Nguồn tin: Báo An Giang, 11/05/2017
Ngày cập nhật:
12/5/2017
“Muốn cá tra giống có đầu ra ổn định, trước hết việc xuất khẩu sản phẩm file ra thế giới phải ổn định. Ngành cá phải giải quyết tốt bài toán giảm bớt phụ thuộc các doanh nghiệp (DN) nước ngoài trong khâu cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản (TYTS), bởi đây là khâu quyết định đến giá thành chăn nuôi, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm …” - ông Trần Văn Hoàng, chủ cơ sở sản xuất cá tra giống ST, xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang), khẳng định.
Đẩy mạnh xuất khẩu
Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu cá tra của các DN Việt Nam đạt từ 1,76 - 1,8 tỷ USD/năm. Sản phẩm file đã xuất đi 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Để đạt được kim ngạch đó, sản lượng cá nguyên liệu được DN và ngư dân (ND) thả nuôi toàn vùng ĐBSCL khoảng 1,2 triệu tấn/năm. “Năm nào DN chế biến xuất khẩu đạt kim ngạch cao thì năm đó tình hình tiêu thụ cá tra giống rất tốt. Ngược lại thì cực kỳ khó khăn. Bởi đầu ra của con giống chính là các DN, hộ nuôi cá thương phẩm phục vụ cho xuất khẩu. Đây là chuỗi liên hoàn và phụ thuộc lẫn nhau” - ông Trần Văn Nam, hộ nuôi cá tra giống xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu), khẳng định.
Cá giống phát triển ổn định, đời sống của người dân sẽ được nâng cao
Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm file sang các châu lục, thúc đẩy tiêu thụ thị trường nội địa chính là con đường nhằm hướng đến việc giúp các hộ sản xuất cá giống phát triển ổn định. Những năm gần đây, tăng trưởng xuất khẩu của ngành hàng này qua từng năm luôn ở mức khiêm tốn, thị trường có những thay đổi bất thường. Các quốc gia nhập khẩu tăng cường bảo hộ nền sản xuất trong nước thông qua hàng rào phi thuế quan, từ đó tăng trưởng luôn ở mức một con số. Cụ thể, từ năm 2015 trở về trước, Mỹ và Liên minh Châu Âu là 2 thị trường lớn của các DN xuất khẩu cá tra Việt Nam, nay việc tiêu thụ cá tra ở 2 thị trường này giảm đáng kể. 3 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 371,3 triệu USD, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thị trường Mỹ giảm 24,3%; EU giảm 21,5%; ASEAN giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đây là những thị trường có giá xuất tốt (từ 2,2 - 2,4 USD/kg trở lên). Rủi ro trong xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này không lớn so thị trường Trung Quốc vì đa phần xuất chính ngạch, trong khi thị trường Trung Quốc phần lớn là xuất khẩu tiểu ngạch. “Muốn đẩy mạnh xuất khẩu, các DN chế biến nên tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về chất lượng mà Thông tư 07/2017/TT- BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành vào ngày 21-3-2017. Sản phẩm file có tỷ lệ mạ băng không vượt quá 20%, hàm lượng nước không được vượt quá 86% khối lượng tịnh. Việc hợp tác giữa ND và DN nên thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ với giá cố định, không ký theo hình thức giá thị trường, bởi hình thức này rất khó thực hiện”- ông Nguyễn Hữu Nguyên, ND nuôi cá huyện Châu Phú, kiến nghị.
Giảm bớt phụ thuộc
Gia đình ông Phan Văn Phương, xã Hòa Lạc (Phú Tân) hiện có 2 héc-ta ao nuôi cá tra thương phẩm. Sản lượng mỗi kỳ thu hoạch khoảng 600 tấn. Để có tiền đầu tư nuôi 1 héc-ta, ông phải có ít nhất 4 tỷ đồng, trong đó chi phí thức ăn, thuốc TYTS chiếm khoảng 65%. Những năm qua, nghề nuôi cá tra gặp khó nhưng giá thức ăn chăn nuôi (TACN), thuốc TYTS không giảm. “Đây là điều bất hợp lý, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục. Giá thức ăn cao sẽ cấu thành chi phí nuôi cao, nên sản phẩm cá tra làm sao cạnh tranh nổi với các loại cá thịt trắng khác như cá tuyết, cá rô phi mà thế giới đang rất ưa chuộng…”- ông Phương bức xúc.
Cả nước hiện có 239 nhà máy chế biến TACN, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 59 nhưng lại chiếm hơn 60% tổng sản lượng trên thị trường. Ba công ty đang dẫn đầu trong lĩnh vực này là: Tập đoàn CP (3,8 triệu tấn, 21% thị phần), Masan Nutri-Science (2,5 triệu tấn, 14% thị phần), Greenfeed (1,5 triệu tấn, 8,3% thị phần). Các thương hiệu thức ăn khác như: Proconco (liên doanh Việt - Pháp), Cagrill Việt Nam (Mỹ), Anco (liên doanh giữa Việt Nam và Malaysia) cũng nắm giữ thị phần không nhỏ. Chính việc phụ thuộc này đã làm cho giá thành nuôi cá luôn ở mức cao, từ đó, tính cạnh tranh của sản phẩm giảm đáng kể. Để đảm bảo lợi nhuận trong sản xuất, DN chế biến đã gian lận bằng nhiều hình thức, trong đó có tỷ lệ mạ băng cao, gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu cá tra Việt Nam. Vực dậy ngành cá bằng những giải pháp mang tính đồng bộ là mong đợi của xã hội.
“Việc đầu tư, vực dậy ngành cá tra không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất giống 3 cấp, mà nó phải được đầu tư một cách đồng bộ từ khâu sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến xuất khẩu. Con giống khỏe thì tỷ lệ hao hụt trong nuôi cá thịt mới đạt, chất lượng thịt phục vụ chế biến mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh việc tiếp tục đưa khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích DN tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, đầu tư chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm…”- TS. Dương Nhật Long, Trưởng khoa Thủy sản, Trường đại học Cần Thơ, chia sẻ.
Minh Hiển
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.