Nguồn tin: Báo ảnh Đất Mũi, 22/04/2017
Ngày cập nhật:
28/4/2017
LTS: Sau thông điệp được phát đi của người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị ngành tôm Việt Nam tổ chức ở tỉnh Cà Mau vào đầu năm 2017, cùng với chủ trương thống nhất của Chính phủ về phát triển ngành tôm của Cà Mau và Bạc Liêu trước đó, nhiều tỉnh trọng điểm phát triển ngành tôm ở ĐBSCL đã bắt tay tiến hành quy hoạch lại ngành tôm nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, với quyết tâm và kỳ vọng rất lớn.
Tại Cà Mau, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp đã có những động thái tích cực nhằm đưa ngành tôm phát triển toàn diện cả chiều rộng lẫn chiều sâu một cách hiệu quả, bền vững, hướng đến nền công nghiệp trong sản xuất tôm, đưa nông dân nuôi tôm trở thành công nhân ngay trên mảnh đất của mình, theo mô hình liên kết, hợp tác sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị nhằm gia tăng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường thế giới. Chưa khi nào ngành tôm lại được tác động mạnh mẽ như hiện nay, với những tính toán mang tầm chiến lược với kỳ vọng lớn lao ngành tôm sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế tỉnh nhà, góp phần cho sự phát triển vượt bậc của ngành tôm Việt Nam.
Góp tiếng nói vào phát triển ngành tôm Cà Mau trên chặng đường mới, Báo ảnh Đất Mũi có loạt bài phân tích những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội, nhất là trong quyết sách về tái cơ cấu lại ngành hàng, nhằm khẳng định vai trò, nâng cao vị thế ngành tôm của địa phương với cả nước và hội nhập cùng thế giới.
Bài 1: Tiềm năng chưa được khai thác đúng mức
Từ ngành hàng đứng vị trí cuối trong nhóm cơ cấu kinh tế nông nghiệp của một tỉnh thuộc vùng châu thổ Cửu Long, trên cơ sở tận dụng triệt để lợi thế từ vị trí địa lý, khai thác tiềm năng vùng đất ngập ven biển, ngư nghiệp ở Cà Mau đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành ngành hàng chủ lực, trọng tâm là nghề nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm. Từ đó, đưa đời sống người nuôi tôm trở nên khấm khá, nâng tầm thương hiệu và xây dựng thế đứng Cà Mau trên bản đồ ngành tôm Việt Nam.
Năng lực xuất khẩu từ con tôm chiếm tỷ trọng lớn nhưng giá trị không cao, vì phần lớn là sản phẩm thô.
Phát triển nhanh nhưng chưa ổn định
Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nhất là từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm xen canh hay chuyên canh luôn diễn ra, để thấy rằng khát vọng làm giàu từ con tôm ngày càng lớn mạnh, đưa diện tích nuôi tôm trên địa bàn hiện nay lên con số 278.642ha theo hệ sinh thái mặn, lợ với nhiều loại hình sản xuất: Siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp.
Cùng với sản xuất, hệ thống nhà máy chế biến xuất khẩu sản phẩm tôm ở Cà Mau thuộc vào loại bậc nhất và đứng đầu thế giới cả về quy mô và công nghệ. 31 nhà máy chế biến tôm, công suất thiết kế trên 250.000 tấn thành phẩm/năm, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại chỗ. Hệ thống dịch vụ phục vụ cho nghề nuôi tôm phát triển khá mạnh. Lực lượng cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản khá đông đảo. Nguồn lao động trong lĩnh vực nuôi tôm dồi dào, hiện có trên 300.000 lao động.
Song, theo nhận định của ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua nghề nuôi tôm Cà Mau phát triển chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Trong nhiều vấn đề ảnh hưởng đến nghề nuôi tôm, rõ thấy nhất là hệ thống hạ tầng. Dù đã chuyển đổi quy hoạch sản xuất từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm cách nay 17 năm, ngay như ở huyện Đầm Dơi là địa phương chuyển đổi đầu tiên, tuy nhiên đến nay hệ thống thủy lợi nơi này vẫn chưa đáp ứng nghề nuôi, thì các địa phương khác tất yếu gặp nhiều khó khăn hơn.
Hệ thống thủy lợi cho nuôi tôm ở Cà Mau qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung quy hoạch, tuy nhiên đến nay không có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; năng lực cấp thoát nước còn rất hạn chế nên vấn đề ô nhiễm nguồn nước, lây lan dịch bệnh từ nuôi trồng thủy sản là rất lớn. Dù đến nay chỉ có 15/18 tiểu vùng Nam Cà Mau được phê duyệt, nhưng cũng chỉ có 5 tiểu vùng đang trong quá trình đầu tư xây dựng.
Ông Châu Công Bằng cho biết, nguồn vốn đầu tư cho quy hoạch thủy lợi còn rất hạn chế nên chủ yếu tập trung đầu tư nạo vét các kênh trục, kênh cấp 1, cấp 2 và một số tuyến đê bức xúc, để tạo thông thoáng nguồn nước phục vụ cho vùng nuôi tôm và hệ thống công trình đê, cống ngăn mặn bảo vệ sản xuất ở vùng ngọt.
Phụ thuộc và bị động
Hiện trạng vùng nuôi tôm ở Cà Mau đã qua và hiện nay như những đốm da beo. Do công tác quy hoạch, thực hiện và quản lý quy hoạch không theo kịp tốc độ và thiếu tính dự báo phát triển của nghề nuôi, trong khi tác động của biến đổi khí hậu quá nhanh, đã dẫn đến người sản xuất tự chuyển đổi hình thức của nghề nuôi liên tục. Vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh truyền thống cứ đan xen vào nhau, tùy theo diện tích và khả năng tài chính mà người sản xuất tự quyết định ứng dụng hình thức sản xuất, dẫn đến những xung đột, làm cho nghề nuôi thiếu đảm bảo. Vùng ngọt Thới Bình, vùng lợ U Minh giờ cũng đã chuyển phần lớn diện tích đất chuyên lúa, đất rừng sang nuôi tôm; vùng rừng ngập Ngọc Hiển nay cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều diện tích nuôi tôm công nghiệp… Có thể thấy rằng, nghề nuôi tôm ở Cà Mau chưa từng theo quy hoạch, điều này được minh chứng khi hầu hết không kê khai được sản xuất.
Bên cạnh thủy lợi, hàng loạt vấn đề khác từ con giống, thức ăn, thú y thủy sản… đều chưa có sự chuẩn bị, dẫn đến bị động và phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ các tỉnh, kể cả nhập khẩu nước ngoài. Từ điện phục vụ sinh hoạt nay chuyển sang sản xuất là vấn đề quá lớn đối với tỉnh. Và dù có nhiều cố gắng, song đến nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% cho nghề nuôi. Đối với năng lực chế biến xuất khẩu, tổng sản lượng trên 155.000 tấn, tuy nhiên hàng năm chỉ có khoảng 63.000 tấn sản phẩm tôm các loại được chế biến xuất khẩu qua dây chuyền công nghệ hiện đại và mang về giá trị kinh tế cao, còn lại trên 92.000 tấn sản phẩm tôm được xuất đi trong tình trạng sản phẩm thô, mới qua sơ chế. Chính điều này khiến con tôm Cà Mau khi xuất tỉnh thường mang về giá trị không cao…
Thiên Trường
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.