Nguồn tin: Báo Gia Lai, 06/05/2017
Ngày cập nhật:
7/5/2017
Với hệ thống sông suối cùng nhiều hồ chứa nước của các công trình thủy điện và thủy lợi, Gia Lai rất có tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, phong trào nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh dù có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Làm thế nào để hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, trở thành một trong những ngành có nhiều đóng góp vào nền kinh tế của tỉnh… vẫn còn là bài toán khó.
Thu hoạch cá tại hồ chứa Ayun Hạ. Ảnh: Trần Hiếu
Trữ lượng khoảng 23 tỷ m3 nước ngọt phân bổ trên hệ thống các con sông lớn và hệ thống hồ chứa của công trình thủy lợi và thủy điện (khoảng 150 hồ chứa) là điều kiện rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh khá đa dạng và phong phú với các loài cá tự nhiên có giá trị kinh tế cao như: thát lát, anh vũ, ngựa xám, lăng nha, chình hoa và tai tượng… cùng với các loài cá du nhập vào địa bàn tỉnh như: trắm cỏ, rô phi, điêu hồng, chép, rô đầu vuông…
Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2011 đạt con số 1.319,5 ha. Đến năm 2016, diện tích này chỉ còn 1.002,5 ha. Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản cao nhất là năm 2013 với 1.380 ha. Những năm sau, diện tích nuôi trồng thủy sản có chiều hướng giảm dần do thời tiết thay đổi, nắng hạn thường xuyên dẫn đến nguồn nước bị cạn kiệt.
Hiện nay, hoạt động nuôi trồng thủy sản chủ yếu nhỏ, lẻ theo hộ gia đình với quy mô trung bình khoảng 200-500 m2/ao. Nhờ đầu tư về vốn, kỹ thuật nên năng suất và sản lượng thủy sản đã có những bước tiến đáng kể. Nếu sản lượng thủy sản năm 2011 đạt 1.932 tấn thì đến năm 2016 đạt 2.334,2 tấn. Tương tự, năng suất năm 2011 đạt 1,464 tấn/ha thì đến năm 2016 đạt 2,33 tấn/ha.
Mặc dù tiềm năng nuôi trồng và phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh là rất lớn nhưng hoạt động nuôi trồng thủy sản vẫn chưa tương xứng. Theo đó, hoạt động khai thác thủy sản có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ người dân tại chỗ. Bên cạnh đó, phương tiện, kỹ thuật khai thác theo phương pháp thủ công, truyền thống. Các dịch vụ hậu cần còn hạn chế, cơ sở cung cấp dịch vụ cho việc phát triển thủy sản còn yếu và thiếu. Việc đầu tư phát triển thủy sản còn hạn chế, chưa được chú trọng. Diện tích mặt nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện chưa được quan tâm đầu tư khảo sát để có cơ sở phát triển nuôi cá hồ chứa và nuôi lồng bè.
Ông Phan Trung Tường-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: Hoạt động nuôi trồng thủy sản chưa phát triển mạnh là do đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu nên nguồn nước khó đảm bảo vừa nuôi trồng vừa phục vụ tưới cây công nghiệp nên diện tích nuôi trồng cũng giảm. Đặc biệt, các địa phương chưa có cán bộ chuyên môn theo dõi, tư vấn và hướng dẫn khai thác… Vì vậy, cần có những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy phong trào nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, ông Phạm Xuân Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang thì cho rằng: Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách đầu tư tạo điều kiện cho các địa phương có tiềm năng nuôi trồng thủy sản phát triển.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên nhấn mạnh: Trong những năm qua, phong trào nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển đáng kể, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các sở, ngành và địa phương. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành chưa cao. Trong thời gian tới, các địa phương cần đánh giá lại kết quả đạt được trong phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2011-2016, đề xuất giải pháp phát triển phù hợp trong giai đoạn 2017-2020. Theo đó, ngành Nông nghiệp và PTNT cần tăng cường kiểm tra chất lượng con giống, thức ăn thủy sản; tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về nghề nuôi trồng thủy sản. Cùng với việc duy trì nuôi các loại cá truyền thống thì cần nghiên cứu nuôi các loại cá chất lượng cao góp phần nâng cao giá trị thủy sản.
Theo kế hoạch, diện tích tham gia hoạt động thủy sản dự kiến trong năm 2017 là 14.300 ha. Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 1.200 ha, diện tích khai thác khoảng 13.100 ha. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 24.340 ha. Trong đó, diện tích nuôi là 1.500 ha, diện tích khai thác 22.840 ha, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 16,52%. (Nguồn: UBND tỉnh)
Nguyễn Diệp
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.