Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 01/05/2017
Ngày cập nhật:
3/5/2017
"Người nuôi tôm đang rất thiếu vốn để nâng cấp, mở rộng mô hình nuôi. Nhưng do vướng cơ chế, nên các ngân hàng thương mại rất thận trọng, khiến nhiều diện tích nuôi tôm phải bỏ trống" - ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh chia sẻ tại buổi đối thoại chính sách tín dụng liên kết theo chuỗi giá trị con tôm do Vụ Chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa tổ chức tại Sóc Trăng.
Khó ở "sổ đỏ" và phương án sản xuất
Ngày 9-6-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (gọi tắt là Nghị định 55). Ông Ngô Công Luận, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông ngư 14-10, ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, bức xúc: "Tới thời điểm hiện nay, Nghị định 55 đã có hiệu lực được gần 2 năm. Tuy nhiên, hầu như người nuôi tôm chưa thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng theo Nghị định này, kể cả các HTX, hay tổ hợp tác (THT) đã thực hiện hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp. Nguyên nhân chính là do các quy định về thủ tục cho vay còn quá phức tạp, vượt khả năng hiện tại của người nuôi tôm".
Tỉnh Sóc Trăng có nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả nhưng khó nhân rộng vì thiếu vốn.
Liên quan đến thủ tục vay vốn, ông Mã Thanh Hồng, Giám đốc HTX Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, đặt vấn đề: "Hiện tại, hầu như sổ đỏ của người nuôi tôm đều đã ở ngân hàng hết rồi. Trong khi theo Nghị định 55 dù là cho vay tín chấp, không làm thủ tục thế chấp, nhưng người nuôi vẫn phải gởi sổ đỏ hoặc giấy xác nhận nguồn gốc đất đang canh tác cho ngân hàng?! Quy định này gần như "bít cửa" đối với người nuôi tôm trong tiếp cận với nguồn vốn tín dụng theo Nghị định. Một khi người nuôi tôm không có đủ vốn để nuôi, thì làm gì có đủ tôm bán cho nhà máy chế biến và như vậy thì lấy đâu ra đủ chỉ tiêu xuất khẩu tôm?".
Ông Mai Văn Đấu, Giám đốc HTX Toàn Thắng, thị xã Vĩnh Châu, nêu một khó khăn khác: "Hiện HTX Toàn Thắng đang thực hiện nuôi tôm sạch. Nhưng để xây dựng một phương án sản xuất khả thi, thuyết phục được ngân hàng cho vay là hết sức khó khăn". Về vấn đề này, theo đại diện Dự án Oxfam, tới đây Oxfam và Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng sẽ phối hợp hỗ trợ HTX, THT xây dựng các phương án sản xuất theo liên kết chuỗi. Nếu thấy cần thiết, Oxfam sẽ đề nghị Icafish (Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững) thuê tư vấn để thực hiện công việc này, nhằm giúp HTX, THT của dự án tiếp cận được nguồn vốn tín dụng theo Nghị định 55.
Cần một gói vay thời điểm
Thực tế ở Sóc Trăng cho thấy, một số doanh nghiệp nuôi tôm có đủ vốn, kỹ thuật hầu hết đều thành công rất cao. Sóc Trăng hiện cũng có một số mô hình nuôi tôm thành công cao nhưng chưa thể nhân rộng do người nuôi còn thiếu vốn. Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng do vướng cơ chế, nên các ngân hàng rất thận trọng trong cho vay nuôi tôm, khiến nhiều diện tích nuôi tôm buộc phải bỏ trống. "Theo tôi, cái vướng lớn nhất hiện nay khi tiếp cận vốn tín dụng là người nuôi không còn sổ đỏ, còn tài sản thế chấp khác thì lại rất ít. Nguyên nhân chính là nghề nuôi tôm của chúng ta đến nay vẫn chưa thật sự bền vững, mức độ rủi ro còn cao, khiến ngân hàng không dám đầu tư" - ông Nhiệm thẳng thắn chỉ rõ.
