Nguồn tin: Báo Long An, 17/04/2017
Ngày cập nhật:
18/4/2017
Hiện nay đang vào cao điểm thả nuôi tôm nước lợ tại các huyện vùng hạ. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng liên tục và thường xuất hiện mưa trái mùa làm nhiệt độ thay đổi đột ngột, xáo trộn độ pH, độ mặn trong nước,... khiến nông dân nuôi tôm “nóng ruột”.
Chuẩn bị ao nuôi trước khi thả
Thời tiết phức tạp
Ông Châu Văn Tâm (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) có 1ha nuôi tôm thẻ chân trắng cho biết: “Đang thời vụ thả tôm giống mà thời tiết thất thường, tôm dễ bị sốc môi trường. Nắng nóng kéo dài lại xuất hiện mưa trái mùa làm nhiệt độ, độ mặn, pH trong nước thay đổi, ảnh hưởng đến tôm. Nhiều người vừa xử lý xong ao nuôi, chưa kịp thả tôm giống, gặp mưa, phải dừng lại, chờ vài ngày cho môi trường nước ổn định mới tiếp tục. Do vậy, việc xuống giống trễ so với lịch thời vụ. Hiện, ao nuôi của gia đình tôi thả tôm thẻ chân trắng được gần 1 tháng. Mấy ngày qua, nắng nóng kéo dài, tôi rất lo. Nắng nóng, môi trường ao nuôi biến động, nhất là yếu tố pH, nhiệt độ nước, độ kiềm, oxy hòa tan,... cùng độ mặn tăng cao. Một trong những yêu cầu kỹ thuật mà người nuôi tôm phải thực hiện đó là ao lắng để cấp nước cho ao nuôi lúc cần thiết, nhất là lúc nắng nóng, độ mặn tăng cao và là nơi cắt đứt mầm bệnh lây lan từ bên ngoài khi vùng nuôi có dịch bệnh xảy ra”.
Hiện nay, bên cạnh nắng nóng lại xuất hiện những cơn mưa trái mùa. Đây là yếu tố rất bất lợi cho môi trường nuôi tôm bởi khi đó, lượng mưa cuốn trôi mùn bã, phèn trên bờ xuống ao nuôi làm cho ao nuôi xuất hiện sự phân tầng nước, pH giảm thấp,... gây bất lợi cho việc nuôi tôm.
Người nuôi cần theo dõi chặt chẽ tình hình chất lượng nước
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương, hàng năm, vào thời điểm mùa nắng nóng kéo dài cũng là lúc người nuôi tôm gặp khó khăn. Toàn huyện có khoảng 592ha nuôi tôm, trong đó diện tích bị thiệt hại do nhiễm bệnh 154ha, chủ yếu là bệnh hoại tử gan tụy, đốm trắng,... do điều kiện thời tiết phức tạp. Do đó, địa phương khuyến cáo người nuôi tôm cần tăng cường quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi để có vụ tôm đạt hiệu quả; thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết để ứng phó kịp thời khi môi trường nuôi bị thay đổi đột ngột.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Phạm Phú Hùng cho biết: “Hiện nay, do điều kiện thời tiết phức tạp, người nuôi tôm ngoài bổ sung dinh dưỡng cho tôm, cần theo dõi, quản lý ao nuôi. Ðề phòng tôm bị sốc, người nuôi cần giữ mực nước trong ao nuôi từ 1,2-1,5m kết hợp chạy quạt sẽ hạn chế sự phân tầng nước, góp phần nâng cao hiệu quả vụ nuôi; bón vôi quanh ao nuôi khi trời có dấu hiệu mưa. Cần lưu ý, khi nắng nóng kéo dài, tảo xuất hiện vào ban ngày thì vào ban đêm sẽ xuất hiện tình trạng thiếu oxy trong nước, dẫn đến tôm nổi đầu. Do đó, người nuôi cần duy trì chế độ quạt nước hợp lý, cung cấp các chế phẩm cho ao nuôi phải có chất lượng và quản lý khẩu phần thức ăn cho tôm phải chặt chẽ, tránh dư thừa.
Thời tiết như hiện nay, người nuôi nên thả mật độ thưa (30-40 con/m2). Nuôi ở mật độ này, người nuôi không những đối phó được những bất lợi do nắng nóng, hạn chế chi phí thức ăn, thuốc và hóa chất mà còn giúp hộ nuôi có thể nuôi tôm đạt trọng lượng 30-40 con/kg”.
Giá liên tục giảm
Thời tiết nắng nóng, mưa trái mùa, diễn biến bất thường khiến tôm chậm phát triển, thậm chí, một số diện tích, tôm bị chết. Cùng với đó, giá tôm xuống thấp khiến nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng lao đao. Hộ ông Nguyễn Văn Linh (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) là một trong những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng lâu năm trên địa bàn xã. Ông Linh cho biết: “Gia đình tôi có 4 ao nuôi, mỗi ao khoảng 0,3ha đất. Thời tiết thất thường, giá tôm lại giảm liên tục nên tôi chỉ đầu tư nuôi 2 ao, bỏ trống 2 ao. Nếu như trước đây, tôm thẻ loại 100 con/kg có giá khoảng 115.000-120.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ còn 95.000-100.000 đồng/kg”.
Giá tôm giảm liên tục
Còn anh Nguyễn Văn Bình (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) mới bán ao tôm loại 104 con/kg, giá 98.000 đồng/kg. Với giá này, anh không có lãi. Thời tiết khắc nghiệt làm tôm bị sốc nhiệt, dễ bị bệnh, vừa qua, ao tôm của gia đình anh Võ Văn Hoàng Nhật Nam (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) phải bán vội vì tôm chết.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, người nuôi tôm cần chủ động ao lắng để có thể cấp nước ao nuôi kịp thời, đồng thời theo dõi sự sinh trưởng của tôm, kịp thời phát hiện và xử lý dịch bệnh, tránh để lây lan./.
Tổng diện tích tôm thả nuôi toàn tỉnh đến nay khoảng 1.414,9ha, đạt 23,6% so với kế hoạch, bằng 133,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tôm sú 276,1ha, tôm thẻ chân trắng 1.138,8ha. Diện tích thu hoạch 719,6ha, năng suất bình quân ước 1,8 tấn/ha, sản lượng 1.296,7 tấn. Bên cạnh đó, diện tích tôm bị thiệt hại trong thời gian qua là 203,7ha.
Lê Huỳnh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.