• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Rừng phòng hộ đang mất dần vì nuôi tôm

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 19/04/2017
Ngày cập nhật: 20/4/2017

Hàng chục ha đất rừng phòng hộ ở Vinh Mỹ (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) bị phá để nuôi tôm từ nhiều năm nay, gây ô nhiễm môi trường biển, mất “lá chắn” khu dân cư trong mùa mưa bão; trong khi việc tái lập mặt bằng, trồng cây phục hồi rừng chậm, khiến người dân bức xúc.

Nước thải bốc mùi từ các hồ tôm chảy thẳng ra biển ở Vinh Mỹ

Hàng chục ha rừng bị xâm lấn

Dù chưa bước vào vụ nuôi cao điểm nhưng ở các thôn 1, 2, 3 xã Vinh Mỹ, tình trạng ô nhiễm biển đã tràn lan bởi việc xả thải trực tiếp ra môi trường của cả trăm hồ tôm. Trong rừng phi lao, một số hồ nuôi tôm bắt đầu thả giống cho vụ mới. Dù có diện tích lớn (khoảng 2.500-3.000m2/hồ) nhưng đa số đều không có hồ lắng lọc, xử lý.

Anh Lại Công Cường, một hộ dân thôn 2 cho biết: “Nuôi tôm ở vùng này giờ đã mất kiểm soát. Ban đầu chỉ một vài hộ nuôi, bây giờ đã trên 100 hồ. Nước thải nuôi tôm không được xử lý, xả thẳng ra biển gây ô nhiễm môi trường, sạt lở rừng phi lao, rừng tràm tại đây”.

Trước đây, con mương tự nhiên dẫn từ vùng nuôi tôm có chiều dài khoảng 500m. Khi các hồ tôm phát triển ồ ạt, nước thải khiến hai bờ mương sạt lở, con mương theo dòng nước bị “xói” thêm khoảng 1,5km, tiến ra bờ biển. Tại đây, nước tù đọng ngay sát mép biển, khi đầy thì chảy tràn ra biển gây ô nhiễm biển nghiêm trọng.

Gần đường mương chạy ra biển là hệ thống ống nước dùng để hút nước vào hồ của các hộ dân nuôi tôm. Mỗi lần xả thải nước chảy mạnh đã làm nhiều cây phi lao, keo tràm bị xói gốc, đổ bên bờ mương. Ông Lương Quang Thạnh, một hộ dân thôn 1 bức xúc: “Trước đây khi bắt đầu phát triển con tôm thẻ chân trắng, đã có gần 20 ha đất rừng phòng hộ bị người dân đốn hạ. Rừng phòng hộ hiện nay tiếp tục bị phá để lấy đất nuôi tôm; nếu tính cả bờ thửa, ao thải thì đã có 36 ha rừng phòng hộ bị lấn chiếm nuôi tôm”. Đây là diện tích rừng được dân làng trồng cả trăm năm trước, giữ qua nhiều thế hệ nhằm làm “lá chắn” cho làng trong mùa mưa bão.

Nước thải đen ngòm thải ra từ khu nuôi tôm thôn 1,2 Vinh Mỹ

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, những hộ tôm nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn có nguy cơ “uy hiếp” hàng chục mồ mả của người dân ở các họ Lương, họ Lại tại đây. “Theo cam kết của chính quyền địa phương và các hộ có mồ mả bị ảnh hưởng, khoảng cách từ hồ nuôi tôm đến các khu lăng mộ phải trên 50m. Thế nhưng thực tế có nơi hồ nuôi tôm chỉ cách mồ mả, mộ tổ người dân chỉ 13-14m. Bà con kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết”, anh Lại Công Cường cho biết thêm.

Chậm trồng rừng thay thế

Việc lấn chiếm đất rừng phòng hộ để nuôi tôm trên cát diễn ra nhiều năm nay và đã có cả chục cuộc họp giữa các ban ngành các cấp về vấn đề này.

Từ năm 2015-2016, lợi dụng nghị quyết của HĐND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng sang sử dụng vào mục đích khác để thực hiện dự án xây dựng khu quy hoạch nuôi tôm xen ghép cao triều xã Vinh Mỹ, nhiều người dân địa phương chặt phá, lấn chiếm đất rừng phòng hộ đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 19,5ha khi chưa hoàn thiện các thủ tục cần thiết, chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép.

Sau khi người dân kiến nghị, các hộ lấn chiếm rừng đã bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, từ đó đến nay, công tác tái lập mặt bằng, trồng cây trên diện tích bị phá triển khai chậm, không hiệu quả.

Ông Phan Như Ý, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ thông tin, việc lấn chiếm rừng phòng hộ, nuôi tôm trên địa bàn, huyện, tỉnh đã có nhiều đoàn về kiểm tra, vào cuộc xử lý. Trước việc tiếp tục kiến nghị của người dân, xã đã cho kiểm tra lại, làm báo cáo gửi UBND huyện Phú Lộc trước ngày 10/4. Theo ông Ý, hiện trên địa bàn có 27 ha nuôi tôm trên cát; trong đó, có gần 20 ha đã đưa vào quy hoạch nuôi từ năm 2016; 7 ha còn lại nằm ngoài quy hoạch phát triển tôm thẻ chân trắng. Trong số này, có 4,3 ha ở thôn 1, đã bị 11 hộ dân chặt phá, lấn chiếm từ rừng phòng hộ từ tháng 4/2015, chính quyền địa phương đã đình chỉ việc đào ao, nuôi tôm tại đây; gần 3 ha còn lại là diện tích chuyển đổi từ rừng phòng hộ theo chủ trương của UBND huyện Phú Lộc sang nuôi trồng thủy sản từ năm 2011.

“Các hộ dân lấn chiếm rừng phòng hộ nuôi tôm trái phép, đã bị xử phạt hành chính với số tiền 144 triệu đồng trên diện tích 23,7 ha (26 trường hợp). Việc trồng lại rừng không hiệu quả là do thời gian qua, thời tiết khắc nghiệt, địa phương đã triển khai trồng 3 lần nhưng các cây con đều chết”, ông Ý nói.

Cũng theo ông Ý, hiện chính quyền xã đang siết chặt quản lý rừng phòng hộ và đang xin ý kiến huyện trồng cây trên diện tích đã tái lập lại mặt bằng hoặc trồng cây trên những hồ đã đào nhưng không triển khai nuôi. “Đối với những hồ tôm diện tích đã đào thì chuyển qua làm ao xử lý nước thải cho vùng nuôi tôm. Xã đang lồng ghép, hỗ trợ người dân nuôi tôm trên cát theo Quyết định 32 của UBND tỉnh để đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhằm tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên tôm”, ông Ý khẳng định.

Hà Nguyên

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang