Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 05/05/2017
Ngày cập nhật:
7/5/2017
Con tôm là thực phẩm xuất hiện thường xuyên trong thực đơn của các gia đình, quán ăn, nhà hàng… Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, vì trục lợi mà một bộ phận người nuôi và cơ sở thu mua, sơ chế đã không ngần ngại làm “bẩn”, khiến vị thế, uy tín của tôm Bạc Liêu nói riêng, Việt Nam nói chung ít nhiều bị giảm sút trên thị trường quốc tế.
Một công đoạn chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: M.Đ
Sản phẩm xuất khẩu chủ lực
Con tôm là thế mạnh lớn nhất của Bạc Liêu với diện tích nuôi trồng hiện tại trên 130.000ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 101.000 tấn (đứng thứ hai cả nước, chỉ sau tỉnh Cà Mau), mang lại giá trị hơn 11.500 tỷ đồng. Diện tích, sản lượng và giá trị này đang tiếp tục tăng lên.
Cùng với nuôi trồng thủy sản, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nằm trong tốp đầu của cả nước về giá trị, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 21 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm. Thị trường xuất khẩu tôm của Bạc Liêu cũng rất rộng mở với trên 10 quốc gia và khối liên minh kinh tế, trong đó có những thị trường lớn, khó tính như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… với kim ngạch hơn 450 triệu USD, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Xuất khẩu tôm của tỉnh trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nhất trong ngành Nông nghiệp. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, sản lượng thủy sản xuất khẩu hơn 9.500 tấn, chủ yếu là tôm; kim ngạch xuất khẩu đạt 99,2 triệu USD. Đó là những minh chứng sống động cho thấy con tôm là sản phẩm hàng hóa quan trọng, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bạc Liêu.
Bí thư Tỉnh ủy - Lê Minh Khái khẳng định: “Bạc Liêu xác định nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế quan trọng, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trong đó mũi nhọn là con tôm. Do đó, Bạc Liêu rất quan tâm trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi tôm cũng như các doanh nghiệp về đất đai, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nguồn nhân lực…”. Theo đó, ngoài việc đầu tư cho cây lúa như xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, tỉnh cũng từng bước đầu tư cho con tôm. Hướng tới xây dựng các cánh đồng tôm lớn, tạo vùng nguyên liệu tôm chất lượng phục vụ cho xuất khẩu và khẳng định thương hiệu, chất lượng con tôm Bạc Liêu.
“Điệp khúc” rớt giá, trả hàng vẫn còn đeo đẳng
Mặc dù được xem là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhưng chính nạn “làm bẩn” tôm đã phần nào cản trở bước tiến con tôm Bạc Liêu trên thị trường thế giới. Trên thực tế, so với giá xuất khẩu của các nước thì con tôm của Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng rẻ hơn rất nhiều. Đáng nói nhất là đã có những lô hàng đã bị trả về do tồn trữ dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm Việt Nam (trong đó có Bạc Liêu) chất lượng tốt, nhất là tôm nuôi theo các mô hình sinh thái, tôm - rừng, tôm - lúa và tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính. Tuy nhiên, tình trạng tôm nhiễm kháng sinh, bị bơm tạp chất, việc xuất khẩu tôm không được kiểm soát chất lượng chặt chẽ cũng đang gây khó khăn, làm mất uy tín chất lượng tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Chị Đ.P, nhân viên một công ty chế biến thủy sản trên địa bàn TP. Bạc Liêu cho biết, trước tình hình con tôm bị làm “bẩn” mà nhất là vấn nạn bơm chích tạp chất, để có nguồn tôm nguyên liệu sạch phục vụ chế biến xuất khẩu, công ty chọn các cơ sở thu mua uy tín hoặc trực tiếp thu mua từ các ao tôm chất lượng. Vì các trường hợp xuất khẩu sang các nước trong khối EU - thị trường khó tính - khi họ bốc ngẫu nhiên mẫu tôm có chứa tạp chất thì họ sẽ trả cả lô hàng về, khiến doanh nghiệp thiệt hại rất lớn.
Công ty Cổ phẩn Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu u Vững thì liên kết với tổ hợp tác Thành Công 1 (TX. Giá Rai) tiêu thụ tôm nuôi trên diện tích 104ha. Được biết năm 2016, 52 hộ nuôi tôm quy mô nhỏ liên kết lại thành tổ hợp tác Thành Công 1 và đã được tổ chức Control Union trao chứng nhận ASC cho 88,9ha tôm quảng canh cải tiến. Còn Công ty TNHH Chế biến thủy sản xuất khẩu Thiên Phú cũng đã xây dựng vùng nguyên liệu tôm sạch với diện tích 352ha tôm quảng canh của các hộ dân ở xã Định Thành (huyện Đông Hải). Ông Nguyễn Hoàng Ly, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Định Thành, cho biết: “Thực hiện chuỗi liên kết “4 nhà” trong tiêu thụ sản phẩm tôm cho nông dân và đảm bảo nguồn tôm sạch cung cấp cho thị trường xuất khẩu, trong thời gian tới UBND xã sẽ đề nghị Công ty TNHH CBTS XK Thiên Phú mở rộng diện tích bao tiêu tôm sạch lên 500ha”.
Để tránh tình trạng rớt giá, trả hàng, công ty chế biến đã xây dựng được nguồn tôm nguyên liệu sạch bằng những cách như thế. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, chỉ có vài công ty làm theo hình thức này và sản lượng tôm cũng chưa nhiều.
Ngại nói về tình trạng bơm tạp chất?
Trong quá trình trao đổi với các công ty chế biến thủy sản, chúng tôi nhận thấy rằng khi đề cập đến “thực trạng bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu đã gây khó khăn gì cho công ty?” thì một số công ty ngại nói thẳng, nói thật về vấn đề này. Họ chỉ trả lời đại khái như “cũng có khó khăn, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công ty. Vì công ty đã xây dựng được nguồn tôm nguyên liệu sạch và ổn định bằng cách liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã thu mua tôm trực tiếp của nông dân, hoặc mở rộng thị trường thu mua ra các tỉnh - thành phố trong nước, nhập khẩu tôm nguyên liệu của một số quốc gia trên thế giới”…
Chúng tôi cũng đã xem báo cáo của một số nhà máy chế biến và thấy là họ chỉ đề cập đến tình trạng thiếu nguồn tôm nguyên liệu, thiếu lao động, rào cản kỹ thuật thương mại tại các thị trường nhập khẩu…, chứ hiếm khi đề cập đến khó khăn do vấn nạn bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu và cũng không đề xuất hướng xử lý.
Trong khi đó, các cơ sở thu mua tôm nguyên liệu thì “bật mí” rằng đa phần các lô hàng tôm bơm tạp chất đều được họ đem bán lại cho những công ty, nhà máy chế biến trong tỉnh. Như bài viết trước có dẫn lời chị Hà Thị Kiều (chủ cơ sở thu mua tôm nguyên liệu ở ấp Khúc Tréo A, xã Tân Phong, TX. Giá Rai): “Họ (công ty chế biến) không quan tâm (đến việc bơm tạp chất), tôm chích hay không đều mua giá bằng nhau, vì chủ yếu họ cần sản lượng”. Trong báo cáo của Sở NN&PTNT về kết quả kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu đã thẳng thắn nhìn nhận: “Vì lợi nhuận và nguồn nguyên liệu đôi lúc khan hiếm nên một số doanh nghiệp chưa quyết tâm “Nói không với tạp chất”. Một cán bộ quản lý ngành Nông nghiệp của tỉnh cũng chia sẻ: “Nếu công ty chế biến không mua thì các cơ sở thu mua tôm nguyên liệu sao dám bơm tạp chất vào tôm, bơm thì biết bán cho ai. Sở dĩ họ né tránh đề cập đến khó khăn này là vì ai lại thừa nhận mình mua tôm bẩn để chế biến?!”.
Các chủ cơ sở thì khẳng định là bán tôm bơm tạp chất cho các công ty chế biến, nhưng công ty nào cũng khẳng định mình chỉ mua tôm sạch (?). Trên thực tế, cơ sở bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu hoạt động khắp nơi trong tỉnh, nếu các nhà máy chế biến từ chối tất cả những lô hàng đó thì làm sao mỗi nhà máy có nguồn tôm nguyên liệu để chế biến đến mấy ngàn tấn hàng năm? Và nếu chỉ mua nguyên liệu sạch thì tại sao có những lô hàng đã bị trả về do nhiễm kháng sinh, nhiễm khuẩn, tồn dư tạp chất?... Những câu hỏi này ngành chức năng tỉnh khó có thể trả lời, vì căn cứ vào Nghị quyết số 35 của Chính phủ về “Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020” thì thẩm quyền quản lý, thanh - kiểm tra của tỉnh đối với nhà máy chế biến rất hạn chế, UBND tỉnh chỉ được “thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá 1 lần/năm”. Theo quy định, các nhà máy do cấp Bộ, Cục cấp phép, quản lý. Bởi vậy, xin được gửi thắc mắc này đến cấp Bộ, Cục!
Minh Đạt - Khả Trâm
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.