Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 01/06/2017
Ngày cập nhật:
5/6/2017
Theo ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), sau một thời gian ngưng sản xuất, đến thời điểm này, các hộ bị thiệt hại do sự cố môi trường của Nhà máy Đường Khánh Hòa đã bắt đầu cải tạo ao nuôi, thả con giống phục hồi nuôi trồng.
Ông Lê Minh Kha (thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc) cho biết, do sự cố môi trường của Nhà máy Đường Khánh Hòa, 3.000m2 nuôi ốc hương, 2.500m2 nuôi tôm chân trắng của gia đình bị thiệt hại nặng. Sau một thời gian ngừng sản xuất, ông đã vay mượn tiền, cải tạo ao nuôi, thả hơn 1,6 triệu con giống ốc hương. “Không chỉ tôi mà người dân quanh đây đều sống nhờ vào mấy ao nuôi ốc, nuôi tôm, nên phải sớm cải tạo lại ao nuôi, chứ đã trễ vụ nuôi 1 tháng rồi. Ao nuôi ốc của tôi cải tạo lại và thả con giống hết 180 triệu đồng, hy vọng sẽ không gặp sự cố về môi trường nữa”, ông Kha nói.
Hồ nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Thìn vừa thả nuôi được 1 tháng
Cạnh đó, hồ nuôi tôm thẻ của ông Nguyễn Văn Thìn đã thả nuôi được 1 tháng. Ông Thìn chia sẻ, với mỗi hồ nuôi bị ảnh hưởng do sự cố vừa qua, chi phí cải tạo phải mất từ 20 đến 30 triệu đồng, phải dùng thuốc vi sinh để xử lý. Vừa qua, ông đã cải tạo lại 2 hồ nuôi với diện tích 6.000m2, thả hơn 70 vạn con giống tôm thẻ. Ông Thìn cho biết: “Từ khi chất lượng nước đầm Thủy Triều trở lại bình thường, một số hộ có điều kiện đã nuôi trở lại, số khác thì đang chờ tiền đền bù mới có vốn tái sản xuất”.
Theo bà Nguyễn Thị Nhặn - Phó Trưởng Trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư huyện Cam Lâm, dọc theo đầm Thủy Triều đoạn qua thôn Tân Quý và thôn Suối Cam (xã Cam Thành Bắc), có khoảng 50% các hộ bị thiệt hại do sự cố môi trường đã cải tạo ao nuôi, thả con giống tái sản xuất. Đối với các khu vực bị ảnh hưởng ít hơn, nguồn giống thủy sản trong đầm cũng đã tái tạo trở lại. Ông Nguyễn Nhành, chuyên đánh bắt dọc đầm Thủy Triều cho biết: “Mấy ngày sau khi xảy ra sự cố, tôi ra dọc đầm đánh bắt cả ngày không được con cá, con tôm nào. Còn hiện nay, mỗi ngày tôi bắt được khoảng 6 - 7kg ghẹ, cá dìa được khoảng 2kg/ngày”.
Mới đây, tổ công tác gồm các đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các phòng liên quan của huyện Cam Lâm, UBND xã Cam Thành Bắc, Hội Nông dân huyện Cam Lâm, Công ty TNHH Đường Khánh Hòa đã tiến hành khảo sát, thống kê có 38 hộ bị thiệt hại với tổng diện tích nuôi trồng 175.530m2. Căn cứ số liệu trên, tổ công tác thống nhất về khối lượng, đơn giá chi phí con giống, thức ăn, chi phí khác và mức bồi thường thiệt hại cho các hộ bị thiệt hại hơn 6,6 tỷ đồng. “Vừa qua, UBND huyện đã báo cáo UBND tỉnh mức thống nhất về số lượng, tiền bồi thường cho các hộ, đề nghị Công ty TNHH Đường Khánh Hòa sớm bồi thường, chi trả cho các hộ, hỗ trợ người dân sớm phục hồi sản xuất”, ông Nguyễn Ta nói.
V.T
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.