Nguồn tin: Báo Đà Nẵng, 24/05/2017
Ngày cập nhật:
26/5/2017
Quy định cấm nuôi cá lồng bè trên các sông Cẩm Lệ và Cổ Cò của UBND thành phố Đà Nẵng khiến nông dân nuôi cá theo hình thức tự phát và gặp nhiều khó khăn, không được hưởng quyền lợi nào từ các chương trình hỗ trợ hậu giải tỏa phát triển kinh tế cũng như những hỗ trợ khác. Vậy, các cơ quan chức năng và chính quyền phải gỡ khó cho nông dân như thế nào?
Cần sớm quy hoạch nuôi cá lồng bè để vừa giúp nông dân có thu nhập, vừa bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh: Trọng Huy
Xét đề nghị Tờ trình số 46/TT-UB ngày 15-3-2006 của UBND quận Hải Châu về đề nghị cho nhân dân nuôi cá lồng trên sông Cẩm Lệ, ngày 28-3-2006, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ là ông Trần Phước Chính ký Công văn số 1839/UBND-QLĐTư, tạm thời cho 9 hộ dân thuộc phường Hòa Cường Nam đóng bè nuôi cá trên sông Cẩm Lệ trong khoảng thời gian 3 năm (kể từ ngày 20-3-2006). Đến ngày 20-3-2009, các hộ dân nêu trên tự nguyện tháo dỡ lồng bè. Công văn này cũng nêu rõ: UBND quận Hải Châu có trách nhiệm bảo đảm không cho phát triển số lượng hộ nuôi, chịu trách nhiệm trước thành phố nếu việc nuôi cá gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, Sở Thủy sản - Nông - Lâm (hiện là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) chủ trì phối hợp với UBND quận Hải Châu hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện cho nhân dân nuôi đạt hiệu quả…
Đến ngày 7-11-2012, UBND thành phố tiếp tục có Công văn số 9339/UBND-KTN về quy định cấm nuôi cá trên sông Cẩm Lệ và Cổ Cò, gia hạn đến ngày 31-10-2013 buộc các hộ nuôi phải tự tháo dỡ lồng, bè. Công văn ghi rõ: Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi cá không để gây ô nhiễm môi trường nước. Theo các văn bản này, từ cuối tháng 10-2013, không còn hộ nào được hoạt động nuôi cá lồng bè trên các sông nói trên.
Quy định cấm là vậy nhưng thực tế hoạt động nuôi cá lồng bè không những vẫn tồn tại mà còn phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng.
Ông Ngô Văn Hưng (trú tổ 50, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) bắt đầu nuôi cá từ năm 2003, đến nay có 1 bè 8 lồng với nhiều loại cá nước lợ. Ngoài phát triển kinh tế ổn định, ông cho biết, hoạt động nuôi cá lồng bè của 37 hộ nuôi khu vực sông Cổ Cò, Vĩnh Điện luôn bảo đảm các yếu tố về an ninh trật tự, an toàn giao thông thủy nội địa, công tác phòng chống bão lũ, rủi ro do thiên tai; đặc biệt là việc bảo đảm môi trường luôn được chú trọng tại khu vực lồng bè nuôi cá. “Chúng tôi có các tổ, đội tự quản để bảo đảm thực hiện nghiêm túc các yếu tố trên. Theo định kỳ, chúng tôi mang mẫu nước khu vực lồng bè đến Sở Khoa học và Công nghệ để xét nghiệm, bởi nếu nước bị ô nhiễm thì chính những người nuôi cá như chúng tôi chịu thiệt trước”, ông Hưng nói.
Hiện nay, Hội Nông dân phường Hòa Cường Nam có Chi hội Nuôi trồng và đánh bắt thủy sản để bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ an ninh trật tự trong các hoạt động nuôi cá lồng bè. “Hiện tại, chưa có bất kỳ vụ việc nào ảnh hưởng đến an ninh trật tự hay các vấn đề khác gây tác động từ khu vực nuôi cá lồng bè”, ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Nam cho biết.
