• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khát vọng… tôm sạch - Bài 1: Lắm trò “làm bẩn” con tôm để thu lợi

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 03/05/2017
Ngày cập nhật: 6/5/2017

Chỉ vì lợi nhuận mà một bộ phận người nuôi tôm đã lạm dụng phân thuốc để đạt sản lượng. Đến khi xuất bán, nhiều cơ sở thu mua lại tiếp tục bơm tạp chất cho con tôm mập mạp, bắt mắt. Chưa hết, đến lúc vào các cơ sở sơ chế thì con tôm còn được “tắm” hóa chất để có thể tươi rói trong thời gian dài.

Đội kiểm tra liên ngành bắt các trường hợp vận chuyển tôm bơm tạp chất. Ảnh: M.Đ

Sau khi Thủ tướng Chính phủ “tuyên chiến” với nạn bơm tạp chất vào tôm thì mới đây lại tiếp tục ban hành Nghị định 39 có nội dung “Không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản” (có hiệu lực từ ngày 20/5/2017), khiến cho việc quản lý chất lượng tôm ở các tỉnh, thành trong cả nước nói chung, Bạc Liêu nói riêng đang “nóng” hơn bao giờ hết! Nhiều văn bản, kế hoạch được triển khai; nhiều cuộc họp bàn, thanh, kiểm tra đã và đang diễn ra khắp nơi.

Bẩn từ ao nuôi…

Bạc Liêu là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất nhì Việt Nam, với khoảng 130.000ha. Tuy nhiên, con tôm Bạc Liêu ít nhiều vẫn còn bị “dính mác” tôm “bẩn”, bởi trong quá trình nuôi, để đạt sản lượng cao, một bộ phận nông dân đã lạm dụng thức ăn tăng trọng, thuốc dưỡng, kháng sinh… Việc sử dụng phân, thuốc một cách vô tội vạ đã làm tích tụ dư lượng kháng sinh trong thịt tôm, tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe cộng đồng.

Anh M.H.K (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Gia đình tôi có 8 ao nuôi tôm công nghiệp với diện tích 16.000m2. Nếu tôm không bệnh thì trung bình mỗi tháng chi tiền mua thức ăn, thuốc dưỡng, thuốc ngừa bệnh… khoảng 20 triệu đồng. Còn lúc con tôm phát bệnh thì chi tiền mua thuốc kháng sinh không biết bao nhiêu mà kể”. Anh K. thừa nhận: “Ai nuôi tôm công nghiệp cũng phải sử dụng kháng sinh. Không thì khó thành công!”.

Chị H.H.N (TX. Giá Rai) cũng cho biết: “Lúc tôm có dấu hiệu phát bệnh thì phải “đánh” thuốc nhiều vô kể. Đến nỗi khi bắt tôm lên, gia đình tôi không dám ăn vì sợ ngộ độc”.

Trò chuyện với nhiều người nuôi tôm, chúng tôi nhận thấy rằng, nhằm cứu những vụ tôm sắp “gãy”, người nuôi sẽ làm đủ mọi cách, sử dụng bất cứ thuốc gì miễn sao cho tôm hết bệnh. Họ thậm chí sử dụng thuốc kháng sinh dùng cho người, thuốc cấm để trị bệnh cho tôm như: Chloramphenicol 250mg, Doxycycline 100mg, Tetracylin 500mg, Enrofloxacin… Đó là chưa kể, họ còn bị các đại lý bán thuốc thú y “dụ” mua thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc dỏm độc hại. Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn là một số nông dân lại không biết có những loại thuốc nằm trong danh mục cấm sử dụng và họ cũng chẳng quan tâm đến chuyện người tiêu dùng sẽ ra sao nếu ăn tôm nuôi bằng những thứ thuốc ấy.

… Đến thu mua, chế biến

Không chỉ “ngậm” kháng sinh trong ao nuôi, mà khi thu hoạch, con tôm còn bị các cơ sở thu mua “cho ăn” tạp chất độc hại. Có lần, chúng tôi thâm nhập vào một cơ sở thu mua tôm nguyên liệu ở xã Phong Thạnh (TX. Giá Rai), vừa bước vào, chúng tôi suýt nôn ói bởi mùi tanh hôi nồng nặc của tôm lẫn với tạp chất xộc vào mũi. Nhưng có lẽ đã “quen mùi” nên hàng chục công nhân vẫn hăng say làm việc, tay thoăn thoắt dùng kim bơm tạp chất vào mang, đuôi và thân từng con tôm một. Sau khi bơm xong, con tôm dạng đuôi ra, thân phù lên bóng lưỡng. Trong cơ sở này, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với tạp chất agar (bột rau câu), bởi cái mùi hôi thối chủ yếu bốc ra từ đây. “Bột này có mùi nặng quá mà chích vào tôm thì sao người ta chịu mua?”, chúng tôi bắt chuyện với một công nhân. “Bị ôi thiu nên mới hôi vậy đó. Nhưng khỏi lo, chỉ cần đổ thuốc tẩy vào là bán mùi hết ngay”, vừa nói chị vừa cầm chai mà chị gọi là “thuốc tẩy” đổ vào. Chứng kiến tận mắt cảnh tượng ấy, chúng tôi không khỏi rùng mình. Theo bật mí của chủ cơ sở, ngày thường anh thu mua vài trăm ký tôm nguyên liệu, nhưng đến con nước thì lên đến 2 - 3 tấn. 1kg tôm sau khi bơm tạp chất vào sẽ tăng trọng lượng lên khoảng 1,2kg. Được biết, cơ sở mua tôm này đã tồn tại khoảng chục năm nay. Ngày nào hoạt động chích tôm cũng diễn ra ì xèo, tới con nước là công nhân tập trung bơm, chích cả ngày lẫn đêm.

Cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi có trở lại cơ sở này để ghi nhận tình hình bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu. Nhìn bề ngoài thì phần nào lắng xuống bởi thời gian gần đây ngành chức năng kiểm tra, xử lý liên tục. Tuy nhiên, một số người dân sống cạnh bên cho biết, thực chất chủ cơ sở đã tẩu tán tôm đến chỗ này chỗ nọ để tiếp tục thực hiện hành vi làm “bẩn” tôm nhằm thu lợi. Ở những cơ sở khác cũng tương tự, để qua mắt ngành chức năng, các cơ sở đã chia lẻ số lượng tôm ra nhiều nơi mà bơm, chích và liên tục thay đổi địa điểm; trước kia bơm rau câu thì giờ bơm nước để khó bị phát hiện…

Nguyên nhân khiến các cơ sở bơm tạp chất vào tôm được chị Hà Thị Kiều (chủ cơ sở thu mua tôm nguyên liệu ở ấp Khúc Tréo A, xã Tân Phong, TX. Giá Rai bị ngành chức năng bắt giữ hơn 50kg tôm có chích tạp chất cách đây không lâu) lý giải: “Vì cạnh tranh, nên giá chúng tôi mua vào thường ngang bằng, thậm chí cao hơn giá bán lại cho các công ty chế biến, bởi vậy buộc lòng phải chích thì mới có lời”. Khi chúng tôi hỏi “các công ty chế biến có biết tôm bị bơm tạp chất hay không?”, chị Kiều bảo “biết chứ, nhưng họ không quan tâm, tôm chích hay không đều mua giá bằng nhau, vì chủ yếu họ cần sản lượng”.

Theo Sở NN&PTNT, việc đưa tạp chất (chủ yếu là rau câu, nước) vào tôm nguyên liệu đã diễn ra gần… 20 năm qua. Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng chưa giải quyết triệt để. Trong năm 2016 đã thanh, kiểm tra và phát hiện 32 trường hợp với số lượng trên 2,6 tấn, xử phạt hành chính với số tiền tới trên 2,1 tỷ đồng. Đầu năm 2017 đến hết tháng 3, nhất là từ khi Thủ tướng Chính phủ “tuyên chiến” với nạn bơm tạp chất vào tôm, ngành chức năng Bạc Liêu khẩn trương thực hiện 25 lượt kiểm tra, phát hiện 15 trường hợp vi phạm với tổng số lượng gần 3,5 tấn tôm, xử vi phạm hành chính 11 trường hợp với số tiền 844 triệu đồng. Mới đây nhất, ngày 26/4 đã bắt thêm một xe tải chở 9 thùng tôm sú với trọng lượng khoảng 324kg có chứa tạp chất “lạ” - CMC (phụ gia tạo đặc dùng trong thực phẩm).

Ông Hà Văn Buôl, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, cho rằng: Sở dĩ việc ngăn chặn tình trạng tôm bị làm “bẩn” thời gian qua chưa đạt hiệu quả là do các nhà máy chế biến, các chợ đầu mối vẫn còn thu mua tôm bẩn để đưa ra thị trường tiêu thụ; sự liên kết giữa các ngành, các cấp trong công tác dẹp vấn nạn này chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ, trong khi đó địa bàn thì rộng, nhiều cơ sở lại nằm ở vùng sâu, vùng xa gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý; hành vi làm bẩn tôm ngày càng tinh vi; hình thức xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe; lực lượng thanh tra thiếu thiết bị kiểm tra để phát hiện tôm bị làm “bẩn”…

Thực trạng làm “bẩn” con tôm để trục lợi đã và đang làm mất uy tín con tôm Bạc Liêu trên thị trường, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Tại hội nghị “Phát triển ngành tôm Việt Nam” tổ chức vào tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Chính phủ sẽ “tuyên chiến” với những hành vi bơm nước, hóa chất, tạp chất, chì vào tôm để trục lợi bất chính...”. Thủ tướng cũng yêu cầu, trước mắt phải triển khai có kết quả Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu đối với 4 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Minh Đạt - Khả Trâm

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang