Nguồn tin: Trà Vinh, 16/05/2017
Ngày cập nhật:
18/5/2017
Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) đã và đang từng bước trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế. Diện tích bãi bồi, mặt nước NTTS không ngừng được mở rộng, các hình thức và đối tượng con nuôi ngày một đa dạng. Song song đó, huyện còn tập trung nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng, khoa học-kỹ thuật và triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân nhằm phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân.
Vùng quy hoạch NTTS của xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang
Là địa phương có diện tích NTTS khá lớn của tỉnh, với diện tích thả nuôi hàng năm hơn 6.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng khoảng 5.200ha. Riêng từ năm 2014 đến nay, diện tích NTTS giảm dần nguyên nhân do biến đổi thời tiết, dịch bệnh xảy ra, giá vật tư thủy sản tăng cao, trong khi đó, giá tôm thương phẩm thường xuyên biến động, một số hộ nuôi thiếu vốn tái đầu tư vụ mới nên thời gian qua, không ít nông dân trên địa bàn đã dần không còn “mặn mà” với con nuôi này. Bước vào vụ nuôi năm 2017, tôm nuôi tiếp tục gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh xảy ra tôm nuôi bị thiệt hại làm cho diện tích thả nuôi của huyện giảm dần. Tính đến tháng 4/2017, diện tích 02 con nuôi chính là tôm sú, tôm thẻ chân trắng hơn 2.400/5.200ha. Ông Dương Văn Đởm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết: Sau những năm thập niên 1990, nghề nuôi NTTS trên địa bàn huyện chủ yếu con tôm sú nuôi theo hình thức quảng canh, quảng cảnh cải tiến nên thiếu sự đầu tư, trình độ kỹ thuật còn hạn chế, dẫn đến dịch bệnh xảy ra thường xuyên. Nhiều vùng nuôi tôm sú “thất bát”, một số hộ nuôi thua lỗ nặng và lâm vào cảnh nợ nần. Song, từ khi có các chính sách hỗ trợ của tỉnh, các chính sách khuyến khích NTTS phát triển theo hướng thâm canh, từ đó con nuôi thủy sản ngày càng trở thành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Nếu như năm 2002, diện tích nuôi tôm sú bán thâm canh của huyện chỉ 275ha, thì đến năm 2012 diện tích nuôi tôm sú thâm canh lên đến gần 5.800ha, riêng năm 2016 diện tích giảm xuống còn hơn 3.200ha. Có thể nói, con nuôi thủy sản “hưng thịnh” nhất của huyện trong giai đoạn từ 2009-2011, năng suất và sản lượng tôm sú đạt cao, số hộ đạt lợi nhuận trên 80% và đã có không ít hộ nuôi trở thành tỷ phú tôm sú. Song song đó, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện đầu tư các công trình, dự án trọng điểm để quy hoạch và phát triển mở rộng vùng nuôi, từ đó phong trào NTTS của huyện ngày càng phát triển mạnh.
Tuy nhiên, kể từ năm 2012 đến nay tình hình NTTS gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh xảy ra và lây lan diện rộng ảnh hưởng đến môi trường nuôi, người nuôi tôm sú gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt là trong mùa vụ tôm sú nuôi năm 2012, thời tiết thất thường, con giống kém chất lượng, người nuôi thả sớm, môi trường chưa ổn định, tôm nuôi bị chết đồng loạt, nên trong vụ 01 đã có 5.120 hộ nuôi bị thiệt hại phải thu hoạch sớm. Sau khi tôm sú nuôi ở vụ 01 bị thiệt hại huyện đã phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan chỉ đạo cho hộ nông dân ở các vùng có điều kiện thả nuôi tôm thẻ chân trắng thử nghiệm với diện tích gần 95ha bước đầu đem lại kết quả khá cao, năng suất bình quân đạt 3,77 tấn/ha/vụ, có 76/123 hộ nuôi có lợi nhuận cao, 13 hộ huề vốn và 19 hộ bị thua lỗ. Từ kết quả đó, những năm tiếp theo nông dân trong huyện đã chuyển dần diện tích thả nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng và đã nâng dần diện tích thả nuôi từ 95ha (năm 2012) lên gần 3.000ha (năm 2016). Nhờ phát huy tiềm năng, thế mạnh trong NTTS, sản lượng thủy sản của huyện có xu hướng tăng đều qua các năm. Riêng năm 2016, tuy diện tích NTTS giảm so với năm 2015 nhưng tổng sản lượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng của huyện thu được 18.948,67 tấn, đạt 87,1% so với kế hoạch.
