Nguồn tin: Báo Nam Định, 16/01/2017
Ngày cập nhật:
17/1/2017
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết những tháng đầu năm 2017 diễn biến phức tạp, có thể bị ảnh hưởng của các đợt rét đậm, rét hại theo hướng bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của các đối tượng thủy sản nuôi, đặc biệt là những đối tượng có khả năng chịu rét kém. Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại cho nuôi thủy sản và chủ động cho sản xuất, Sở NN và PTNT đã có văn bản chỉ đạo các phòng NN và PTNT triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rét cho các đối tượng nuôi.
Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản cùng các đơn vị chức năng thống kê diện tích, đối tượng nuôi, lượng thả giống, dự kiến sản lượng các đối tượng nuôi qua đông của các cơ sở nuôi trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống rét cho thủy sản nuôi của các địa phương; phân công cán bộ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch, phương án phòng chống rét; phổ biến, hướng dẫn trên các phương tiện thông tin về các biện pháp chống rét cho cơ sở sản xuất giống thủy sản, lưu giống, nuôi thương phẩm để tránh thiệt hại, đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm cho thị trường. Trong thời gian rét đậm tuyệt đối không kéo lưới kiểm tra thủy sản nuôi, không thu hoạch theo cách “đánh tỉa, thả bù” để tránh bị xây xát cho thủy sản nuôi nhằm hạn chế lây nhiễm các bệnh do nấm, ký sinh trùng… Đối với thủy sản nuôi chưa đạt kích cỡ thương phẩm, đàn bố mẹ, đàn giống cần tăng cường các biện pháp chống rét. Đồng chí Mai Đăng Nhân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Những đợt rét đậm bất thường kéo dài xảy ra nhiều ngày, một số loài cá như cá rô phi, chim trắng, cá trê, tôm… là những đối tượng chịu rét kém. Vì vậy, nhằm hạn chế tối đa rủi ro bởi thời tiết, các hộ dân cần tránh chủ quan trong việc áp dụng các biện pháp chống rét, tích cực chăm sóc cá giống để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi trồng đầu năm đạt năng suất cao”. Tại các địa phương phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng như xã Hải Lý, Hải Triều (Hải Hậu), Giao Thiện, Giao Lạc, Giao An (Giao Thủy); Nam Điền, Nghĩa Hải, Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng)… công tác chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống rét cho các đối tượng nuôi cũng được tăng cường.
Nông dân xã Hải Chính (Hải Hậu) chăm sóc tôm thẻ chân trắng.
Anh Trần Văn Thiêm, xã Hải Triều (Hải Hậu, Nam Định) là chủ đầm tôm rộng 1,5ha. Anh Thiêm cho biết: “Trong điều kiện trời rét đậm, rét hại, tôi thường xuyên kiểm tra tình hình sức khỏe và khả năng hấp thụ thức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp”. Nhờ vậy mà đàn tôm của anh Thiêm luôn khỏe mạnh, phát triển đồng đều. Mỗi năm đàn tôm cho anh thu nhập trên 500 triệu đồng trừ chi phí. Theo đồng chí Đỗ Quốc Vương, Chủ tịch UBND xã Hải Triều cho biết: “Nuôi thủy sản là một trong những ngành nghề chủ lực của địa phương nơi đây. Chính vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại đến năng suất vụ nuôi thì các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ thủy sản được chính quyền và nhân dân rất chú trọng; trong mùa đông luôn chủ động mọi biện pháp để chống rét cho các đối tượng thủy sản”. Ông Vũ Mạnh Bằng, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) đã nuôi cá bống bớp hơn 10 năm nay. Trước tình hình thời tiết biến đổi khôn lường, ông Bằng luôn chủ động các biện pháp để phòng, chống rét cho cá. Khi trời lạnh, rét đậm, rét hại xảy ra, ông mua cọc, mua bạt để chống sương muối gây ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn cá. Bạt được trải cách đáy ao khoảng 50cm. Bên cạnh đó, ông luôn chủ động theo dõi các yếu tố môi trường, tình hình sinh trưởng của đàn cá để có biện pháp xử lý kịp thời khi có dấu hiệu khác lạ; luôn giữ mực nước tối đa để ổn định nhiệt độ trong ao nuôi. Các hộ nuôi cá thương phẩm và sản xuất giống cá truyền thống nước ngọt cũng đã chủ động các biện pháp chống rét cho đàn cá. Ông Lã Văn Chẩn, xã Phương Định (Trực Ninh) cho biết: “Thời tiết càng ngày càng diễn biến thất thường. Mấy hôm gió mùa về khi nhiệt độ xuống đột ngột tôi phải nhanh chóng quây bạt quanh ao rồi ép bè thả bèo và tranh thủ cho cá ăn khi thời tiết thích hợp để chống rét cho cá. Với 1ha mặt nước nuôi cá thương phẩm và hàng nghìn con cá giống nếu không chủ động phòng rét thì người thiệt hại đầu tiên chính là mình”. Ngoài việc cho cá ăn đầy đủ, khẩu phần ăn phù hợp ông đặc biệt chú ý bổ sung bột ngô, các thức ăn giàu protein, các vitamin tổng hợp, chất khoáng để nâng cao sức đề kháng chống rét cho cá, khi nhiệt độ nước ao nuôi ≤ 15oC thì ngừng cho ăn; làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi bằng nilon sáng màu để chắn gió, giữ nhiệt cho ao nuôi.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành chức năng, người dân cũng đã nâng cao ý thức chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho các đối tượng nuôi thủy sản. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn công tác phòng, chống rét cho các đối tượng thủy sản nuôi vụ rét này được triển khai đồng bộ, kịp thời. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp đàn tôm, cá phát triển khỏe mạnh, đáp ứng số lượng, chất lượng giống cho vụ nuôi và đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người nuôi./.
Thanh Hoa
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.