• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Một năm bứt phá

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh, 18/01/2017
Ngày cập nhật: 19/1/2017

Năm 2016, mặc dù thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi, thế nhưng tổng giá trị sản xuất thuỷ sản toàn tỉnh Quảng Ninh vẫn đạt 4.080 tỷ đồng, đóng góp gần 50% GDP trong khối nông, lâm, ngư nghiệp; tạo việc làm và thu nhập cho trên 59.000 lao động... Đây là những kết quả rất đáng phấn khởi, khẳng định vai trò, vị thế của kinh tế thuỷ sản trong ngành Nông nghiệp.

Thu hoạch tôm tại HTX Cát Phú Hải (TP Móng Cái).

Tăng trưởng trên nhiều mặt

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, diện tích nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) năm 2016 đạt gần 21.000ha, sản lượng đạt 50.200 tấn (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó, phần diện tích và sản lượng tăng tập trung chủ yếu vào các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá rô phi, các loài nhuyễn thể. Đơn cử như với đối tượng nuôi tôm thẻ chân trắng, nếu như năm 2015, toàn tỉnh có 3.077ha cho sản lượng 6.920 tấn thì năm 2016, mặc dù diện tích nuôi chỉ tăng khoảng 200ha nhưng cho sản lượng đạt trên 10.000 tấn. Kết quả tăng trưởng mạnh mẽ này là do người nuôi đã chú trọng áp dụng KHCN, phương thức nuôi dịch chuyển từ quảng canh sang thâm canh và bán thâm canh, giúp cho năng suất trung bình về tôm thẻ chân trắng cao hơn so với năm 2015, nhiều vùng nuôi đạt năng suất từ 10-15 tấn/ha, cá biệt tại TP Móng Cái có những cơ sở đạt 20 tấn/ha. Ông Bùi Ngọc Liêm, Giám đốc HTX Cát Phú Hải (TP Móng Cái), cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang áp dụng mô hình nuôi tôm trong nhà bạt, mô hình này đã tạo điều kiện cho tôm phát triển ổn định vì nhiệt độ không bị chênh lệch giữa đêm và ngày. Chỉ tính riêng vụ đầu đông và cuối đông năm 2016, với 50 vạn tôm giống, tôi đã thu hoạch được trên 5 tấn, giá bán 250.000 đồng/kg. Năm 2016, không chỉ có HTX Cát Phú Hải mà trong tổng số 20.690ha NTTS đã có 3.270ha nuôi theo hình thức công nghiệp (tăng hơn 1.200ha so với năm 2015). Nhiều mô hình nuôi mới, hiệu quả đã được đưa vào triển khai thí điểm, mang lại kết quả cao như: Mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh cá rô phi đơn tính tại các vùng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang NTTS ở Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, cho năng suất 6-10 tấn/ha, giá trị đạt từ 280-300 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt 30-40% tổng mức đầu tư; mô hình nuôi tôm thâm canh trong nhà kính tại Quảng Yên, Hoành Bồ, Đầm Hà, Móng Cái cũng đã cho năng suất trên 20 tấn/ha/vụ; mô hình nuôi cá lồng biển với một số loài có giá trị kinh tế cao (cá giò, cá vược, cá hồng Mỹ), với mỗi bè 4 ô lồng chỉ cần 1 lao động chính cũng đã cho thu hoạch 1-1,5 tấn cá thương phẩm. Từ đó đã hình thành được một số vùng nuôi tập trung, tạo lượng sản phẩm thuỷ sản nuôi trồng lớn phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Năm 2016 còn là năm đánh dấu thành công của ngành Thuỷ sản trong lĩnh vực con giống khi đã tăng cường hợp tác với các tổ chức nghiên cứu khoa học, bước đầu sản xuất thành công 2 đối tượng nuôi mới là ngán và sá sùng. Bên cạnh đó, tình hình cung cấp giống thuỷ sản cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện toàn tỉnh có 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản, sản xuất, ương dưỡng được 1.120 triệu con giống. Qua đó, đáp ứng được khoảng trên 30% nhu cầu giống thuỷ sản (tăng 5% so với năm 2015). Trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản, cơ cấu đội tàu khai thác thay đổi theo hướng tăng tàu xa bờ, giảm tàu gần bờ. Công tác phòng, chống dịch bệnh cũng đạt hiệu quả cao khi chỉ có 2,3% tổng diện tích nuôi toàn tỉnh bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Mở hướng phát triển mới

Mặc dù đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ so với năm trước, tuy nhiên, trên thực tế, ngành Thuỷ sản vẫn còn tồn tại không ít bất cập. Công tác lập, quản lý và triển khai quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; bộ máy quản lý nhà nước về thuỷ sản vẫn mỏng về lực lượng, thiếu trang thiết bị; việc gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ; hạ tầng vùng nuôi chưa đồng bộ, năng lực sản xuất giống tại chỗ vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người nuôi trong toàn tỉnh. Trước những tồn tại này, Sở NN&PTNT đã báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh để phát triển sản xuất giống thuỷ sản theo hướng “khu công nghiệp sản xuất giống thuỷ sản tập trung”. Bước đầu, trên cơ sở hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã và đang triển khai Dự án Đầu tư hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung tại huyện Vân Đồn với tổng vốn đầu tư 213 tỷ đồng, công suất 1,5 tỷ con giống nhuyễn thể/năm; Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng NTTS tập trung trên biển tại huyện Đầm Hà với quy mô 650ha, tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng; 6 dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Những dự án này đã tạo động lực thu hút người dân và doanh nghiệp yên tâm dành nguồn vốn cho phát triển sản xuất. Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp nước ngoài (Đài Loan, Nhật Bản, Israel, Úc) đang tiến hành nghiên cứu đầu tư, trong đó có một số doanh nghiệp đến đầu tư với nguồn vốn lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Giai đoạn 2017-2018, ngành Thuỷ sản đặt mục tiêu sẽ duy trì 20.690ha diện tích nuôi, sản lượng năm 2017 đạt khoảng 54.000 tấn, năm 2018 đạt 58.000 tấn và đến năm 2018 sẽ sản xuất được 2 tỷ con giống (cơ bản đáp ứng được nhu cầu về con giống trong toàn tỉnh). Trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung quyết liệt vào những nhiệm vụ trọng tâm để từng bước tháo gỡ dần những “nút thắt” bằng những giải pháp cụ thể như: Tiếp tục phát triển các đối tượng nuôi chủ lực, duy trì diện tích hiện có; hình thành các vùng NTTS tập trung có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tổ chức lại sản xuất, tập trung đẩy mạnh ứng dụng KHCN cao; tăng cường thu hút, hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực NTTS, nhất là với các nhà đầu tư chiến lược...

Tin rằng, với những giải pháp đồng bộ và quyết tâm cao, kinh tế thuỷ sản của tỉnh trong năm 2017 và những năm tiếp theo sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ hơn, trở thành một ngành sản xuất hàng hoá quy mô, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp.

Hoàng Nga

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang