Nguồn tin: Báo ảnh Đất Mũi, 06/05/2017
Ngày cập nhật:
8/5/2017
Trong các dự án mà Cà Mau cần phải tập trung ưu tiên thực hiện, được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Phát triển ngành tôm Việt Nam năm 2017, trong đó nhấn mạnh đến việc tích tụ ruộng đất và phát triển liên kết chuỗi giá trị ngành tôm. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải: “Khi có chủ trương, hỗ trợ của Chính phủ, Cà Mau sẽ chọn lựa, hoàn thiện các chính sách phù hợp để ban hành thực hiện”.
Tạo bước đột phá nâng cao sản lượng, Cà Mau chú trọng phát triển hình thức nuôi tôm siêu thâm canh, phấn đấu năm nay đạt 500ha.
Sẽ đạt mục tiêu 1.000ha nuôi siêu thâm canh vào năm 2020
Với mục tiêu đến năm 2020 Cà Mau có 1.000ha nuôi tôm siêu thâm canh, nhiều địa phương trong tỉnh lo lắng tìm đất sạch thực hiện những khu nuôi tôm tập trung. Theo ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, tuy là địa phương đi đầu trong nuôi tôm, nhất là nuôi tôm công nghiệp và nay là nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh, nhưng hiện cũng đang nuôi phân tán, rất khó hoàn thiện hạ tầng phục vụ theo hình thức nuôi mới. Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, ông Lý Hoàng Tiến cùng nỗi lo: “Là địa phương mới phát triển hình thức nuôi tôm công nghiệp gần đây, hiện nay trên địa bàn đã có nhiều nơi nuôi theo hình thức siêu thâm canh cho hiệu quả, đang có chiều hướng phát triển nhiều hơn, nhưng cũng không tập trung, rất đáng lo ngại trong tương lai”.
Nói về mục tiêu 1.000ha nuôi siêu thâm canh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải khẳng định Cà Mau sẽ làm được. Theo đó, khu đất 145ha tại ấp Lưu Hoa Thanh, huyện Đầm Dơi mới vừa được tỉnh thu hồi sau thời gian giao cho Công ty CP Nuôi trồng và Chế biển thủy sản Mỏ Ó - Sóc Trăng sản xuất không hiệu quả; tại huyện Trần Văn Thời có khoảng 400ha; tại huyện Ngọc Hiển có khoảng 200ha… “Ngay cả những khu rừng kinh tế sản xuất kém hiệu quả, chúng ta cũng có thể chuyển đổi sang vùng nuôi tôm tập trung, cùng với đó là trồng rừng thay thế ở vị trí khác”, Chủ tịch UBND tỉnh gợi ý.
Đối với diện tích đang sản xuất nhỏ lẻ trong dân, để thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, chính quyền sẽ đứng ra bàn bạc với dân, đất được tập hợp cho tổ chức, doanh nghiệp thuê nuôi tôm tập trung, người dân sẽ trở thành những công nhân ngay trên vùng nuôi. Đất của người này để nuôi, thì đất kế cận dùng làm ao lắng, người dân và doanh nghiệp đều có trách nhiệm và quyền lợi với vùng nuôi. Nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật nuôi sẽ do doanh nghiệp đảm nhận. Nhà nước sẽ đầu tư hoàn thiện về hạ tầng cho vùng nuôi. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể tập hợp, liên kết thành lập những hợp tác xã, tổ hợp tác để cùng xây dựng phương án sản xuất, có được nguồn vốn đầu tư; hợp tác với các doanh nghiệp cung ứng thức ăn, giống, kể cả khoa học - kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.
Năng lực chế biến xuất khẩu tôm của Cà Mau hiện đứng đầu cả nước.
Kết quả đang tiến triển tốt đẹp
Với mô hình doanh nghiệp xã hội, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đi đầu trong kết hợp với người dân góp đất cùng đơn vị sản xuất, cung ứng nguồn nguyên liệu sạch, có chỉ dẫn địa lý, tạo chuỗi liên kết sản xuất, gia tăng sản phẩm, xây dựng thương hiệu con tôm Cà Mau. Từ sự khởi xướng này đã và đang có sức lan tỏa đối với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực thủy sản ở cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đã có gần 1.000 hộ với tổng diện tích trên 5.000ha ở xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển kết hợp cùng Tập đoàn Minh Phú sản xuất theo chuỗi cung ứng giá trị. Tuy chưa phải là mô hình hoàn thiện nhất về tích tụ ruộng đất để tạo ra vùng nuôi tập trung, quy mô lớn, năng suất cao, nhưng đây cũng là hướng mở, hình thức mới cần được phát huy, đúng với chủ trương liên kết sản xuất chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và người dân. Hướng đi này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi và đề nghị nên phát huy, nhất là đối với con tôm sinh thái ở Cà Mau, hướng tới xây dựng thương hiệu con tôm Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung trong cuộc cạnh tranh cùng con tôm thế giới vốn đang lớn mạnh.
Từ bước tiến trong tái cơ cấu ngành tôm nói riêng, ngành Nông nghiệp Cà Mau làm đầu mối xúc tiến ký kết 24 hợp đồng thỏa thuận liên kết giữa 10 doanh nghiệp với 6 tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm (có 393 hộ), diện tích 721,7ha để cung ứng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học; xây dựng vùng nguyên liệu nuôi tôm có chứng nhận quốc tế, gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm… Đã tổ chức đánh giá và cấp chứng nhận VietGAP đầu tiên tại Cà Mau cho 2 tổ hợp tác nuôi tôm với quy mô 198,7ha, gồm 178 hộ được công nhận.
Cùng với các hình thức nuôi khác, sự chuyển động bước đầu của ngành tôm Cà Mau theo hình thức nuôi siêu thâm canh đang mang lại kết quả tốt đẹp, tạo đột phá mới, để từ đây tác động đến tư duy, làm thay đổi nhận thức trong sản xuất, góp phần cho ngành tôm nói riêng và nông nghiệp Cà Mau nói chung có những chuyển biến tích cực, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như cạnh tranh với các địa phương trong nước và thế giới. Tại Hội nghị Phát triển ngành tôm Việt Nam được tổ chức vào đầu năm nay ở tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải cùng đi”. Từ sự gợi mở này, ngành tôm Cà Mau đang hoàn thiện lại hướng đi thích hợp và bền vững, không những nâng cao năng suất mà phải kèm theo đó là chất lượng, tăng tính hiệu quả.
Ngành tôm Cà Mau không những muốn đi xa, mà còn quyết tâm đi nhanh, khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế, biến yếu tố bất lợi thành những điều kiện cơ bản để tăng tốc phát triển. Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đang được lấy ý kiến hoàn thiện từ tỉnh đến Trung ương. Đề án sẽ sớm được thông qua, cùng với kết quả đang tiến triển tốt đẹp hiện tại, cho thấy sự chuyển động tích cực của ngành tôm Cà Mau với kỳ vọng lên tầm cao mới.
Với mục tiêu tạo đột phá về sản lượng, năm 2017, Cà Mau phấn đấu có khoảng 500ha nuôi siêu thâm canh, năng suất 20 tấn/ha, sản lượng thu về 10.000 tấn/năm. Đến năm 2020, nâng năng suất lên 22 tấn/ha, sản lượng đạt 22.000 tấn và đến năm 2030, đưa tổng diện tích nuôi lên 2.000ha, năng suất nâng lên 25 tấn/ha, sản lượng đạt 50.000 tấn trong tổng số 415 ngàn tấn tôm của cả tỉnh.
Theo dự thảo Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, dự kiến giai đoạn 2017 - 2020, tổng nguồn đầu tư cho ngành tôm Cà Mau là 21.952 tỷ đồng; giai đoạn 2020 - 2030 là 28.473 tỷ đồng, từ nhiều nguồn khác nhau.
Thiên Trường
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.