Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 10/04/2017
Ngày cập nhật:
13/4/2017
Công ty cổ phần lâm thủy sản Bến Tre (Faquimex) chế biến tôm chủ yếu từ vùng nuôi.
Làm gì để vực dậy và phát triển ngành thủy của tỉnh một cách đúng mức mà nó vốn đang chững lại nhiều năm dài không phát triển là vấn đề được Thường trực Tỉnh ủy đặt ra để giải quyết tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh mới đây.
Kinh tế biển là một trong hai ngành kinh tế chủ lực của tỉnh (bên cạnh kinh tế vườn). Hiện nay, trong điều kiện thách thức biến đổi khí hậu, nguy cơ của phát triển kinh tế lại đang là thời cơ phát triển của kinh tế biển Bến Tre. Tuy nhiên, 5 năm nay, kinh tế biển nói chung, con tôm nói riêng đã chững lại, không duy trì phát triển được. Hoạt động liên kết nâng cao chuỗi giá trị không có. Cả tỉnh chưa có nhà máy chế biến tôm. Tiềm năng phát triển kinh tế biển còn rất nhiều nhưng chưa khai thác hết.
Những hạn chế, bất cập trong ngành thủy sản
Nhìn lại tổng thể tình hình phát triển thủy sản của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo nhìn nhận: Chính con tôm nói riêng và thủy sản nói chung đã làm thay đổi kinh tế nông thôn của 3 huyện biển. Bên cạnh nuôi trồng thủy sản là ngành nghề đánh bắt, chế biến. Nguồn lợi thủy sản vô cùng phong phú, nếu ngoài biển là đánh bắt xa bờ thì vô trong là nuôi nhuyễn thể, nuôi nghêu, hàu và vô sâu nữa là tôm, cá, tôm nước ngọt. Hầu hết, giá thô rất cao.
Tiềm năng kinh tế thủy sản là thế nhưng tỉnh chưa phát huy được do nhiều hạn chế, bất cập. Bến Tre thuộc top 5 các tỉnh (cùng với các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang) dẫn đầu đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng tôm (gần 50.000 tấn/năm) nhưng lĩnh vực chế biến nhiều năm qua chưa ai làm. Gần như toàn bộ tôm Bến Tre chuyển qua Sóc Trăng, Trà Vinh để chế biến. “Tỷ trọng tôm đóng góp cho xuất khẩu chưa có, trong khi lẽ ra phải chiếm từ 30 - 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh bởi đây là sản phẩm lĩnh vực chủ lực. Nếu sản phẩm này được chế biến xuất khẩu sẽ tạo ra cho tỉnh thêm vài trăm triệu đô la/năm” - ông Nguyễn Hữu Lập - Phó chủ tịch UBND tỉnh nói.
“Đóng góp cho ngân sách hiện nay cũng chỉ có hoạt động thu mua nguyên liệu thô. Chỉ tính riêng doanh nghiệp thu mua tôm nguyên liệu Minh Tuyển, huyện Thạnh Phú đã đóng góp cho ngân sách huyện 25 tỷ đồng/năm, chiếm gần 50% tổng thu ngân sách huyện”, ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra. Điều này chứng minh nguồn thu ngân sách ở phân khúc chế biến thủy sản đã “vô tư” “rót” sang các nơi khác có ngành chế biến phát triển là rất lớn trong thời gian dài. Thiệt thòi này sẽ tiếp diễn nếu tới đây, tỉnh vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến đối với con tôm.
Một bất cập khác là vấn đề lãng phí tài nguyên rất rõ trong khi nhiều doanh nghiệp khác không có đất để đầu tư. Ông Bùi Văn Lâm dẫn chứng: Đối với nuôi tôm thâm canh, năm 2016, số doanh nghiệp đầu tư lớn nhưng sản xuất không hết diện tích. Điển hình là Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Huy Thuận. Doanh nghiệp này đã bỏ hết mấy khu nuôi ở Bình Đại và sản xuất đạt 40% các khu nuôi ở Thạnh Phú.
Bên cạnh đó, việc sản xuất cá tra, sản xuất giống các loại thủy sản cũng còn nhiều hạn chế cần có giảp pháp hỗ trợ, đầu tư. Ông Nguyễn Văn Buội - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong 71 cơ sở sản xuất giống (gồm tôm sú, tôm chân trắng, tôm càng xanh, cá tra) với tổng công suất 2 tỷ post/năm là chưa đáp ứng yêu cầu nuôi của tỉnh. Thực tế, chỉ có 3 trại sản xuất giống đạt 400 triệu post/năm. Số còn lại là quy mô nhỏ và sản lượng giống trên thực tế rất thấp. Cụ thể tôm biển chỉ đạt 1 tỷ post/năm, đáp ứng 20% nhu cầu; tôm càng xanh 7,5 triệu con/năm, đáp ứng 10% nhu cầu nên người nuôi phải nhập giống ngoài tỉnh với số lượng lớn trong khi chất lượng giống bên ngoài còn mập mờ, thiếu tính ổn định.
Năng lực đánh bắt thủy sản tăng bình quân 12,58%/năm, sản lượng đánh bắt tăng 10,69%/năm. Năm 2016, sản lượng đạt trên 200.000 tấn. Tuy nhiên, tỷ trọng tàu khai thác đánh bắt có 70% là tàu hoạt động nghề kéo lưới. Điều này đang gây áp lực lớn lên nguồn lợi thủy sản cũng như tính bền vững của lĩnh vực khai thác.
Về mặt đầu tư thủy lợi, dù xác định kinh tế biển và kinh tế vườn là chủ lực nhưng thời gian qua, tỉnh chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất, cũng như dẫn đến việc dịch bệnh liên tục xảy ra trên con tôm.
“Sẽ quay mặt ra biển”
Bàn cách khắc phục một trong những bất cập nêu trên, ông Bùi Văn Lâm cho rằng cần có ràng buộc về trách nhiệm khai thác đối với doanh nghiệp thuê đất nhằm khai thác có hiệu quả đất chứ không thể “cắm dùi bỏ hoang”, gây lãng phí như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Hữu Lập, trách nhiệm của tỉnh thời gian tới là mời gọi cho được nhà đầu tư lĩnh vực chế biến tôm. Tỉnh sẽ tập trung mời gọi một số nhà đầu tư tiềm năng hiện nay như Việt Úc, Hùng Vương, CP vào tỉnh. Hệ thống sản xuất từ con giống, chế biến thức ăn, nuôi khu vực và chế biến xuất khẩu. Cần quy hoạch lại từng vùng nuôi cho rõ ràng, có đầu tư thích đáng mang tính chiến lược, vực dậy vùng nuôi tôm tập trung. Đồng thời có định hướng nâng cao năng suất tôm sinh thái, trong đó quan tâm mở rộng mô hình tôm - lúa của Thạnh Phú sang một số vùng nuôi với điều kiện phù hợp của hai huyện biển còn lại.
Để dẫn dắt ngành tôm phát triển theo chuỗi giá trị từ con giống đến thành phẩm tinh chế thì cần có doanh nghiệp dẫn đầu, làm đầu tàu dẫn dắt người nuôi, nghề nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, kỹ thuật cao. Đồng bộ với điều này là cần tính toán lại đầu tư về hạ tầng thủy lợi cho nuôi tôm. Đây là vấn đề được ông Trần Ngọc Tam - Phó bí thư Tỉnh ủy nêu.
Cùng thống nhất với những cách làm trên, ông Phan Văn Mãi - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy đưa ra nhiều các cách làm cụ thể. Trong thời gian tới, Tỉnh ủy sẽ làm việc với các doanh nghiệp ngành chế biến thủy sản, đặc biệt các doanh nghiệp chế biến con tôm. Mấu chốt hiện nay là thiếu quỹ đất để cung cấp cho nhà đầu tư. Vì thế, trong tháng 4, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các địa phương, Tỉnh đội thống kê lại hết diện tích đất quy hoạch phục vụ phát triển thủy sản. Đối với các trường hợp thuê đất nhưng không sản xuất để lãng phí tài nguyên đất bất hợp lý, chúng ta cần phải mạnh dạn rút giấy phép để phục vụ cho nhà đầu tư khác.
Đối với ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản nói chung, người sản xuất cần đổi tập quán sản xuất gắn với sản phẩm giá trị gia tăng. Vì hiện nay, cách bảo quản cá của người dân chưa đáp ứng yêu cầu chế biến sản phẩm chả cá xuất khẩu, giá trị gia tăng cao. Có kế hoạch tổ chức lại đội tàu, gắn với khai thác, sản xuất giá trị gia tăng. Một giải pháp phát triển đối với tôm sinh thái là phải chú ý xây dựng thương hiệu tôm rừng.
“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có kế hoạch tổng thể mang tính chiến lược với những bước đi cụ thể vực dậy kinh tế thủy sản, kinh tế biển. Định hướng của tương lai Bến Tre là phải quay mặt ra biển” - ông Võ Thành Hạo nhấn mạnh. Về cách làm cụ thể, ông Võ Thành Hạo đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dựa trên cơ sở khảo sát, đánh giá lại để quy hoạch lại các vùng nuôi, các sản phẩm nuôi, xác định phương thức, kỹ thuật; chế biến, khuyến khích tạo ra những sản phẩm chế biến mới; nâng cao chất lượng hạ tầng nghề cá để thu hút sản lượng về địa phương, tăng dịch vụ, cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy; nhân rộng các mô hình hiệu quả; có giải pháp mạnh tăng hiệu quả các vùng nuôi, không để lãng phí tài nguyên mặt đất, nước; tăng cường bảo đảm an toàn vùng nuôi; làm sao để ổn định tính bền vững các vùng nuôi.
Trong lĩnh vực đánh bắt, ngành thủy sản cố gắng duy trì các đội tàu nhưng có giải pháp thế nào để sản phẩm đánh bắt phải về đến các cảng cá của tỉnh. Mỗi giải pháp, nhiệm vụ, bước đi cụ thể trong nhiệm kỳ gắn với chương trình tổng thể của tỉnh nói chung và chuỗi thủy sản nói riêng.
Tính đến năm 2016, toàn tỉnh có 46.800ha nuôi trồng thủy sản, với tổng sản lượng nuôi đạt 248.623 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh đạt khoảng 10.000ha, sản lượng trên 45.000 tấn/năm; nhuyễn thể 5.000ha, sản lượng trên 17.700 tấn; cá tra 760ha, sản lượng trên 167.000 tấn; tôm càng xanh 2.100ha, sản lượng trên 1.100 tấn và còn lại là các đối tượng thủy sản khác.
Cẩm Trúc
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.