Nguồn tin: Báo Đà Nẵng, 11/04/2017
Ngày cập nhật:
15/4/2017
Facebook Linkhay Google Bookmarks Twitter Gửi tin qua Email In bài viết nàySau 2 năm thành lập, Hợp tác xã (HTX) Hải Nhi thực sự đồng hành với ngư dân Đà Nẵng và miền Trung. Không chỉ cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và thu mua hải sản, HTX Hải Nhi còn là điểm tựa của ngư dân khi họ gặp khó khăn và đồng hành với thành phố thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”.
Cá sạch do Hợp tác xã Hải Nhi cung cấp vào ngày 3-5-2016 sau khi lãnh đạo UBND thành phố triển khai các chương trình hỗ trợ ngư dân. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng kiểm tra thực tế tại chợ An Hải Đông.
Đồng hành với thành phố
Từ tháng 4-2016, khi xảy ra hiện tượng cá chết dọc biển miền Trung do sự cố môi trường Formosa gây ra, ngư dân Đà Nẵng và miền Trung gặp nhiều khó khăn, cá đánh bắt về không bán được. Để gỡ khó cho ngư dân, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ như: kêu gọi người tiêu dùng quay lại với hải sản; yêu cầu các doanh nghiệp thu mua hải sản, tích cực hỗ trợ ngư dân… Qua đó, một số doanh nghiệp đã vào cuộc, trong đó HTX Hải Nhi hưởng ứng tích cực. Ngoài việc thường xuyên ra khơi thu mua hải sản cho ngư dân đánh bắt xa bờ, HTX Hải Nhi xung phong cung cấp hải sản sạch đến các chợ theo chủ trương của thành phố. Chỉ trong một thời gian ngắn, 50 điểm chợ trên địa bàn thành phố đã có cá sạch của HTX Hải Nhi cung cấp.
Ông Lê Văn Sang, Chủ tịch HĐQT HTX Hải Nhi cho biết: “Thực sự chúng tôi đã đồng hành với ngư dân nhiều năm qua, nên khi họ gặp khó khăn, chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc. Do đó, ngoài việc tích cực thu mua hải sản cho ngư dân ngoài biển, chúng tôi đã tham gia cung cấp hải sản sạch đến với các chợ theo chủ trương của thành phố. Lúc xảy ra sự cố môi trường, đa số người dân quay lưng với cá. Để người dân tin tưởng, cá chúng tôi cung cấp đến chợ đều phải có xác nhận đánh bắt tại khu vực an toàn, có kiểm định của cơ quan chức năng. Dần dần người dân đã tin tưởng và quay lại với hải sản, ngư dân đã tự tin vươn khơi”.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố ghi nhận: “HTX Hải Nhi trong thời gian qua luôn đồng hành với ngư dân Đà Nẵng và miền Trung. Đây là HTX thủy sản đầu tàu của Đà Nẵng”.
Ông Lê Văn Sang cho biết thêm: “Trong tháng 5-2017, HTX Hải Nhi sẽ tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm sạch nhằm thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”. Hiện tại, các thành viên HTX Hải Nhi đi khảo sát các chợ trung tâm thành phố để thực hiện kế hoạch. Dự kiến HTX sẽ tổ chức cung ứng chuỗi thủy sản sạch thí điểm từ 5-7 chợ trung tâm thành phố, ban đầu mỗi chợ khoảng 200kg hải sản. Nếu bước đầu thực hiện thành công, HTX sẽ tiếp tục mở rộng ra nhiều chợ trên địa bàn Đà Nẵng”.
Khẳng định thương hiệu đầu tàu của HTX thủy sản
Sau 2 năm thành lập, thương hiệu HTX Hải Nhi được sự ghi nhận của ngư dân khu vực Đà Nẵng, miền Trung và người tiêu dùng trong cả nước. Hiện tại, HTX Hải Nhi có gần 10 tàu dịch vụ hậu cần. Thị trường cung ứng và thu mua của HTX là ngư trường Hoàng Sa, biển miền Trung và khu vực Vịnh Bắc Bộ. Theo tính toán của ông Lê Văn Sang, mỗi năm HTX cung cấp hàng chục nghìn lít dầu, lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men và thu mua hơn 10.000 tấn hải sản của ngư dân. Nhiều ngư dân khi được hỏi về sự tiện ích mà HTX Hải Nhi đem lại trong thời gian qua đều cho biết: “Trước đây, ngư dân đánh cá 7-10 ngày phải quay vào bến để bán, vừa mất thời gian, vừa tốn phí. Trong khi đó, ở bến, tàu vào quá nhiều sẽ bị các chủ thu mua ép giá. Khi tàu dịch vụ hậu cần của HTX Hải Nhi ra đời, họ thu mua trên biển với giá hợp lý, ngư dân có lợi; nhờ đó, ngư dân đã lợi được phí tổn từ các chuyến biển”.
Để phát triển HTX Hải Nhi trở thành đầu tàu của HTX thủy sản Đà Nẵng, ông Lê Văn Sang cho biết, HTX hướng đến quy trình khép kín và chuyên nghiệp; trong đó sẽ tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất nước đá quy mô 600 cây/ngày để trực tiếp cung cấp cho ngư dân; xây dựng nhà dưỡng cá quy mô 300 tấn. Nhà dưỡng cá sẽ dùng để dưỡng sản phẩm đã được cấp đông khi hải sản vận chuyển về bờ nhiều mà chưa kịp tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cấp đông gió âm 41 độ C.
Ngoài ra, trong tương lai, HTX sẽ đóng thêm một “tàu mẹ” làm dịch vụ hậu cần, có chiều dài 50m, chiều rộng 9m. Nhiệm vụ của tàu là gom hàng từ các con tàu nhỏ của HTX hoạt động trên biển chở về đất liền, các tàu con tiếp tục hoạt động thu mua. “Tàu mẹ” còn có nhiệm vụ sản xuất nước biển thành nước đá để cung cấp trực tiếp cho ngư dân với giá rẻ. “Nếu dự án này trở thành hiện thực, ngư dân yên tâm bám biển dài ngày. Mọi chuyện cung cấp và thu mua hải sản đều sẽ do tàu này bao tiêu, ông Sang nói.
Ngọc Phú
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.