• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Định: Khẩn trương khôi phục vùng nuôi tôm để vào vụ mới

Nguồn tin: Báo Bình Định, 12/01/2017
Ngày cập nhật: 15/1/2017

Gạt đi những mất mát, thiệt hại sau liên tiếp 5 đợt lũ dữ tàn phá, người nuôi tôm các xã khu Ðông thuộc các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Nhơn của tỉnh Bình Định đang khẩn trương xử lý môi trường, cải tạo ao hồ để khôi phục sản xuất.

Khó khăn lớn nhất của người nuôi tôm hiện nay là thiếu vốn, bởi hệ thống cơ sở hạ tầng, bờ bao, đìa nuôi tôm đã bị nước lũ làm vỡ đứt, sa bồi thủy phá, rất cần nguồn vốn lớn để khôi phục.

Vùng nuôi tôm xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt.

Khó khăn bộn bề

Lũ dữ đi qua đã gần 1 tháng, cuộc sống của người dân vùng rốn lũ Phước Sơn (huyện Tuy Phước) đang dần ổn định trở lại. Nhiều người dân bắt đầu đắp lại bờ, xử lý môi trường, cải tạo ao đầm để khôi phục sản xuất.

Đang bơm nước trong đìa ra, ông Nguyễn Anh Tuấn, một chủ hồ nuôi tôm ở thôn Vinh Quang 2, ngậm ngùi: “Liên tiếp các đợt lũ lụt vừa qua đã làm 10.000 m2 đìa nuôi tôm của gia đình tôi bị sạt lở nặng, thiệt hại ước tính hơn 100 triệu đồng. Hiện tôi đang tranh thủ cải tạo lại hồ để bước vào vụ sản xuất mới, nhưng nói thật là “bí” vốn. Nhiều năm nay, vùng nuôi tôm này thường xuyên bị mất mùa nên người nuôi tôm khó khăn lắm”.

Gần hồ nuôi tôm của ông Tuấn, do bị ngập trong nước lũ lâu ngày nên đìa tôm của ông Nguyễn Hớn đang đọng lại lớp bùn dày đặc, nước trong đìa bị ngọt hóa. Ông Hớn phải dùng máy bơm hết nước ra ngoài. Dự kiến, phải mất chừng nửa tháng, việc cải tạo ao đầm của gia đình ông Hớn mới hoàn tất.

Ông Hớn chia sẻ: “Ban đầu phải bơm hết nước, sau đó xúc hết lớp bùn đất trong đìa ra và rửa đìa. Tiếp đó, sẽ phơi nắng khoảng 1 tuần, rồi rải vôi bột để xử lý môi trường. Khi nguồn nước mặn phù hợp, sẽ lấy nước vào và “đánh” thuốc Cloramin B để tận diệt vi khuẩn có hại và mua tôm giống về thả. Dự kiến, chi phí cải tạo ao phải mất hơn 80 triệu đồng. Thế nhưng, liên tiếp các vụ nuôi tôm thất bát cùng với thiệt hại do lũ lụt làm vỡ nhiều đoạn bờ ao nên giờ tôi chưa tìm đâu ra vốn để đầu tư!”.

Theo ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước: Vụ nuôi năm 2017 này, toàn huyện dự kiến sẽ đưa vào nuôi tôm gần 1.000 ha mặt nước, tập trung tại các xã: Phước Thuận (317 ha), Phước Sơn (274 ha), Phước Hòa (327 ha), Phước Thắng (54 ha). Theo lịch thời vụ, từ ngày 15.2, các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh bắt đầu thả giống; với các vùng nuôi tôm quảng canh thời gian thả tôm từ ngày 1.3. Tuy nhiên, do hầu hết các vùng nuôi tôm bị lũ lụt tàn phá nặng trong khi người nuôi tôm gặp khó khăn về vốn đầu tư, nên nhiều hộ nuôi tôm còn “treo” ao, chưa chuẩn bị sẵn sàng để bước vào vụ mới. Huyện Tuy Phước đang kiến nghị ngành Nông nghiệp và UBND tỉnh có biện pháp hỗ trợ người nuôi tôm và tập trung vận động bà con đẩy nhanh việc khắc phục hậu quả lũ lụt, cải tạo ao hồ… nhằm bước vào vụ mới.

Tại huyện Phù Mỹ, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Các đợt lũ lụt liên tiếp xảy ra cuối năm 2016 gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp ước tính khoảng 300 tỉ đồng; trong đó, thiệt hại cho nuôi trồng thủy hải sản hơn 100 tỉ đồng. Riêng xã Mỹ Chánh có 320 ha mặt nước nuôi trồng thủy hải sản nhưng đã có đến 310 ha ao, hồ bị sạt lở, hư hỏng.

“Cái khó nhất của người nuôi tôm ở các xã khu Đông của huyện bây giờ là vốn để đầu tư cải tạo lại ao hồ và mua con giống. Để đầu tư làm lại một hồ nuôi tôm bằng bạt nylon rộng khoảng 5.000 m2 phải tốn ít nhất 100 triệu đồng. Bà con vừa bị mất trắng vụ nuôi tôm vừa qua, rồi lại bị ngân hàng đòi nợ cũ nữa, nay lấy đâu ra tiền. Ngoài kiến nghị ngân hàng cho vay thêm vốn, khoanh nợ cũ, huyện cũng đang đề nghị các đơn vị Quân đội, Công an, Đoàn Thanh niên... hỗ trợ về lực lượng để giúp người nuôi tôm khắc phục sa bồi, thủy phá ở các khu vực nuôi tôm” - ông Dũng cho biết.

Nỗ lực hỗ trợ người nuôi tôm

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Để kịp thời hỗ trợ người nuôi tôm khắc phục hậu quả lũ lụt, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với chính quyền các địa phương tổng hợp tình hình thiệt hại cụ thể của từng địa phương, để có cơ sở trình lên UBND tỉnh hỗ trợ theo Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 3.6.2013 của Chủ tịch UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra.

Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nuôi trồng thủy sản năm 2017, nhằm kiểm soát dịch bệnh và phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Trước mắt, để kịp sản xuất, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo chính quyền các địa phương hỗ trợ người nuôi tôm nhanh chóng khôi phục lại hệ thống bờ bao, tập trung vệ sinh môi trường trong và ngoài đầm tôm, cải tạo ao nuôi, phun thuốc khử trùng để tiến hành thả nuôi tôm trở lại.

Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo người nuôi tôm cần thực hiện đúng khung lịch thời vụ đã ban hành. Trong đó, với các vùng nuôi tôm trên cát, bắt đầu thả con giống từ đầu tháng 2, các vùng cao triều thả con giống từ ngày 15.2, các vùng còn lại thả con giống từ đầu tháng 3.

Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường quản lý môi trường ao nuôi; nuôi luân canh cá - tôm, thả nuôi cá rô phi tại ao lắng để xử lý chất cặn bã trước khi thải ra môi trường; sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý cải tạo ao nuôi, nhằm bảo đảm vụ nuôi thành công.

Đồng thời, ngành chức năng tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường và giám sát các vùng nuôi tôm trọng điểm, thường xuyên khuyến cáo người nuôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, lựa chọn tôm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vụ nuôi tôm thắng lợi...

NGUYỄN HÂN

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang