Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 08/05/2017
Ngày cập nhật:
10/5/2017
Ngày 05/5/2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Phát triển nuôi tôm thâm canh đạt hiệu quả cao và bền vững”.
Ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Bộ NN&PTNT); ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và bà Phan Thị Thu Oanh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu đồng chủ trì diễn đàn. Diễn đàn vinh dự được đón ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đến dự và phát biểu chào mừng.
Tham dự diễn đàn có 252 đại biểu, trong đó có khoảng 170 đại biểu là nông dân đến từ 08 tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh.
Toàn cảnh Diễn đàn
Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã được nghe trình bày 6 báo cáo của các cơ quan trung ương và tỉnh Bạc Liêu, báo cáo mô hình nuôi tôm hiệu quả cao và bền vững của nông dân đến từ Cà Mau và Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Diễn đàn đã nhận được 35 câu hỏi của đại biểu tham dự và được Ban chủ tọa, Ban cố vấn trả lời trực tiếp tại diễn đàn. Các câu hỏi tập trung vào các vấn đề chính như cách sử dụng chế phẩm sinh học, chất lượng tôm giống, cách phòng và trị các bệnh về tôm, thức ăn trong nuôi tôm, quy trình kỹ thuật nuôi tôm, gây màu nước, cắt tảo, thiết bị thông minh trong nuôi tôm….
Tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) đang được nuôi tại 30 tỉnh, thành phố và trở thành sản phẩm hàng hóa có sản lượng lớn của nước ta. Tính đến hết năm 2016, tổng diện tích nuôi tôm khoảng 690 nghìn ha (trong đó tôm sú khoảng 600 nghìn ha, tôm thẻ chân trắng khoảng 90 nghìn ha). Tổng sản lượng thu hoạch đạt khoảng 657 nghìn tấn, trong đó tôm sú là khoảng 264 nghìn tấn, tôm thẻ khoảng 393 nghìn tấn. Năm 2016, nước ta đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, tôm thẻ chân trắng chiếm khoảng 60%, tôm sú chiếm khoảng 29%, còn lại là tôm biển khác.
Nước ta đã hình thành vùng sản xuất tôm giống tập trung tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Cà Mau và Bạc Liêu. Hiện đã có hơn 2.300 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ (trong đó khoảng hơn 1.800 cơ sở sản xuất giống tôm sú và trên 500 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng). Cả nước có khoảng 400 cơ sở sản xuất, nhập khẩu thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; Khoảng 350 cơ sở chuyên và không không chuyên chế biến tôm với công suất trên 1,4 triệu tấn/năm.
Các đại biểu thăm khu sản xuất tôm giống tại Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, ngành nuôi tôm Việt Nam còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ để phát triển bền vững.
Nước ta chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, chưa thể chủ động cung ứng giống, khoảng 90% tôm chân trắng bố mẹ nhập ngoại. Nước ta mới chỉ có giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh phục vụ cho nuôi quảng canh; Giá thành sản xuất tôm còn cao; Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ ảnh hưởng xấu đến uy tín và sản phẩm tôm Việt Nam; Phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo; Công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh hiện đang rất hạn chế chưa được quan tâm đầu tư, năng suất, hiệu quả chưa cao; Nền sản xuất manh mún, nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; Công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ nuôi tôm nhiều địa phương còn thiếu hoặc hoạt động chưa hiệu quả; Cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt.
Từ những tồn tại, hạn chế trên, Tổng cục Thủy sản đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó một số giải pháp trọng tâm phát triển nuôi tôm nước lợ như sau:
- Về tổ chức lại sản xuất: Rà soát quy hoạch, nâng cấp hạ tầng, trước hết là cơ sở hạ tầng, điện tại các vùng nuôi tôm công nghiệp; Tập trung các cơ sở sản xuất nuôi tôm thành các tổ hợp tác, Hợp tác xã; Đánh số vùng nuôi tôm để phục vụ cho công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Đưa công nghệ thông tin vào quản lý và sản xuất ngành tôm.
- Về áp dụng khoa học công nghệ và giải pháp kỹ thuật: Giao các cơ quan chuyên môn tập trung, nghiên cứu chọn tạo, đảm bảo trước 2025 đủ tôm giống bố mẹ sạch bệnh, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh; Hoàn thiện công nghệ để chủ động sản xuất thức ăn trong nước phục vụ nuôi tôm; Vận động các tổ chức, cá nhân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các biện pháp quản lý tiên tiến vào các vùng sản xuất; Tổng kết, đánh giá các mô hình tôm hiệu quả để nhân rộng; tăng cường chuyển giao, nâng cấp và áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến tôm để nâng cao tỷ trọng hàng giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các nước xuất khẩu.
- Về phát triển thị trường và xúc tiến thương mại: Phối hợp các ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu thông tin về thị trường trong nước và trên thế giới về thị hiếu tiêu dùng, chủng loại sản phẩm,...; Tổ chức phát triển các trung tâm giao dịch, minh bạch hóa thị trường; Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, củng cố các thị trường truyền thống và phát triển mở rộng các thị trường mới như Trung Đông, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á; Tăng cường quảng bá và xây dựng thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm Việt Nam ở các thị trường trọng điểm...
- Về giải pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường trong ngành tôm: Lồng ghép các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng... vào các chương trình, đề án, dự án phát triển nuôi tôm tập trung để có những phương pháp, giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả; Hoàn thiện hệ thống thông tin, cảnh báo tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường; Xây dựng các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với từng vùng sinh thái...
- Về cơ chế chính sách: Khuyến khích áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất ở các khâu của chuỗi sản xuất tôm; Xây dựng, thực hiện tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa tạo vùng sản xuất lớn, tập trung; Miễn, giảm thuế đất, thuế môn bài, phí môi trường, thủy lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm tôm; Chính sách tín dụng ưu đãi đặc biệt đối với đầu tư phát triển ngành tôm;
Mô hình nuôi tôm thâm canh của công ty Trúc Anh
Tổng kết diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đề nghị:
- Đối với Bộ Nông nghiệp&PTNT: Tiếp tục chỉ đạo, quản lý sát sao chất lượng tôm giống, chế phẩm sinh học, thuốc kháng sinh, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
- Đối với các viện, trường, doanh nghiệp: Tiếp tục nghiên cứu sản xuất con giống có hệ số thức ăn thấp, tỷ lệ sống cao, nhanh lớn, sạch bệnh và tiến tới kháng bệnh, hạ giá thành để có giá bán thấp.
- Đối với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố: Cần tập trung xây dựng các mô hình có hiệu quả cao và bền vững, nuôi tôm an toàn thực phẩm, không sử dụng kháng sinh, hóa chất và tổ chức nhân rộng mô hình. Tăng cường tổ chức đưa nông dân đi thăm quan thực tế; Đẩy mạnh đào tạo tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm hiệu quả bền vững cho người dân.
- Đối với các cơ quan thông tấn, báo chí: Giới thiệu các mô hình nuôi tôm hiệu quả, bền vững, an toàn thực phẩm, mô hình theo chuỗi, các hợp tác xã, tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả, mô hình làm theo chuỗi...
- Đối với các hộ nông dân: Mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; Tăng cường liên kết trong sản xuất, không nên làm nhỏ lẻ, manh mún; Tích cực tham quan thực tế học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp, nông dân với các nhà khoa học, các nhà quản lý...
Các đại biểu trao đổi kinh nghiệm nuôi tôm với cán bộ kỹ thuật của công ty Trúc Anh
Nguyễn Nhung - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.