Đến thăm gia đình tỷ phú tôm Nguyễn Văn Thanh, ấp Năm, xã Mỹ Long Nam, hộ nuôi đã góp phần đáng kể trong việc nâng sản lượng NTTS của huyện trong năm qua cho biết: Với 05ha diện tích mặt nước, ông đào 07 ao nuôi tôm sú, bình quân mỗi tháng thả nuôi khoảng 02 ao và xoay vòng liên tục cho đến hết vụ, mỗi năm ông thu lợi nhuận hơn 01 tỷ đồng. Riêng vụ tôm sú nuôi năm 2016, ông thả nuôi 500.000 con giống, sản lượng thu đạt trên 14 tấn, lợi nhuận 03 tỷ đồng. Theo ông Thanh, mỗi năm gia đình ông tập trung thả nuôi 01 vụ tôm sú ăn chắc, với ông Thanh nuôi tôm xoay vòng vừa chăm sóc, vừa kiểm soát được dịch bệnh để ứng phó kịp thời, nếu xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng thì ông sẽ ngừng thả nuôi. Nhờ áp dụng cách nuôi này đã giúp ông liên tục trúng đậm nhiều năm liền và trở thành tỷ phú tôm của xã.
Mặc dù hiện nay nghề NTTS của huyện đã và đang phát triển, song vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn. Kết cấu hạ tầng và việc áp dụng khoa học-kỹ thuật tại các vùng nuôi còn thiếu, yếu, đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư xây dựng. Tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để, còn diễn biến phức tạp. Trong khi NTTS của huyện bước đầu đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung nhưng còn thiếu định hướng quản lý quy hoạch khoa học nên đang đối diện với thực trạng nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm, dễ phát sinh dịch bệnh. Ngoài ra, đầu ra sản phẩm vẫn chưa thật sự được ổn định. Để khắc phục những hạn chế đó, huyện đang tập trung vào các giải pháp nhằm tìm hướng cho nghề NTTS phát triển ngày càng bền vững hơn. Ông Dương Văn Đởm cho biết thêm: Hơn 25 năm phát triển, mở rộng và quy hoạch vùng NTTS từ nuôi bán thâm canh sang thâm canh tuy gặp nhiều khó khăn nhưng huyện đang tập trung quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, huyện tập trung tổ chức quản lý chặt chẽ việc NTTS, phát triển thủy sản theo quy hoạch đã được duyệt để đầu tư phát triển sản xuất có hiệu quả. Phấn đấu sản lượng NTTS năm 2017 đạt 22.890 tấn, huyện tiếp tục đầu tư phát triển ngư nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Đẩy mạnh phát triển NTTS toàn diện ở cả 03 vùng nước mặn, lợ, ngọt theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao, như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá lóc, nghêu,… trong đó tập trung phát triển vùng nuôi tôm công nghiệp. Xác định vùng NTTS tập trung ở các xã như Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây, Mỹ Long Nam, Mỹ Hòa, Thuận Hòa, Thạnh Hòa Sơn, Long Sơn, Vinh Kim,... cần bố trí nuôi ở từng khu vực có điều kiện, không phát triển tràn lan. Ưu tiên phát triển thủy lợi phục vụ NTTS, các công trình thủy lợi phục vụ cho việc tái cơ cấu sản xuất. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn kế hoạch sản xuất, kiểm tra và giám sát chất lượng vật tư đầu vào (thức ăn, con giống, chất lượng hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường sử dụng trong NTTS,…).
Mỹ Nhân
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.