Các đại lý cung ứng vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm dù vẫn rất thận trọng như các ngân hàng, nhưng linh hoạt, nhạy bén hơn. Bởi, các đơn vị này luôn chọn lọc đối tượng và thời điểm ít rủi ro nhất để đầu tư. Đối với một số khách hàng uy tín, các đại lý hợp tác chặt chẽ với các công ty, cử cán bộ kỹ thuật xuống khảo sát ngay từ khâu cải tạo ao, xử lý nước, khi tất cả đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật thì mới cho vay. Ông Nguyễn Văn Nhiệm dẫn chứng: "Thông thường, khi tôm thẻ được 60 ngày là có thể hòa vốn đến có lời. Vì vậy, khi tôm được 60 ngày trở đi, các đại lý không ngại cho người nuôi tôm mua hàng trả chậm đến thu hoạch. Cách cho vay theo thời điểm này, tuy chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu nguồn vốn, nhưng cũng giúp người nuôi giảm bớt áp lực về vốn, còn đại lý thì an tâm hơn về nguồn vốn của mình".
Do đó, ông Nhiệm cho biết: "Các ngân hàng nên nghiên cứu các gói tín dụng thời điểm như các đại lý đã áp dụng để giúp người nuôi tôm giảm nhẹ nỗi lo về vốn. Ưu đãi lãi suất là tốt, nhưng người nuôi tôm cần hơn cả ưu đãi lãi suất chính là một cơ chế cùng thủ tục vay vốn thuận tiện và linh hoạt để họ có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng và đầy đủ hơn". Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho rằng: "Đối với gói sản phẩm cho từng giai đoạn nuôi tôm, các ngân hàng hoàn toàn có thể thực hiện được. Ngay cả đại lý còn biết khi nào mới cần đầu tư để đảm bảo hiệu quả nhất, nên ngân hàng với nghiệp vụ chuyên môn sâu không thể nói là không làm được".
Để cho vay theo chuỗi hiệu quả
Bên cạnh việc đề xuất gói vay, vấn đề quản lý nguồn vốn vay cũng như bảo lãnh tín dụng cũng được người nuôi tôm kiến nghị sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn. Ông Mai Văn Đấu, Giám đốc HTX Toàn Thắng, chia sẻ: "Vay vốn thực hiện theo chuỗi là rất tốt vì người nuôi tôm không sử dụng tiền mặt, mà chủ yếu thanh toán qua thẻ tín dụng. Tuy nhiên, để thuận lợi và giúp HTX chủ động hơn khi vay theo chuỗi, nên để HTX tự quản lý nguồn vốn bằng tài khoản của mình, vì có những việc, những mặt hàng vẫn cần phải sử dụng tiền mặt. Ngoài ra, ngân hàng cũng có thể thực hiện bằng hình thức bảo lãnh tín dụng cho HTX, vì hiện tại, các HTX đều có quan hệ làm ăn trực tiếp với doanh nghiệp".
Để việc cho vay theo chuỗi hiệu quả hơn, theo ông Nguyễn Văn Nhiệm cần bổ sung vào chuỗi đơn vị tư vấn độc lập. Đơn vị tư vấn này có trách nhiệm giúp ngân hàng và người nuôi kiểm tra các khâu trong quy trình sản xuất đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của chuỗi. Một khó khăn khác trong liên kết chuỗi hiện nay cũng được ông Nhiệm chỉ ra là các doanh nghiệp có sản phẩm uy tín, được người nuôi tín nhiệm thường không chịu tham gia. Bởi theo ông Nhiệm lý giải, tại hầu hết các vùng nuôi, ngân hàng đều có các đại lý lớn đảm nhận, mức độ an toàn cao hơn. Còn nếu ngân hàng tham gia, người nuôi vẫn phải giao dịch qua hệ thống đại lý, không giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp. Chỉ có những đơn vị ít tên tuổi mới nhiệt tình tham gia vào chuỗi. Nhưng sản phẩm của các đơn vị này lại ít được người nuôi chấp nhận nên cũng gặp khó.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, cho rằng, nếu không thực hiện tốt liên kết chuỗi giá trị sẽ rất khó để đạt mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỉ USD cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh cho con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Vì vậy, các khâu trong chuỗi giá trị cần phải minh bạch, rõ ràng để các bên có thể hợp tác tốt với nhau trong việc cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận.
Hoàng Nhã
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.