• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nâng chất chuỗi cá ngừ

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 23/05/2017
Ngày cập nhật: 28/5/2017

Phú Yên là một trong ba tỉnh duyên hải miền Trung tham gia đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Mới đây, tại Phú Yên, Bộ NN-PTNT đã sơ kết 2 năm thực hiện đề án này, nhằm đánh giá, khắc phục những mô hình hạn chế, phát huy và nhân rộng những mô hình thành công theo hướng bền vững.

Từ năm 2015-2020, đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi được Bộ NN-PTNT triển khai tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Mục tiêu của đề án này là nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn khai thác với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hài hòa lợi ích giữa ngư dân và doanh nghiệp; đồng thời khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi. Qua 2 năm triển khai, một số mô hình bước đầu mang lại hiệu quả, nhưng cũng có một vài mô hình còn gặp khó khăn…

Chế biến cá ngừ vằn tại Công ty TNHH Nguyễn Hưng (TX Sông Cầu) - Ảnh: Anh Ngọc

Thực hiện 2 mô hình trong tỉnh

Phú Yên đã triển khai 2 mô hình thí điểm chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ của Công ty CP Bá Hải và Công ty TNHH Nguyễn Hưng. Trong đó, chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ của Công ty CP Bá Hải đã liên kết với 8 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển với 72 tàu tham gia. Qua hơn 1 năm triển khai, mặc dù hiệu quả từ chuỗi liên kết này chưa mang lại hiệu quả như mục tiêu của đề án nhưng bước đầu đã giúp một số ngư dân tham gia nhận thức được rằng phải nâng cấp tàu cá, đầu tư trang thiết bị hiện đại thì khai thác mới đạt được năng suất, chất lượng cao.

Ngư dân Lê Tấn Hồng, chủ hai tàu cá PY-90612TS và PY-95067TS thuộc tổ đội Hải Đăng ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), cho biết: Từ khi liên kết với Công ty CP Bá Hải, tôi đã đầu tư nâng cấp máy móc, thiết bị dò cá hiện đại cho 2 tàu cá của mình. Nhờ đó, tôi biết được luồng cá di chuyển như thế nào để khai thác. Trước đây, mỗi chuyến biển tôi phải đem theo khoảng 12-15 tấn nước ngọt để dùng trong sinh hoạt. Nhưng gần đây tôi đầu tư máy lọc nước biển ra nước ngọt để sử dụng nên tàu chạy ra khơi nhẹ hơn, nhanh hơn, giảm chi phí nhiên liệu, khai thác hải sản nhiều hơn mà không sợ quá tải. Việc đầu tư hệ thống điện led (tiết kiệm điện) thả sâu dưới nước để dụ cá, bước đầu cũng mang lại thành công. Trước đây, 15 bóng đèn có tổng công suất 15.000W, còn nay sử dụng đèn led thì 15 bóng chỉ khoảng 3.700W nên tiết kiệm một lượng nhiên liệu chạy máy rất lớn. Đối với thiết bị gây tê cá ngừ và sử dụng thùng hạ nhiệt (do kỹ sư Phạm Duy Phượng, Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa và Công ty CP Bá Hải chuyển giao) đã giúp thời gian kéo cá lên tàu nhanh gấp 3 lần, cá không bị sổng khi mắc câu, đặc biệt chất lượng cá ngừ sau khai thác đã cải thiện nhiều so với trước… Ngư dân Lê Tấn Hồng cho biết thêm, khó khăn nhất hiện nay đối với chuỗi liên kết này là Công ty CP Bá Hải chưa đầu tư được tàu dịch vụ hậu cần để thu mua cá và cung cấp nhiên liệu trên biển cho ngư dân; chính sách hỗ trợ dầu cho ngư dân triển khai chưa kịp thời, giá thu mua hải sản không ổn định; ngư dân còn khó khăn để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước…

