Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 10/05/2017
Ngày cập nhật:
12/5/2017
Hiện nay, không khí chuẩn bị thả nuôi thủy sản chính vụ của người dân ở các địa phương trong tỉnh Hậu Giang trở nên nhộn nhịp.
Người nuôi cá tra ở thị xã Ngã Bảy thả lại cá để đón thị trường đang khởi sắc.
Những ngày này, về lại các vùng đất có thế mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh như: huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, Châu Thành và thị xã Ngã Bảy sẽ nghe người dân địa phương bàn tán râm ran về chuyện cải tạo lại ao, mương để chuẩn bị thả nuôi cá thâm canh trong ao đất, hay bán thâm canh trên ruộng lúa.
Ông Nguyễn Văn Tranh, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Hơn 1 tháng nay, không khí chuẩn bị thả nuôi cá ruộng của người dân ở đây diễn ra rất nhộn nhịp, có hộ đi chợ mua lưới, đốn cây về làm chà mé cho cá trú ngụ trên ruộng... Trong đó tôi cũng vậy. Năm nay, với diện tích 3 công đất, tôi lên liếp, chia thành 6 mương lớn, dưới mương thì thả 10kg cá trê vàng giống, trên bờ thì trồng bưởi da xanh, kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.
Còn hộ ông Nguyễn Tấn Phát, ở cùng ấp 4, cho biết: “Nuôi cá ruộng không khó, ai cũng biết làm. Tuy nhiên, thành công hay không còn tùy thuộc ở tính cẩn thận của mỗi người. Chứ riêng tôi, ngay sau khi thu hoạch vụ lúa Đông xuân 2016-2017 xong là tiến hành cải tạo lại ao, mương xung quanh ruộng thật kỹ, loại bỏ cá tạp, giăng lưới, đắp bờ, kiểm tra lỗ mọi, nhằm hạn chế hao hụt đầu con sau khi thả nuôi. Nhờ vậy, hơn 3 năm thả nuôi cá ruộng, năm nào tôi cũng kiếm lời trên 20 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư, tiền mua con giống không tới 2 triệu đồng”.
Riêng vụ cá ruộng năm nay, ông Phát dự tính thả cá giống sớm hơn 1 tháng so với mọi năm, đồng thời trồng thêm cỏ xung quanh mương ruộng, giúp cho cá có chỗ để sinh trưởng và sinh sản tốt. Nhất là có thể thu hoạch và bán cá rơi đúng vào dịp Tết cổ truyền dân tộc. Tuy nhiên, để thích ứng với nhu cầu của người tiêu dùng, với hơn 20 công đất ruộng, ông Phát chủ yếu thả nuôi một số loại cá đồng như: cá lóc, cá trê vàng, cá rô… Bởi theo ông Phát, cá đồng không những mang lại giá trị kinh tế cao mà còn thích ứng tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tỷ lệ hao hụt đầu con thấp. Đặc biệt là khi bán ra thị trường dao động ở mức giá từ 50.000-90.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận rất khá.
Tại thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp, những hộ nuôi cá tra lâu năm đang rốt ráo cải tạo lại ao vừa mới xuất bán xong, hoặc diện tích ao đã “treo” trong thời gian qua để kịp thả nuôi vụ cá mới. Ông Phạm Hùng Minh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Đại Thắng, ở xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, thông tin: “Thời gian qua, mặc dù nghề nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng hiện trên thị trường giá cá tra tăng cao, với 26.000 đồng/kg cá thương phẩm. Chưa kể mới đây, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông có động thái liên kết bao tiêu, đảm bảo đầu ra sản phẩm nên tình hình thả nuôi cá của người dân sẽ càng trở nên khởi sắc”.
Vì vậy, hơn nửa tháng nay, ông Minh đã xử lý lại một ao đất, với diện tích khoảng 2.000m2, thả hơn 140.000 con cá tra giống để kịp xuất bán vào thời điểm cuối năm nay. Còn nguồn cá giống thì mua ở các tỉnh bạn như: An Giang, Đồng Tháp… “Tới đây, tôi hy vọng giá cá tra có thể duy trì ở mức ổn định để những hộ nuôi như chúng tôi gỡ lại vốn liếng, ổn định cuộc sống gia đình”, ông Phạm Hùng Minh kỳ vọng.
Còn bà Nguyễn Thị Thùy Lam, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh, cho rằng: Nhằm tiếp tục phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt hiệu quả cao và đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, đơn vị đang đẩy mạnh công tác phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tuyên truyền, khuyến cáo người dân nên thả cá đúng theo lịch thời vụ. Theo đó, tùy theo đối tượng thả nuôi như: cá tra, thát lát, cá lóc, cá đồng các loại, tôm sú, tôm càng xanh, lươn, ba ba… mà có thể xuống giống từ tháng 2 cho đến hết tháng 9 năm nay. Ngoài ra, với hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh trong ao đất, người dân có thể kết hợp nuôi ghép với cá sặc rằn, hạn chế ô nhiễm môi trường nước, góp phần tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích thả nuôi.
“Trong lúc thời tiết diễn biến bất thường, để đảm bảo năng suất và hạn chế rủi ro, ngoài việc tránh thả nuôi ồ ạt, đồng loạt cùng một lúc thì người dân cần lưu ý chọn các cơ sở sản xuất cá giống có uy tín để mua cá bột, cá giống từ nguồn cá bố mẹ có cải tạo di truyền. Khi xử lý ao, cải tạo môi trường nuôi thì phải sử dụng sản phẩm và thuốc có nhãn hiệu rõ ràng, thuộc danh mục lưu hành của Bộ NN&PTNT; thả cá giống lúc trời mát; tránh sử dụng thuốc kháng sinh phòng bệnh cho cá. Đồng thời áp dụng nuôi theo các mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm như: VietGAP, ASC nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, phát triển bền vững lâu dài”, bà Lam lưu ý thêm.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, tính đến đầu tháng 4 năm nay, tổng diện tích thả nuôi cá đầu vụ trên địa bàn tỉnh hơn 1.828ha, đạt hơn 26% kế hoạch (7.000ha) và cao hơn 55% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 15.562 tấn. Trong đó, người dân chủ yếu thả nuôi một số loại thủy sản nước ngọt như: cá tra, thát lát, cá lóc, rô đồng, lươn, ba ba, tôm càng xanh, tôm sú.
Chí Công
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.