Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 26/05/2017
Ngày cập nhật:
31/5/2017
Ninh Bình có tiềm năng diện tích đất mặt nước lớn (19.935 ha) rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản; trong đó diện tích vùng nước ngọt 15.874 ha (ruộng trũng 12.395ha), diện tích vùng nước mặn lợ 4.061 ha; chưa kể hệ thống sông suối, mặt nước biển.
Thu hoạch cá mè giống tại Trung tâm Giống thủy sản Ninh Bình. Ảnh: Trường Giang
Chỉ tính trong quý I năm 2017, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 10,4 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: Sản lượng nuôi ước đạt 8,6 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước (nước ngọt 6 nghìn tấn, nước lợ 2,6 nghìn tấn); sản lượng khai thác ước đạt 1,8 nghìn tấn.
Các trại sản xuất giống thủy sản đã cho sinh sản được 13,97 triệu con cá bột (chép, trắm cỏ); số lượng cá hương thu được là 289,9 vạn con và ương lên cá giống được 54 vạn con.
Đối với các giống thủy sản nước lợ, các trại sản xuất đã hoàn chỉnh xong công tác tu bổ hệ thống bể nuôi, lắp đặt trang thiết bị và đang bước vào vụ sản xuất mới.
Với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất, sản lượng giống nên chúng ta đã chủ động được một phần giống tại chỗ có chất lượng, đáp ứng kịp mùa vụ, góp phần tăng năng suất, sản lượng nuôi trồng và chất lượng sản phẩm.
Nhiều cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về đất đai, vốn vay, chính sách phát triển giống thủy sản, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… được ban hành, đã tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật vào sản xuất giống. Số lượng các trại giống, quy mô sản xuất và sản lượng giống sản xuất hàng năm ngày càng tăng. Trong đó, đã làm chủ được nhiều công nghệ sản xuất giống.
Đặc biệt là thành công trong công nghệ sản xuất giống ngao, giống cua biển, một số đối tượng cá biển và cá nước ngọt có giá trị kinh tế (cá trắm đen, cá chép lai…), tạo tiền đề thuận lợi cho nuôi thủy sản phát triển.
Nhờ nguồn giống sản xuất tại chỗ, người dân yên tâm hơn khi mua giống, hạn chế giống trôi nổi ngoài thị trường không rõ nguồn gốc, chất lượng kém.
Hiện nay, toàn tỉnh có 12 trại giống (11 trại giống mặn, lợ của các doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình; 1 trại giống cá nước ngọt thuộc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh), hàng năm sản xuất ra khoảng gần 3.000 triệu con giống các loại.
Lượng giống nước mặn, lợ đáp ứng được khoảng 25 – 30% nhu cầu và giống cá nước ngọt khoảng 10% nhu cầu cho người nuôi trên địa bàn tỉnh.
Ông Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh cũng cho rằng: Mặc dù đã có được những kết quả bước đầu, nhưng có thể thấy sản xuất giống thủy sản của tỉnh vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế sản xuất, cần có bước đột phá mới.
Trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2020, đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt gần 14.000 ha với việc nuôi bán thâm canh và thâm canh ngày càng mở rộng, kéo theo nhu cầu giống tăng nhanh.
Do đó cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống chất lượng cao và phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất giống thủy sản. Rà soát, đánh giá lại thực trạng, nhu cầu giống; dự báo số lượng con giống cho từng đối tượng nuôi mà nhu cầu thị trường cần có, khuyến cáo để các cơ sở sản xuất giống tập trung đầu tư sản xuất.
Với vùng nước lợ, mặn cần tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất giống hiện có nâng cấp cơ sở vật chất, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất những đối tượng nuôi chính (tôm, ngao, cua biển...).
Vùng nước ngọt, trước mắt cần đầu tư hoàn thành Trung tâm Giống thủy sản, đi sâu sản xuất các đối tượng cá trắm đen, cá trắm cỏ, cá chép và cá rô phi. Đưa vào quy hoạch và đầu tư xây mới trại sản xuất giống thủy sản mặn, lợ trực thuộc Trung tâm Giống thủy sản.
Quy hoạch, xây dựng và hình thành các vùng ương nuôi cá giống tập trung tại các huyện có lợi thế như Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan. áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và sản lượng, giảm giá thành, đáp ứng kịp mùa vụ nuôi thả.
Mặt khác, thực hiện liên doanh, liên kết, hợp tác với các cơ sở sản xuất, các nhà khoa học, các đơn vị trong và ngoài tỉnh để nâng cao năng lực sản xuất và phẩm chất con giống.
Đầu tư nguồn kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu khoa học để thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống thủy sản; lựa chọn để nhập hoặc tiếp nhận các công nghệ sản xuất các giống loài thủy sản có tính chủ lực ở địa phương để nhân rộng cho các cơ sở sản xuất (giống ngao, tôm, cua biển, cá trắm đen, cá rô phi…); ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật giải quyết các vấn đề về dịch bệnh, xử lý môi trường,...
Xây dựng chương trình đào tạo cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao trong lĩnh vực sản xuất giống; đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển sản xuất giống thủy sản, khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp tham gia.
Bên cạnh đó cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giống thủy sản, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng con giống sản xuất tại chỗ hoặc nhập từ nơi khác về. Xây dựng vùng sản xuất tập trung, nâng cao phẩm chất con giống, hình thành khu sản xuất giống theo hướng công nghệ cao.
Có thể khẳng định, thủy sản là một trong những hướng đi để tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công và muốn như vậy thì công tác giống là khâu quan trọng, cần được quan tâm, đầu tư, đáp ứng yêu cầu của người nuôi trong tỉnh.
Đinh Chúc
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.