Tháng 3-2017, Chi cục Thủy sản TP. Đà Nẵng (Sở NN&PTNT) chủ trì tổ chức kiểm tra liên ngành gồm: Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Kinh tế các quận, huyện có hộ nuôi cá lồng bè, Hội Nông dân các quận, huyện, phường… để đánh giá hoạt động nuôi cá lồng bè hiện nay. Theo đó, trên địa bàn thành phố có 117 bè hoạt động nuôi cá lồng bè, chủ yếu ở phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu), phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ)…
Ông Nguyễn Thành Bách, Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản thành phố cho biết, theo nhìn nhận trực quan hiện nay, vấn đề nuôi cá lồng bè trên các sông chưa gây tác động đến môi trường nước sông. Để biết chính xác, chỉ có các đơn vị thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường xét nghiệm cụ thể mới có đáp án. Theo đánh giá của đại diện đoàn kiểm tra vừa qua, Cảnh sát giao thông đường thủy cho rằng nuôi cá lồng bè không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy nội địa; công tác an ninh trật tự được bảo đảm; đại diện nông dân các quận, huyện đề nghị cấp trên cho nuôi cá lồng bè nhưng phải có sự quản lý chặt chẽ, khoanh vùng neo đậu, cấp số bè. Đa số đều thống nhất để người dân được nuôi cá lồng bè chính đáng.
Theo ông Bách, quan điểm của Sở NN&PTNT và Chi cục Thủy sản là đồng ý cho các hộ nông dân nuôi cá lồng bè để bảo đảm phát triển kinh tế, tạo việc làm, có thu nhập, tạo mô hình phát triển kinh tế cho các Hội nông dân ở cơ sở. Việc nuôi cá phải khoanh vùng quy hoạch, bảo đảm không phát sinh các yếu tố gây cản trở giao thông đường thủy nội địa, mất mỹ quan du lịch và an toàn cho môi trường nước. Tuy nhiên, quy định của thành phố về việc hạn chế, cấm nuôi cá lồng bè là hướng đến quy hoạch phát triển du lịch lâu dài. Việc “gỡ rối” cho người nông dân được phép nuôi hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của thành phố. “Nếu thành phố cho phép nuôi theo diện quy hoạch, chúng tôi sẵn sàng trình đề án về hoạt động nuôi cá lồng bè; thậm chí, quy hoạch bài bản có thể tạo hướng mở cho phát triển du lịch sinh thái bằng việc tham quan các bè nuôi, phát triển dịch vụ câu cá lồng… Như thế, không chỉ người dân an tâm mà các mối lo phát sinh từ nuôi cá lồng bè của thành phố sẽ được giải quyết thấu đáo”, ông Ngô Văn Hưng nói.
Ông Hưng cũng cho rằng, hiện nay, văn bản cấm của thành phố khiến người nông dân phải nuôi cá chui nên gặp nhiều khó khăn, không được hưởng bất kỳ các quyền lợi nào từ các chương trình hỗ trợ hậu giải tỏa phát triển kinh tế cũng như thiệt hại sau bão, lũ; không được tiếp cận các khóa tập huấn về nuôi trồng thủy sản; không được chủ động tiếp cận con giống có nguồn gốc rõ ràng theo chỉ dẫn của cơ quan chức năng; đặc biệt là không thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Nam, do quy định cấm của thành phố nên các chương trình hỗ trợ, ưu đãi dành cho nông dân ở phường đều không thể đến với người nuôi cá lồng bè. Đây cũng là một thiệt thòi lớn, bởi họ không chỉ làm kinh tế giỏi, mà còn bảo đảm an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế địa phương, giải quyết nhiều lao động có thu nhập ổn định.
Chờ cho phép mới đánh giá tác động môi trường
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng qua điện thoại, ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng) cho rằng, đánh giá tác động từ việc nuôi cá lồng bè đến môi trường sông nước không thuộc phân cấp của Chi cục, mà các quận, huyện có hộ nuôi cá tự gửi hồ sơ, đánh giá tác động môi trường do nuôi cá lồng bè đến nước sông.
Theo bà Trần Thị Cẩm Nhiên, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hải Châu, đến nay quy định của thành phố về việc cấm nuôi cá lồng bè trên các sông Cẩm Lệ, Cổ Cò vẫn còn hiệu lực nên ngành môi trường vẫn chưa có đánh giá tác động môi trường theo hồ sơ các hộ nuôi. Nếu thành phố cho phép nuôi, ngành môi trường mới có đánh giá tác động môi trường bằng quan trắc chất lượng nước tại khu vực nuôi trồng thì mới có kết luận chính xác.
Trọng Huy - Đăng Bình
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.