Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 08/05/2017
Ngày cập nhật:
10/5/2017
Trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước (như kết luận của Thủ tướng Chính phủ) và xây dựng con tôm trở thành thương hiệu quốc gia là mục tiêu Bạc Liêu đang quyết tâm đạt được. Đây không phải là tham vọng xa vời mà Bạc Liêu hoàn toàn có khả năng vươn tới khi có sự chung sức, chung lòng từ người nuôi tôm, công ty chế biến, các ngành, các cấp của tỉnh và sự hậu thuẫn của Trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty Việt Úc - Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ
Đã có điều kiện “cần”
Với mục tiêu đứng đầu cả nước về nuôi tôm sạch, tỉnh đã ban hành đề án “Tái cơ cấu ngành Thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”. Đặc biệt, năm 2016, một tin vui lớn đã đến với ngành tôm tỉnh nhà. Đó là được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xây dựng “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”. Ngay khi có chủ trương, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung đã đề nghị các sở, ngành liên quan và TP. Bạc Liêu nhanh chóng có quỹ đất để thực hiện dự án tại xã Vĩnh Trạch Đông. Bộ NN&PTNT cùng Bộ KH-CN, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT cũng đang hỗ trợ Bạc Liêu hình thành khu công nghệ cao về nuôi tôm.
Bên cạnh “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” thì tỉnh cũng đã có những mô hình nuôi tôm sạch như: nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh ở phía Nam Quốc lộ 1A, nuôi tôm sinh thái theo hình thức quảng canh cải tiến kết hợp tôm - rừng; vùng chuyên lúa phía Bắc Quốc lộ 1A còn có các mô hình kết hợp tôm - lúa, lúa - tôm càng xanh, tôm - cua... Không chỉ vậy, Bạc Liêu chính là tỉnh tiên phong xây dựng thành công một số mô hình nuôi tôm tiên tiến bậc nhất cả nước, chẳng hạn: mô hình nuôi tôm của “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn được chứng nhận là quy trình sản xuất tôm sạch bền vững; quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn ít thay nước ứng dụng công nghệ của Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh; nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty Việt Úc - Bạc Liêu… Những dự án, mô hình nuôi tôm sạch, tôm sinh thái này chính là ưu thế để Bạc Liêu xây dựng hình ảnh tôm sạch, thân thiện với môi trường.
Muốn tạo ra sản phẩm tôm sạch thì trước tiên con giống phải sạch. Nhận thức được điều này nên việc đầu tư phát triển con giống được tỉnh khuyến khích phát triển từ rất sớm. Hiện Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống phục vụ cả vùng ĐBSCL, với khoảng 200 cơ sở, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 25 tỷ con post.
Sản phẩm tôm sạch là phải sạch từ ao nuôi đến bàn ăn. Vì vậy, cùng với việc phát triển con giống và các mô hình nuôi tôm an toàn, thì tỉnh cũng đang mạnh tay dẹp nạn “làm bẩn” tôm nguyên liệu. Theo Sở NN&PTNT, Bạc Liêu quyết tâm đến hết năm 2017, 100% cơ sở nuôi tôm và 100% cơ sở thu mua, chế biến tôm trên địa bàn ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu vào năm 2018! Và để hiện thực hóa mục tiêu đó, Bạc Liêu đang tích cực phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) và những tỉnh lân cận… tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển tôm. UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT, Công an, Sở Công thương thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tố giác hành vi bơm tạp chất vào tôm. Tên, địa chỉ, kết quả xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đặc biệt, UBND các huyện, thị, thành phố đã ký cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh không để tình trạng bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu diễn ra. Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, cho biết: “Sau khi ký cam kết, chúng tôi chỉ đạo Phòng Nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn đến các cơ sở thu mua tôm nguyên liệu tuyên truyền, vận động, đồng thời, các cơ sở đã ký cam kết không bơm tạp chất vào tôm. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn cũng ký cam kết và chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để tình trạng bơm tạp chất vào tôm xảy ra trên địa bàn mình quản lý”.
