Nguồn tin: Báo An Giang, 03/05/2017
Ngày cập nhật:
4/5/2017
Năm 2017, Trung tâm Giống thủy sản (TTGTS) tỉnh An Giang thực hiện “Dự án nhân rộng mô hình ương giống tôm càng xanh toàn đực (TCXTĐ) nhằm khôi phục hệ thống sản xuất TCX trong tỉnh để sản xuất giống, đáp ứng nhu cầu con giống trong tỉnh và một phần cho khu vực ĐBSCL. TTGTS tỉnh sẽ chuyển giao công nghệ ương giống TCXTĐ từ ấu trùng cho 4 cơ sở sản xuất giống TCX trong tỉnh. Hiện, dự án đang triển khai thực hiện, được các cơ sở đánh giá rất cao.
Dự án do kỹ sư Nguyễn Minh Thư, TTGTS tỉnh làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện dự án 15 tháng (từ tháng 2-2017 đến tháng 5-2018), tổng kinh phí thực hiện khoảng 1,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học 550 triệu đồng. Dự án thực hiện 5 nội dung chính: Chọn lựa địa điểm triển khai; bố trí sản xuất thử nghiệm; tập huấn kỹ thuật sản xuất giống TCX; tổ chức 1 chuyến học tập kinh nghiệm tại tỉnh Bạc Liêu. Mục tiêu khôi phục và phát triển hệ thống sản xuất giống TCX, từng bước giải quyết vấn đề cả về số lượng lẫn chất lượng con giống TCXTĐ trong toàn tỉnh và một số khu vực lân cận, góp phần ổn định sản xuất, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân vùng nông thôn An Giang.
Thu hoạch tôm càng xanh toàn đực
Phó Giám đốc TTGTS tỉnh Phan Hồng Cương cho biết: “Hiện tỉnh đang triển khai rất nhiều chương trình liên quan đến con giống TCXTĐ như: Dự án “Nuôi TCXTĐ trong ao đất tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020”; “Cải tiến và nhân rộng mô hình nuôi TCXTĐ đạt tiêu chuẩn VietGAP”; dự án WB triển khai tại huyện An Phú, sau khi dự án kết thúc sẽ đạt 1.000 héc-ta diện tích TCX. Theo quy hoạch của UBND huyện Thoại Sơn, dự kiến đến năm 2020, diện tích nuôi TCX sẽ đạt 500 héc-ta. Căn cứ vào các nguồn nhu cầu nêu trên, cùng với việc khôi phục nghề ương giống TCX, dự án “Nhân rộng mô hình ương giống TCXTĐ trên địa bàn tỉnh An Giang” được thực hiện là rất cần thiết”.
Trung tâm đã chọn và xây dựng mô hình thử nghiệm tại 4 cơ sở sản xuất giống TCX ở Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, TP. Long Xuyên, với thể tích bể ương 200 m3, mật độ ương 100 con/lít, dự kiến tỷ lệ sống bình quân 40%, số lượng tôm post cung ứng ra thị trường 8 triệu con, tỷ suất lợi nhuận 30-50%. Hiện các trại đã chuẩn bị cơ sở vật chất, nhận ấu trùng về ương. Anh Nguyễn Thiện Toàn, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ An Giang cho biết: “Trung tâm có đầy đủ cơ sở vật chất, trại sản xuất 50m2, thể tích bể ương 15m3, có khả năng sản xuất 2 triệu post/năm, đủ năng lực tham gia mô hình thực hiện sản xuất giống TCXTĐ do TTGTS chủ trì. Tôi đã đi tham quan học tập kinh nghiệm mô hình ương giống TCXTĐ ở Bạc Liêu. Đây là đối tượng nuôi mới có khả năng nhân rộng ở An Giang và các tỉnh ĐBSCL”.
Cơ sở lựa chọn quy trình áp dụng, Kỹ sư Nguyễn Minh Thư cho biết: “Năm 2014 - 2015, TTGTS lập kế hoạch xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao “Ứng dụng công nghệ nhà màng để ổn định quy trình và nâng cao tỷ lệ sống của TCX từ giai đoạn ấu trùng đến giai đoạn post 15”, thực hiện tại Trại giống Bình Thạnh, cơ sở 1 (TTGTS) đã cho thấy hiệu quả và tính ưu việt của công nghệ được lựa chọn. Đánh giá trên sản lượng thu hoạch tôm post cho thấy, kết quả của 3 đợt sản xuất có khuynh hướng tăng và đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra trong kế hoạch (mục tiêu tỷ lệ sống đạt 50%), tỷ lệ sống tăng qua từng đợt cho thấy quy trình sản xuất ngày càng ổn định và hiệu quả”.
Dự án thực hiện thành công sẽ tái thiết lập hệ thống sản xuất giống TCX trong tỉnh với chất lượng tốt hơn, năng suất ổn định, mang lại lợi nhuận và tạo thêm việc làm cho người tham gia lao động tại các cơ sở sản xuất giống, góp phần nâng cao năng lực tự cung cấp con giống cho người nuôi trong tỉnh, chủ động nguyên liệu đầu vào, dễ dàng thiết lập các chuỗi giá trị sản phẩm, với quy trình sản xuất khép kín từ con giống đến tôm thương phẩm, tăng tính cạnh tranh của TCX trong tỉnh, từ đó tăng tiềm năng xuất khẩu TCX. Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng, không chỉ cho tỉnh An Giang, mà còn cho các tỉnh khu vực ĐBSCL. Giải quyết lao động nông thôn, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn lao động trẻ tại nông thôn, với những cập nhật các kiến thức mới về sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao góp phần làm giảm sự mất cân bằng về thành phần dân số giữa thành thị và nông thôn.
Nói về khả năng ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng kết quả của dự án, ông Cương cho biết: “Quy trình sản xuất giống TCXTĐ tại Trại giống Bình Thạnh -cơ sở 1 đã khẳng định được sự ổn định thông qua kết quả sản xuất với tỷ lệ sống đạt từ 25-35%, tỷ lệ sống bình quân đạt 30%. Từ tháng 1 - 2016 đến tháng 9 - 2016, trung tâm đã ký hợp đồng và giao tôm post 15 cho khoảng 69 cá nhân và hơn 17 triệu tôm post đã được thả nuôi. Tuy nhiên, số lượng sản xuất này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người nuôi trong tỉnh. Mặt khác, nhu cầu thả nuôi con giống TCXTĐ vẫn đang tiếp tục tăng cao, do nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL ngày càng bị thuyết phục bởi chất lượng và hiệu quả con TCXTĐ mang lại. Dựa trên kết quả thực tế sản xuất tại Trại giống Bình Thạnh - cơ sở 1, trung tâm hoàn toàn có khả năng chuyển giao quy trình kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất giống TCX trong tỉnh”.
Hạnh Châu
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.