Nguồn tin: Báo Nam Định, 30/05/2017
Ngày cập nhật:
31/5/2017
Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Yên Hưng (Ý Yên, Nam Định) đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hộ dân tận dụng tối đa diện tích mặt nước, vùng đất bãi ven sông để quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản. Hiện toàn xã có diện tích hơn 30ha nuôi thủy sản với đối tượng chủ lực là các loại cá truyền thống như trắm, mè, trôi, chép… Nghề nuôi thủy sản đã trở thành nghề chính của hàng chục hộ dân trong xã.
Chăm sóc đàn cá tại hộ anh Nguyễn Đình Dưỡng, xóm 4, xã Yên Hưng.
Dọc theo con đê xanh mướt cỏ, chúng tôi tìm gặp anh Hoàng Văn Dũng, xóm 2 đúng lúc anh đang chăm sóc đàn cá. Tiếng cá quẫy tranh nhau đớp mồi xôn xao mặt ao. Anh Dũng có 7 mẫu ao để nuôi cá thương phẩm và sản xuất giống cá nước ngọt truyền thống. Ngoài ra anh còn nuôi thêm cá rô đồng cho hiệu quả kinh tế cao. Anh cho biết cá rô đồng là loại cá sống tự nhiên và phổ biến, sinh sản với số lượng lớn, hiện rất được thị trường ưa chuộng, có giá bán cao từ 80-100 nghìn đồng/kg. Mặc dù được đưa vào nuôi dưới hình thức công nghiệp nhưng với đặc tính năng động, thường xuyên bơi lội nên chất lượng thịt của cá rô đồng nuôi hoàn toàn không thay đổi về mùi vị và độ dai so với cá tự nhiên. Anh cho biết thêm: “Đối với cá rô đồng, kết quả vụ nuôi phụ thuộc rất lớn vào chất lượng cá giống. Khi chọn mua cá giống cần lưu ý các tiêu chuẩn như cá phải có màu sắc sáng đẹp, bơi lội nhanh nhẹn, kích thước đồng đều...; tốt nhất nên mua cá giống tại những cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng. Khi đem cá giống về không nên thả ngay mà phải ngâm cả bao cá xuống ao cho nhiệt độ trong và ngoài bao cân bằng nhau mới cho cá bơi từ từ ra ngoài”. Chính bởi sự tỉ mỉ chăm sóc nên hằng năm anh Dũng thu hoạch được hơn 4 tấn cá các loại, thu hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí, tiêu thụ ổn định tại thị trường Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nội… Anh còn nuôi thêm 8 con lợn nái, kết hợp tận dụng diện tích bờ ao trồng một số loại rau màu, đời sống kinh tế ngày càng ổn định hơn. Chúng tôi tiếp tục đến hộ anh Nguyễn Đình Dưỡng ở xóm 4. Hiện cơ ngơi của anh Dưỡng có 3 ao sản xuất giống các loại cá truyền thống phục vụ nhu cầu nuôi của bà con trên địa bàn và 3 ao nuôi cá nước ngọt thương phẩm. Đầu năm 2013 với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi cá nước ngọt, hộ anh Dưỡng được chọn làm mô hình thí điểm nuôi chuyên canh cá rô phi do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN và PTNT) kết hợp với Sở NN và PTNT thực hiện. Sau 2 năm thực hiện mô hình, do khó khăn về đầu ra, khi thu hoạch sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ giá bán thấp trong khi giá thức ăn liên tục tăng nên không có lãi, anh Dưỡng quay về nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống kết hợp với cá diêu hồng. Hiện nay cá diêu hồng trở thành đối tượng chính mà anh Dưỡng lựa chọn nuôi. Anh cho biết: “Với kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt hơn 20 năm, tôi thấy cá diêu hồng là loại cá ăn tạp, dễ nuôi, có thể ăn nhiều loại thức ăn khác nhau nên rất thích hợp cho việc nuôi thâm canh. Bên cạnh đó, thời gian sinh trưởng của cá diêu hồng ngắn, ít bị dịch bệnh. Qua thực tế cho thấy cá diêu hồng thích nghi với môi trường sống ở đây vì địa phương có hệ thống thủy lợi cung cấp nguồn nước ngọt dồi dào cho các ao, hồ nuôi cá. Nhưng chính bởi đặc tính ăn tạp nên trong quá trình nuôi cần chú ý bảo đảm vệ sinh nguồn nước, không vứt rác thải xuống ao nuôi tránh trường hợp cá ăn phải sẽ mắc bệnh và chết”. Trước mỗi vụ nuôi, anh Dưỡng đều tháo cạn nước ao, vét bớt bùn, dọn sạch cỏ, rong bám xung quanh bờ ao, rắc vôi bột với liều lượng thích hợp rồi phơi đáy ao từ 5-7 ngày để đảm bảo ao được sạch sẽ, tiêu diệt mầm bệnh sau đó mới cho nước vào và thả cá diêu hồng. Nhờ vậy, mỗi năm trung bình hộ anh Dưỡng thu hoạch trên 5 tấn cá thương phẩm các loại. Bên cạnh hộ anh Dũng, anh Dưỡng, trên địa bàn xã còn nhiều hộ nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao.
Để có thêm động lực giúp người dân yên tâm sản xuất, thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Yên Hưng tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân mở rộng diện tích và tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất. Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho người nuôi; chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến, giúp các hộ nuôi chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, UBND xã có biện pháp quản lý các vùng nuôi chặt chẽ, không cho người dân tự ý chuyển đổi nuôi thủy sản, phá vỡ quy hoạch./.
Thanh Hoa
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.