Đối với chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ của Công ty TNHH Nguyễn Hưng chính thức liên kết và đi vào hoạt động chưa đầy 1 năm nhưng bước đầu đã đem lại một số hiệu quả. Ngư dân Nguyễn Văn Thoại, chủ tàu cá PY93377TS ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), cho biết: Công ty TNHH Nguyễn Hưng đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm cá ngừ vằn của ngư dân tham gia chuỗi với giá cả tương đối ổn định. Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định khâu tiêu thụ, đề nghị Công ty TNHH Nguyễn Hưng bao tiêu luôn sản phẩm cá nục đối với nghề lưới vây. Công ty TNHH Nguyễn Hưng cũng cần hỗ trợ đầu tư cho ngư dân tham gia chuỗi những trang thiết bị máy móc hiện đại trong khai thác, bảo quản sản phẩm và có tàu dịch vụ hậu cần để cung cấp nhiên liệu, đá lạnh, nhu yếu phẩm và thu mua cá trên biển cho ngư dân.

Ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng, cho biết: Mục tiêu chính của Công ty là tham gia chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ vằn. Ngoài 25 chủ tàu đã liên kết ở Phú Yên, công ty cũng đã liên kết với hơn 80 chủ tàu hành nghề lưới vây ở các tỉnh bạn, chủ yếu là Bình Định. Sản phẩm cá ngừ vằn được công ty bao tiêu toàn bộ, bình quân giá cá ngừ vằn thu mua khoảng 25.000-32.000 đồng/kg tùy theo cỡ cá, chất lượng và từng thời điểm. Năm 2016, công ty đã thu mua khoảng 14.000 tấn cá ngừ vằn và đã chế biến khoảng 10.000 tấn, còn lại khoảng 4.000 tấn dự trữ cho thời gian gối vụ. Hiện công ty đang phối hợp với các chủ tàu tham gia chuỗi triển khai ứng dụng công nghệ khai thác tiên tiến (sử dụng máy dò ngang, dò chụp 360 độ) và công nghệ bảo quản sản phẩm sử dụng hầm bảo quản bằng xốp PU để giảm tổn thất sau thu hoạch.

Cá ngừ vằn do ngư dân TP Tuy Hòa khai thác - Ảnh: Anh Ngọc

Tiếp tục nhân rộng và đầu tư cơ sở hạ tầng

Cũng theo ông Nguyễn Hưng Hòa, công ty đã đưa vào hoạt động nhà máy bột cá khoảng 15.000 tấn/năm; đồng thời sẽ xây dựng xưởng đóng hộp cho sản phẩm cá ngừ vằn, sản xuất Omega3 chiết xuất từ gan và mắt cá ngừ nhằm đầu tư khép kín đối với chuỗi liên kết này… Do vậy, công ty tiếp tục mở rộng mô hình chuỗi liên kết cho nhiều ngư dân trong tỉnh tham gia.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết: Sau khi triển khai thí điểm chuỗi cá ngừ thì chất lượng cá ngừ ở khâu nguyên liệu đã được nâng cao nhờ áp dụng công nghệ trong khâu đánh bắt, bảo quản.

Theo Sở NN-PTNT, Phú Yên hiện có hơn 1.100 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên chuyên đánh bắt xa bờ, trong đó có khoảng 345 tàu công suất từ 400CV. Hiện có khoảng 580 tàu chuyên khai thác cá ngừ. Sản lượng khai thác cá ngừ năm 2016 khoảng 57.000 tấn, trong đó cá ngừ đại dương khoảng 4.300 tấn. Hai mô hình liên kết theo chuỗi của Công ty CP Bá Hải và Công ty TNHH Nguyễn Hưng bước đầu giúp ổn định khâu thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai chuỗi cá ngừ ở Phú Yên vẫn bộc lộ một số khó khăn, tồn tại. Năng lực tài chính của Công ty CP Bá Hải còn hạn chế nên đầu tư chuỗi cá ngừ gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp thu mua hải sản chưa quan tâm đến việc xây dựng chuỗi liên kết, việc thu mua cá ngừ đại dương còn theo hình thức mua xô. Do vậy chưa tạo được động lực để ngư dân đầu tư công nghệ khai thác, bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm mà chủ yếu chạy theo số lượng. Các dịch vụ nước đá, xăng dầu còn manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung tại các cảng theo quy hoạch nên không kiểm soát được chất lượng. Luồng lạch thường xuyên bị bồi lấp gây khó khăn cho tàu thuyền cập cảng để tiêu thụ sản phẩm…

Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Cá ngừ đại dương là đối tượng thủy sản có trữ lượng khá lớn, giá trị kinh tế cao nhưng khả năng khai thác của ngư dân vẫn còn hạn chế. Do vậy, các doanh nghiệp, ngư dân tham gia chuỗi cần ứng dụng công nghệ cao vào khai thác và chế biến.

Thứ Trưởng bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám: Tiếp tục hỗ trợ đầu tư mạnh chuỗi cá ngừ

Việc doanh nghiệp đứng ra tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi bước đầu mang lại hiệu quả. Ngư dân và doanh nghiệp tham gia chuỗi đã nâng cao được nhận thức trong liên kết để tăng giá trị của sản phẩm sau khai thác.

Tuy nhiên, trong 2 năm qua, việc liên kết theo chuỗi cá ngừ cũng chỉ là thành công bước đầu, chưa hình thành được một xu hướng cụ thể, sản phẩm khai thác được chủ yếu cũng chỉ dừng lại ở mức sản phẩm thô, chưa có chế biến sâu; doanh nghiệp và ngư dân chưa làm chủ được công nghệ nên giá trị thực sự của con cá ngừ chưa được nâng lên. Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các tỉnh tham gia đề án Thí điểm chuỗi cá ngừ để đánh giá lại cụ thể từng mô hình để rút kinh nghiệm và điều chỉnh phương án, các giải pháp đầu tư cho phù hợp trong thời gian tới.

Bộ NN-PTNT yêu cầu Tổng cục Thủy sản triển khai nghiên cứu những đề tài khoa học, hỗ trợ kỹ thuật khai thác, bảo quản, sơ chế hiện đại từ nước ngoài cho ngư dân. Đồng thời giao cho các vụ, viện, trường có liên quan nghiên cứu và giúp đỡ Công ty TNHH Nguyễn Hưng đầu tư sản xuất sản phẩm Omega3 chiết xuất từ gan và mắt cá ngừ…

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Cần nhân rộng mô hình chuỗi cá ngừ hiệu quả

Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi rất kịp thời và phù hợp với thực tế. Với hơn 2.370 tàu cá khai thác cá ngừ và khoảng 20.000 ngư dân 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa tham gia khai thác luôn mong muốn có thu nhập cao để ổn định đời sống.

Bước đầu, chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đã giúp ngư dân tăng thu nhập nhờ bán sản phẩm được giá cao. Do vậy, Bộ NN-PTNT và địa phương cần quan tâm đầu tư nhân rộng những mô hình chuỗi cá ngừ hiệu quả ở các tỉnh duyên hải miền Trung.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: Tập trung cơ cấu lại đội tàu khai thác và tham gia chuỗi cá ngừ

Phú Yên đang tập trung cơ cấu lại đội tàu khai thác, thu mua cá ngừ theo đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sở NN-PTNT tiếp tục vận động các công ty như Lợi An, Hồng Ngọc, Tập Đoàn Biển… tham gia đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Việc hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển là rất cần thiết, do vậy Phú Yên sẽ triển khai tốt hơn Nghị định 67 để khuyến khích phát triển đội tàu này.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nâng cấp và nạo vét luồng lạch vào các cảng cá, phát triển các cơ sở đóng sửa tàu thuyền đảm bảo đủ năng lực phục vụ cho đội tàu khai thác xa bờ. Sở NN-PTNT kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Viện Nghiên cứu hải sản nâng cao độ chính xác trong dự báo ngư trường, hướng dẫn áp dụng công nghệ phát hiện đàn cá bằng hệ thống viễn thám để nâng cao hiệu quả chuyến biển. Phú Yên kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng cá và đầu tư xây dựng các cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ của tỉnh…

Anh Ngọc

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang