợp”.
Cũng theo ông Lâm, mục tiêu 10 tỉ USD thật sự là một thử thách lớn đối với ngành tôm, vì trong 30 năm qua chúng ta cũng chỉ mới đạt 3,1 tỉ USD, trong khi thời gian từ nay đến năm 2025 chỉ còn 8 năm. Ông Lâm đề xuất: “Các bộ, ngành cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, vì thị trường mới là yếu tố quyết định, khuyến khích ngành tôm phát triển”.
Chia sẻ về tổ chức sản xuất, ông Hồ Công Chánh - Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú giới thiệu mô hình doanh nghiệp xã hội sản xuất tôm - rừng tại Cà Mau và nhận định: “Mô hình này sẽ giúp xóa tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, vì nông dân tham gia vẫn được sản xuất trên chính mảnh đất của mình, nhưng sẽ được hưởng giá bán và lợi nhuận cao hơn 10% - 30%. Ngoài ra, nông dân còn được hưởng lợi thêm từ các chương trình phúc lợi xã hội, dân sinh, bình đẳng giới…”.
Trước những khó khăn và cơ hội đan xen, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, trong điều kiện ngân sách có hạn, chúng ta phải làm sao vẫn tăng được sản lượng, nhưng không tăng thêm diện tích. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Giải pháp khả thi nhất là đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào nuôi tôm; tổ chức và quy hoạch lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị”.
Hoàng Nhã
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.