Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 15/04/2017
Ngày cập nhật:
18/4/2017
Khát khao tiếp cận phương pháp nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, trong thời gian qua, Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh đã “bạo chi” hàng chục tỷ đồng để đầu tư, xây dựng hệ thống ao nuôi với nhiều giải pháp kỹ thuật mới. Đây có thể là sự khởi đầu cho một cuộc “cách mạng” về công nghệ, giữa bối cảnh nuôi trồng thủy sản hiện nay vẫn lênh đênh giữa “được và mất”.
Hệ thống ao nuôi công nghệ cao của Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh.
Bắt đầu từ thất bại
Là doanh nghiệp trẻ nhất tỉnh Ninh Bình khi mới thành lập (từ tháng 3-2017) song, về bề dày kinh nghiệm, những người lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh đã có gần 20 năm gắn bó với những ao đầm nuôi tôm. Ông Vũ Hải Đường, Giám đốc Công ty cho biết: Năm 2001, tôi cùng anh trai thuê 2ha đất để nuôi tôm sú, là một trong những người đầu tiên sử dụng phương pháp nuôi tôm công nghiệp tại địa phương.
Đến năm 2003 lại chuyển sang nuôi thử giống cua xanh. Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm thực tế, việc nuôi không thành công. Với mong muốn đi nhiều nơi để học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, tôi mua một chiếc xe 16 chỗ để chở khách thuê.
Hàng ngàn chuyến đi dọc chiều dài của Tổ quốc, từ Móng Cái cho đến Cà Mau đã khiến tôi vỡ lẽ ra nhiều điều. Gom nhặt kiến thức nuôi trồng thủy sản mỗi nơi một chút, đi đến đâu tôi cũng tìm đến những ao, đầm nuôi tôm tại địa phương đó để tham quan. Thấm thoát đã 5 năm trôi qua, năm 2011, tôi quyết tâm quay lại với nghề nuôi thủy sản.
Trong lần trở lại này, ông Đường chỉ thuê 6 mẫu đất để đào ao nuôi tôm. Với sự ủng hộ của gia đình cũng như bè bạn, cộng thêm kiến thức góp nhặt từ những năm tháng bôn ba vào Nam ra Bắc, cuối cùng ông Đường cũng đã tìm thấy hy vọng từ những vụ nuôi đầu thành công.
Với tiền lãi thu về, ông Đường cùng anh trai và một người bạn cùng góp vốn tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích khu nuôi trồng lên 3ha với hệ thống ao xử lý nước, ao ương và các ao nuôi vào năm 2013. Nhận thấy các ao nuôi chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, ông nghiên cứu cho lắp đặt những mái che khung nhôm nhằm giảm thiểu tác động của nắng mưa, bão gió... đến môi trường sống của tôm.
Nhờ đó mà năng suất và chất lượng tôm được nâng lên rõ rệt. Năm thành công nhất là năm 2014 với tổng sản lượng 2 vụ lên đến 60 tấn, lãi ròng lên đến 6,5 tỷ đồng.
Tưởng rằng thành công sẽ nối tiếp thành công nhưng ngay trong năm 2015, cả 2 vụ tôm đều mất trắng. Nguyên nhân được xác định là do con giống không phù hợp. Đến năm 2016, vụ tôm thứ 2 trong năm lại chịu thiệt hại nặng nề, thua lỗ. Ông nhận định: Người nuôi tôm thường có nguy cơ thất bại cao hơn vào vụ thứ 2 trong năm. Trong khi đó, năng suất tôm trên cùng một diện tích nuôi trồng vụ thứ 2 thường cao hơn so với vụ 1, giá thành cũng đắt hơn.
Bởi vậy, nếu nuôi thủy sản mà cứ mãi trong tình trạng “năm được, năm mất” thì đến bao giờ ngành thủy sản mới phát triển được, đến bao giờ người nuôi tôm mới giàu được, làm cách nào để nuôi thủy sản bền vững? Câu hỏi đó cứ canh cánh mãi và rồi lời giải được hiện hữu với quyết định xây dựng một khu nuôi thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trên diện tích 7ha, cũng là nơi đặt trụ sở Công ty hiện nay.
Dây chuyền nuôi tôm an toàn, hiệu quả
Với định hướng phát triển hệ thống nuôi thủy sản công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Công ty xác định 2 giai đoạn đầu tư xây dựng. Hiện giai đoạn 1 đã hoàn thành với 10 ao nuôi, dự tính giai đoạn 2 sẽ xây dựng thêm 8 ao nuôi. Ngay từ khâu quy hoạch, việc bố trí các ao nuôi, từng vùng từng thửa đã được thiết kế sẵn.
Ông Vũ Hồng Sơn, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật cho biết: Toàn bộ hệ thống ao nuôi sẽ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao, được bê tông hóa bờ, đáy. Phần mái sử dụng khung cáp chịu lực và 3 lớp lưới, ni-lông che phủ giúp giảm thiểu tối đa sự tác động của những yếu tố thời tiết ngoại cảnh. Hệ thống ao ương tôm bột riêng biệt nhằm tăng cao tỷ lệ sống của tôm khi bắt đầu tiếp xúc với môi trường sống tự nhiên. Sau đó, tôm sẽ được chuyển sang các ao nuôi.
Ông Sơn cho biết thêm, đối với nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm công nghiệp nói riêng, việc kiểm soát nguồn nước trong ao nuôi rất quan trọng. Công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống ao 4 cấp: ao chứa, ao xử lý, ao sẵn sàng và cuối cùng là ao nuôi. Nước lấy về phải tuần tự đi qua 4 ao trên mới có thể đảm bảo hợp vệ sinh. Thông thường, nước trong các ao nuôi được thay thế hàng ngày, từ 50-70%. Như vậy mới đủ đảm bảo cho tôm điều kiện sống tốt nhất.
Trong quá trình sinh trưởng của tôm tuyệt đối không sử dụng hóa chất hay các chất kháng sinh, thay thế vào đó là sử dụng phương pháp nhân sinh khối vi sinh vật, tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của vi sinh vật để lấn át các mầm mống gây bệnh. Bên cạnh đó, việc sử dụng mật rỉ đường với tỷ lệ 1:1, mỗi 1kg tôm giống sử dụng 1kg mật rỉ đường để hỗ trợ xử lý nước trong ao nuôi tôm công nghiệp. Mật rỉ đường là một phụ phẩm của ngành sản xuất đường, thu được sau khi kết tinh đường tinh thể.
Ngoài ra, để đảm bảo vệ sinh một cách tối đa, việc di chuyển ra-vào khu nuôi trồng bị hạn chế. Các công nhân làm việc tại đây cũng được trang bị đồng phục và ủng khi lao động. Hiện có 12 công nhân lành nghề đang làm việc tại khu ao nuôi, trong số đó có nhiều lao động trình độ cao đẳng trở lên... đã được tập huấn, đào tạo kỹ năng nuôi tôm công nghiệp, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy trình sản xuất công nghệ cao.
Trong quá trình nuôi tôm, nước thải là điều không tránh khỏi, vì vậy Công ty đã đầu tư các bể lắng xử lý nước thải từ các ao nuôi. Quá trình hoạt động trong các bể này sẽ giúp loại bỏ các chất thải, xả ra một hệ thống mương bao quanh khu ao nuôi.
Sau mỗi vụ thu hoạch tôm, song song với việc cải tạo ao nuôi là việc xử lý hệ thống mương chứa nước thải trên. Mương sẽ được nạo vét, rải vôi bột để khử trùng, sẵn sàng cho vụ tôm tiếp theo. Ông Sơn cũng phấn khởi cho biết thêm, năm 2015, mô hình đã được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội về tham quan.
Năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ của tỉnh cũng đã về kiểm nghiệm. Công ty đã hoàn tất thủ tục, hiện đang chờ giấy chứng nhận VietGap của cơ quan chức năng.
Theo vị Giám đốc Công ty, việc đầu tư để xây dựng ao nuôi công nghệ cao rộng 2.00m2 có chi phí khoảng 600 triệu đồng. Tuy số tiền đầu tư khá lớn song lợi ích thu về rất cao. Các hộ chăn nuôi cá thể cũng có thể áp dụng phương pháp này, sẽ góp phần lớn vào việc đảm bảo năng suất. Điều quan trọng nhất là phải làm chủ được kỹ thuật nuôi.
Trong thời gian tới đây, sau khi hoàn thành xây dựng giai đoạn 2 với tổng nguồn kinh phí dự kiến là 40 tỷ đồng, Công ty sẽ hướng tới hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tạo dựng thương hiệu, đồng thời dự kiến phát triển việc ương giống cấp 1, trở thành điểm cung cấp giống cho địa phương và các vùng lân cận.
Tham vọng lớn, công việc còn bộn bề song niềm mong mỏi lớn nhất mà Công ty hướng đến đó là góp phần phát triển ngành thủy sản cho địa phương, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch và an toàn, từ đó xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Thái Học – Đức Lam
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.