Riêng về công tác quản lý việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản theo Nghị định 39 Chính phủ vừa ban hành thì ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chia sẻ: “Trước đây, do không có điều kiện về máy móc nên cán bộ thú y kiểm tra kháng sinh trong thuốc thú y, thủy sản chỉ lấy mẫu gửi Trung tâm Thú y vùng kiểm tra. Nhưng tới đây, chúng tôi sẽ kết hợp với Trung tâm Thú y vùng kiểm tra các hộ kinh doanh thuốc thú y, thủy sản và “test” mẫu nhanh tại chỗ, khi phát hiện sản phẩm nào dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép sẽ xử lý nghiêm!”.
... Và mong chờ điều kiện “đủ”
Tuy nhiên, phát triển những mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm sạch và sự quyết tâm của các ngành chức năng trong việc dẹp nạn tôm “bẩn” chỉ mới là điều kiện “cần”. Để khát vọng tôm sạch của Bạc Liêu trở thành hiện thực thì phải có thêm những điều kiện “đủ” như: sự hỗ trợ của Trung ương, sự đồng thuận của doanh nghiệp chế biến thủy sản và người nuôi tôm...
Theo ngành chức năng thì hiện Bạc Liêu chưa có đầy đủ thiết bị kiểm tra để phát hiện chất cấm, kháng sinh tồn trữ trong tôm nguyên liệu. “Nếu như bắt giữ những lô hàng nghi ngờ có chứa kháng sinh vượt mức cho phép, lấy mẫu gửi đi kiểm tra 3 - 4 ngày mới có kết quả, mà kết quả lại không có, lỡ các lô hàng bị hư hỏng thì làm sao bồi thường nổi. Bởi vậy, rất mong Trung ương hỗ trợ thêm các thiết bị kiểm tra”, ông Hà Văn Buôl, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT nêu ý kiến.
Các hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe cũng đang khiến công tác dẹp tình trạng “làm bẩn” con tôm gặp khó. Nhiều ý kiến đề xuất tăng hình phạt đối với vấn nạn này. Mặt khác, các nhà máy chế biến đều do cấp Cục, Bộ cấp phép và quản lý, vậy nên thời gian qua tỉnh chỉ thanh - kiểm tra (việc mua tôm bơm tạp chất để chế biến) được “phần ngọn” mà thôi. Và tất nhiên, kết quả thu được khó đảm bảo chính xác. Nên chăng, Trung ương hãy mạnh dạn trao quyền quản lý cho địa phương để việc thanh - kiểm tra được thực hiện thuận lợi hơn.
Một e ngại nữa là nếu Bạc Liêu làm mạnh tay đối với công ty chế biến thì sẽ gây thất thoát lớn nguồn tôm nguyên liệu. Có nghĩa là khi các công ty chế biến trong tỉnh không dám mua tôm chích tạp chất thì các cơ sở thu mua tôm nguyên liệu sẽ chở đi bán cho các công ty ở những tỉnh lân cận như: Sóc Trăng, Cà Mau… - nếu các tỉnh này vẫn mua. Bởi vậy, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cả vùng, chứ không chỉ đơn phương Bạc Liêu.
“Mặc dù tỉnh đã có nhiều mô hình nuôi tôm sạch, nhưng không phải mô hình nào nông dân cũng am hiểu kỹ thuật và đủ kinh phí áp dụng. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp chế biến đồng hành cùng nông dân tạo ra sản phẩm sạch từ việc hỗ trợ con giống, kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm, thì hay biết mấy! Hoặc là ngành chức năng sớm đưa ra những quy trình nuôi tôm sạch dễ thực hiện để khuyến khích người dân áp dụng”, anh Văn Thum - một nông dân ở huyện Phước Long đề xuất.
Đặc biệt, theo ý kiến của nhiều người thì quan trọng nhất là những doanh nghiệp chế biến, người nuôi tôm phải có ý thức xây dựng hình ảnh con tôm Bạc Liêu nói riêng, Việt Nam nói chung. Họ phải tự biết “nói không với tạp chất, kháng sinh”, vì không có một chế tài nào có thể ngăn chặn triệt để nếu người ta cứ “muốn vi phạm”.
Nhắn nhủ với ngành tôm Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn câu nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Quả thật, khát vọng tôm sạch của Bạc Liêu là một hành trình dài và lắm gian nan, phải kiên trì và có sự đồng lòng từ nhiều phía trong nhiều khâu, thì sẽ làm được!
Minh Đạt - Khả Trâm
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.