• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thái Bình: Tập trung chăm sóc, phòng bệnh cho thủy sản

Nguồn tin: Báo Thái Bình, 22/05/2017
Ngày cập nhật: 23/5/2017

Hiện nay, thời tiết có những diễn biến bất thường không thuận lợi cho thủy sản nuôi trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Do đó, việc tập trung chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh luôn được các địa phương và người nuôi thả chú trọng.

Kiểm tra tôm giống ở Doanh nghiệp Phương Nam (Thái Thụy). Ảnh: Trần Tuấn

Ông Chu Văn Ký, xã Đông Hải (Tiền Hải, Thái Bình) chia sẻ: Gia đình có 4 ao với diện tích gần 2 mẫu. Trước khi vào mùa nuôi thả, gia đình đã sớm chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho vụ nuôi thả mới như tu bổ bờ đầm, tiến hành tháo kiệt nước, thu gom rong rêu, cải tạo đáy, diệt khuẩn, diệt tạp và ổn định độ pH bằng vôi bột... Được ngành chuyên môn khuyến cáo, gia đình thường xuyên kiểm tra ao đầm, thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thủy sản đã nuôi thả.

Ông Phạm Văn Đồi, cán bộ lâm sinh thủy sản xã Thái Thượng (Thái Thụy) cho biết: Toàn xã có hơn 16ha nuôi tôm, chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Thời tiết bất lợi có thể làm giảm sức đề kháng, phát sinh dịch bệnh cho thủy sản nên bên cạnh việc chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn kỹ thuật hướng dẫn người nuôi các biện pháp chăm sóc, phòng, trừ dịch bệnh cho các đối tượng nuôi thả, địa phương còn chỉ đạo HTX phối hợp điều tiết tốt nguồn nước phục vụ nuôi thả. Trước đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người nuôi trồng thủy sản. Địa phương cũng quan tâm, siết chặt công tác quản lý, kiểm soát con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, góp phần hạn chế tình trạng con giống kém chất lượng, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản.

Theo Chi cục Thủy sản, đến cuối tháng 4/2017, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc nuôi thả trên toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi ngao đạt 80%, nuôi tôm 75%, nuôi cá trên 95% diện tích nuôi thả theo kế hoạch. Tại hai huyện ven biển đã thả nuôi được 361,9 triệu con tôm giống/2.883,55ha thuộc diện tích vùng đầm trong và ngoài đê quốc gia, trong đó tôm sú thả 223,24 triệu con/2.698,95ha; tôm thẻ 138,66 triệu con/184,6ha. Để đạt được mục tiêu kế hoạch đặt ra, các địa phương vận động, hướng dẫn nông dân tận dụng tối đa diện tích mặt nước, tiếp tục chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, đồng thời chú trọng phát triển vùng nuôi tập trung có quy mô lớn. Bên cạnh đó, chỉ đạo yêu cầu cung cấp nước đầy đủ, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các chủ nuôi, khuyến khích nuôi thả theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Trước tình trạng thời tiết diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch bệnh trên thủy sản. Tăng cường phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở để nắm bắt tình hình, giám sát và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi thủy sản. Phổ biến và hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn đối với từng đối tượng nuôi. Ngành cũng khuyến cáo chủ ao, đầm cần thường xuyên kiểm tra, quản lý tốt các yếu tố môi trường trong ao, vùng nuôi và tình trạng sức khỏe của các đối tượng nuôi nhằm ứng phó với dịch bệnh có thể phát sinh.

Những lưu ý trong chăm sóc, quản lý các đối tượng thủy sản nuôi (Chi cục Thủy sản Thái Bình)

1. Thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo thời tiết để chủ động các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại đến các đối tượng thủy sản nuôi.

2. Tăng cường theo dõi, chăm sóc, quản lý tốt các đối tượng nuôi:

a) Đối với nuôi ngao bãi triều:

Hàng ngày sau khi thủy triều xuống, tiến hành san lấp các vùng trũng đọng nước trên mặt bãi, san thưa mật độ ngao, vệ sinh vây lưới, rác tạp và loại bỏ các đối tượng dịch hại. Định kỳ phun cát bổ sung để điều chỉnh tỷ lệ cát bùn tạo môi trường thuận lợi cho ngao sinh trưởng.

b) Đối với nuôi tôm nước lợ:

Thường xuyên theo dõi hoạt động bắt mồi của tôm và các yếu tố môi trường ao nuôi để có kế hoạch quản lý tốt ao nuôi tôm. Đặc biệt, cần chủ động các biện pháp kỹ thuật để xử lý và kiểm soát các yếu tố môi trường sau mưa, tránh gây sốc cho tôm. Khi tôm lột xác hoặc bị bệnh cần giảm hoặc ngừng cho ăn và tham vấn ý kiến của cán bộ thủy sản để có hướng xử lý phù hợp.

Quản lý môi trường ao nuôi: bảo đảm mực nước trên 1,2m; độ trong từ 30 - 40cm; màu nước ổn định, tốt nhất là màu vàng nâu hoặc xanh nõn chuối; độ kiềm 80 - 160mg/l; độ mặn 10 - 20%o; pH 7,5 - 8,5. Đối với tôm thẻ chân trắng, định kỳ 3 - 5 ngày/lần bổ sung chất khoáng xuống ao nuôi vào ban đêm giúp tôm nhanh cứng vỏ, lột xác đồng loạt. Khi có mưa lớn, các yếu tố nhiệt độ, độ mặn, ôxy hòa tan, pH... thay đổi đột ngột, cần tăng cường vận hành máy quạt nước, máy nén khí để đảo nước tránh hiện tượng phân tầng gây thiếu ôxy tầng đáy. Sau mưa kiểm tra các chỉ số môi trường để bổ sung chế phẩm, khoáng chất điều chỉnh ổn định môi trường tránh gây sốc cho tôm.

c) Đối với nuôi cá các loại:

Sử dụng thức ăn công nghiệp để bảo đảm đủ chất và lượng. Định kỳ 1 lần/tháng bổ sung Vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá.

Duy trì mực nước ao nuôi từ 1,2m trở lên, định kỳ 15 ngày/lần dùng vôi CaCO3 hòa nước tạt đều trên mặt và bờ ao, lượng 1 - 2kg/100m3; định kỳ 1 lần/tháng sử dụng Zeolite bón xen kẽ với vôi để hấp thụ khí độc trong ao.

Chú ý: Không được sử dụng chất cấm để phòng, trị bệnh hoặc xử lý môi trường nước. Trong quá trình nuôi nếu thủy sản có dấu hiệu bị bệnh, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Sau khi xử lý dịch bệnh, khuyến cáo người dân cải tạo lại ao nuôi như cải tạo ao ban đầu, nếu đang trong mùa vụ nuôi tiến hành thả cỡ giống lớn hoặc thay đổi đối tượng nuôi khác để hạn chế phát sinh bệnh dịch.

Ngọc Mai

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang