Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 15/05/2017
Ngày cập nhật:
17/5/2017
Các thuyền viên bốc dỡ hải sản lên bờ tại cảng Bến Đình (TP.Vũng Tàu) sau chuyến đánh bắt dài ngày ở ngư trường xa. Ảnh: Phương Nam
Đầu tư hàng tỷ đồng mua tàu cá, nhưng cố tình đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, dẫn đến bị bắt giữ cả người lẫn phương tiện, gây ra nhiều hệ lụy về sau là câu chuyện đắng lòng của không ít ngư dân BR-VT trong thời gian qua.
Thuyền viên bị bắt giam, tàu cá bị đánh chìm
Gần 2 tháng trôi qua, kể từ khi tàu BV 92886 TS bị Indonesia bắt giữ (ngày 21-3-2017) do đánh bắt trái phép trên vùng biển của họ, ông Nguyễn Bưởi (62 tuổi, ngụ tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), chủ tàu cá này, lúc nào cũng trong tâm trạng bồn chồn, lo lắng. Chiếc tàu đánh cá BV 92886 TS của ông Bưởi trị giá hơn 2 tỉ đồng, do ông và con cháu trong gia đình ông hùn hạp, vay mượn ngân hàng để mua. Đầu tư với số tiền lớn như vậy, nhưng hiện con tàu đang bị Indonesia bắt giữ, nhiều khả năng bị đánh chìm theo pháp luật nước này, còn thuyền viên đang bị giữ và chờ phán quyết của Tòa án Indonesia.
Ông Bưởi cho biết, mỗi chuyến đi biển kéo dài khoảng 1 tháng và bình quân đánh bắt được khoảng 15 tấn hải sản. Khai thác vùng biển xa thì số lượng hải sản khai thác có thể tăng thêm 5 tấn. Do muốn đánh bắt nhiều, tàu cá BV 92886 TS mải miết đi tìm luồng cá, nên vô tình xâm phạm vào vùng biển Indonesia, bị lực lượng tuần tra nước này bắt giữ. Không còn phương tiện mưu sinh, cuộc sống gia đình ông Bưởi đang gặp nhiều khó khăn. “Đây là bài học cay đắng nhất mà tôi phải gánh chịu trong mấy chục năm bám biển mưu sinh. Tôi khuyên ngư dân dù nguồn hải sản trong nước không còn nhiều như trước đây, nhưng chỉ đánh bắt trên vùng biển của mình. Ngư dân ra nước ngoài đánh bắt trái phép có thể được thêm một nhưng có khi mất đến mười, nguy cơ mất trắng tài sản là rất cao”, ông Bưởi nói.
Chị Trà Thị Kim Nguyên (28 tuổi, ngụ ấp Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh), vợ anh Nguyễn Minh Tiến (31 tuổi), 1 trong 3 thuyền viên tàu BV 92886 TS đang bị giam giữ ở Indonesia chờ phán quyết của Tòa án nước này cho biết, từ lúc chồng bị bắt đến giờ, cuộc sống của 3 mẹ con chị gặp rất nhiều khó khăn. “Công việc đi biển của anh Tiến là thu nhập chính trong gia đình. Nếu anh ấy bị Tòa án Indonesia kết án tù, mẹ con tôi không biết nương tựa vào ai...”, chị Nguyên nghẹn ngào.
Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, từ năm 2013 đến nay, số tàu cá và ngư dân BR-VT (chủ yếu ở huyện Long Điền, huyện Xuyên Mộc và TP.Vũng Tàu) bị nước ngoài bắt giữ là 150 tàu cá/1.140 ngư dân. Trong đó, Indonesia bắt 148 tàu/1.123 ngư dân; Malaysia bắt 2 tàu/17 ngư dân. Các tàu bị nước ngoài bắt đều có công suất máy hơn 250CV, chủ yếu hành nghề giã cào, lưới rê và câu. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, có 40 tàu (39 tàu giã cào, 1 tàu lưới rê) cùng 294 ngư dân BR-VT bị Indonesia bắt, trong đó 35 tàu của ngư dân huyện Long Điền và 5 tàu của ngư dân TP.Vũng Tàu.
Thượng tá Đặng Trung Tuyến, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phước Tỉnh (huyện Long Điền), cho biết: Những năm gần đây, do lượng tàu cá công suất lớn, đánh bắt xa bờ được ngư dân đóng mới, nâng cấp ngày càng nhiều, cùng với nguồn lợi hải sản trên vùng biển Việt Nam ngày càng cạn kiệt, nên một số ngư dân do thiếu hiểu biết, hám lợi đã đưa tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép. Bên cạnh đó, hiện chưa có Hiệp định phân định vùng biển giữa Việt Nam với một số nước có chung vùng biển như Indonesia, Maylaysia… nên còn tạo ra “vùng biển chồng lấn”, nước ngoài tuyên bố là vùng biển của họ, nhưng Việt Nam cũng tuyên bố đây là vùng biển của Tổ quốc. Do vậy, ngư dân Việt Nam nói chung và tỉnh BR-VT vẫn ra đó khai thác hải sản, trong khi lực lượng chức năng nước ngoài cũng hiện diện ở đó và phát hiện tàu cá nước khác đến khai thác thì họ cho là xâm phạm trái phép lãnh hải và bắt giữ.
Gia đình ông Nguyễn Bưởi thông tin với phóng viên báo BR-VT (X) câu chuyện về tàu cá BV 92886 bị Indonesia bắt giữ cả tàu và thuyền viên vào ngày 21 - 3 vừa qua.
Để ngư dân yên tâm đánh bắt trên vùng biển tổ quốc
Theo BĐBP tỉnh, để hạn chế tình trạng tàu cá tỉnh BR-VT xâm phạm vùng biển nước ngoài, Nhà nước cần ký các hiệp định phân định các vùng biển giữa Việt Nam với các nước có chung vùng biển, không để những vùng biển còn chồng lấn, tranh chấp; bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi môi giới, móc nối với nước ngoài để đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; thiết lập và triển khai các vùng cấm khai thác hải sản trong thời gian 6 tháng để các loài thủy hải sản sinh sôi, phát triển.
Về phía tỉnh BR-VT, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với các nước có chung biển, Luật Biên giới Quốc gia và các văn bản pháp luật khác, các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản... để giúp ngư dân nắm, hiểu sâu sắc và thực hiện nghiêm. Tỉnh cần nghiên cứu hỗ trợ kinh phí để ngư dân từng bước chuyển đổi ngành nghề giã cào (đây là loại nghề khai thác tận diệt) sang ngành nghề phù hợp nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường biển.
Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: sử dụng chất nổ, xung điện, kích điện, ngư lưới cụ không đúng quy định và các công cụ khác khai thác thủy sản dẫn đến hủy hoại môi trường biển, cạn kiệt nguồn thủy sản; các hành vi xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép. Đồng thời cũng cần củng cố, nhân rộng các tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển để ngư dân hỗ trợ và bảo vệ nhau; bố trí các lực lượng chức năng như Kiểm ngư, Cảnh sát biển hỗ trợ, bảo vệ ngư dân khi hoạt động trên các vùng biển xa, giáp ranh với nước ngoài…
Các thuyền viên bốc dỡ hải sản lên bờ tại cảng Bến Đình (TP.Vũng Tàu) sau chuyến đánh bắt dài ngày ở ngư trường xa. Ảnh: Phương Nam
Từ năm 2016 đến nay, Indonesia và Malaysia áp dụng một số biện pháp cứng rắn như đánh chìm tàu, phạt tù thuyền trưởng, máy trưởng đối với các tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của họ. Do vậy, thời gian gần đây, việc nhiều tàu cá BR-VT bị nước ngoài bắt giữ đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Thực tế cho thấy, sau khi bị nước ngoài bắt giữ tàu, nhiều ngư dân đã lâm vào tình cảnh “mất cả chì, lẫn chài”, kéo theo nợ xấu ngân hàng gia tăng (nhiều ngư dân vay tiền ngân hàng để đóng mới, nâng cấp hay mua tàu cá), công ăn việc làm của bạn ghe bị xáo trộn, các chế độ, chính sách khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, bám ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài ra, việc đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài khai thác trái phép còn vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực.
Phương Nam
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.