Nguồn tin: Báo Quảng Ninh, 11/06/2017
Ngày cập nhật:
12/6/2017
Mô hình nuôi trồng thuỷ sản thân thiện môi trường gắn với du lịch có trách nhiệm được hình thành trên Vịnh Hạ Long từ giữa năm 2016 trong khuôn khổ dự án “Sáng kiến liên minh Hạ Long - Cát Bà: Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng” do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) và một số đối tác thực hiện bằng nguồn tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Sau một thời gian triển khai, mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả, tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân, gia tăng sức hút về du lịch, đồng thời góp phần quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên Vịnh Hạ Long.
Anh Nguyễn Văn Lợi và mô hình nuôi trồng thuỷ sản bền vững.
Bà Lê Thị Thuý Vinh, Điều phối viên Dự án Sáng kiến liên minh Hạ Long - Cát Bà, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng tại Quảng Ninh cho biết, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản của người dân trên Vịnh Hạ Long là một trong những sinh kế truyền thống của ngư dân Hạ Long từ lâu, mặc dù việc nuôi trồng thuỷ sản tự phát và không được cấp phép vẫn tồn tại từ nhiều năm nay. Phương pháp nuôi truyền thống là khai thác các loài cá có giá trị ngoài tự nhiên sau đó đưa vào lồng nuôi. Thức ăn chủ yếu cho các loài có nguồn gốc tự nhiên này là cá tạp, vì các loài cá tự nhiên chưa được thuần hoá nên không ăn thức ăn công nghiệp và cũng một phần người dân chưa có thói quen hoặc phương pháp sử dụng thức ăn công nghiệp. Việc khai thác các giống tự nhiên có nhiều bất cập như: Lượng giống không nhiều, kích cỡ cá giống không đồng đều, cá hay bị trầy xước trong quá trình khai thác nên cá yếu hay bị bệnh. Ngoài ra, việc khai thác cá giống ngoài tự nhiên mùa vụ cá không cố định nên hiệu quả của nghề nuôi theo phương pháp truyền thống không cao. Thêm vào đó, việc sử dụng cá tạp làm thức ăn cho các loài cá nuôi trên Vịnh Hạ Long còn làm giảm đa dạng sinh học trên Vịnh, gây ô nhiễm môi trường nước và sản xuất ra sản phẩm không đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống lồng nuôi theo phương pháp truyền thống còn nhiều bất cập, đó là người dân sử dụng phao xốp để làm bè nuôi cá nổi trên mặt nước, sau 2-3 năm, phao xốp vỡ ra thành từng mảnh nhỏ gây ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long. Chính quyền TP Hạ Long đã có quyết định loại bỏ phao xốp làm bệ nâng đỡ cho các công trình nổi trên Vịnh Hạ Long, chỉ được sử dụng phao nhựa, phao composite hoặc vật liệu bền vững khác không gây ô nhiễm môi trường đảm bảo cảnh quan.
Khách du lịch tham quan mô hình nuôi trồng thuỷ sản bền vững tại Vung Viêng.
Mặt khác, mặc dù việc di dân của làng chài lên khu vực tái định cư đã được hoàn tất nhưng người dân vẫn có nguyện vọng mong muốn được nhà nước hỗ trợ khôi phục lại hoạt động nuôi trồng thuỷ sản tại làng chài theo quy hoạch, bền vững thân thiện với môi trường, có thể kết hợp với tham quan du lịch, góp phần phát triển du lịch cộng đồng nhằm duy trì và phát huy giá trị văn hoá làng chài trên Vịnh Hạ Long. Từ đó, người dân có thể tự huy động, đầu tư cho sản xuất từng bước nâng cao mức sống. Các doanh nghiệp du lịch có thể gắn kết mô hình nâng cao hiệu quả đầu tư, đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Tháng 4-2016, Đề án thí điểm nuôi trồng thuỷ sản sản bền vững gắn với du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long tại khu vực Vung Viêng đã chính thức được UBND tỉnh phê duyệt để đi vào triển khai. Với sự chủ trì của UBND TP Hạ Long, phối hợp với các đơn vị liên quan là Sở NN&PTNT và đơn vị điều phối dự án là MCD, Dự án đã thành lập được một nhóm nòng cốt gồm có 32 ngư dân tham gia.
Để lựa chọn điểm phù hợp thực hiện xây dựng mô hình thí điểm, Sở NN&PTNN đã chủ trì tổ chức đoàn khảo sát tiến hành điều tra thực địa tại 3 khu vực nuôi trồng thuỷ sản trên Vịnh Hạ Long trong 6 điểm nuôi trồng thuỷ sản lồng bè đã được quy hoạch. Qua quá trình điều tra khảo sát thực địa, các bên đã đi đến thống nhất đề xuất địa điểm triển khai phương án thí điểm nuôi trồng thuỷ sản thân thiện với môi trường kết hợp với du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long là khu vực Vung Viêng. Đây là khu vực làng chài Vung Viêng xưa với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, lưu giữ được nhiều nét văn hoá của ngư dân Hạ Long, là một trong những điểm khám phá thú vị của du khách khi tham quan Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Hợp tác xã Vạn Chài Hạ Long là doanh nghiệp duy nhất thực hiện mô hình thí điểm này.
Khách du lịch đi thuyền tham quan Vung Viêng.
Theo đó, dự án sẽ vận động và hỗ trợ người dân nuôi hải sản với phương thức nuôi và bè nuôi theo quy chuẩn, quy hoạch của địa phương cũng như quốc gia gắn với việc bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long, thúc đẩy người nuôi thực hành nuôi trồng thuỷ sản thân thiện môi trường. Cụ thể như sử dụng thức ăn công nghiệp thay cho thức ăn tươi sống, sử dụng giống thuỷ sản có nguồn gốc rõ ràng, chọn loài nuôi phù hợp với hệ sinh thái. Thay vì hướng tới mục tiêu tạo ra sản lượng nuôi tối đa, mô hình nuôi trồng thuỷ sản thí điểm này được phát triển thành sản phẩm du lịch, gắn với nền tảng hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng vốn đã có sẵn để phục vụ du khách đến tham quan Vịnh Hạ Long.
Đến nay, mô hình đã có 7 nhà bè được lắp đặt hoàn thiện và đi vào hoạt động, thu hút hàng trăm lượt khách du lịch tham quan mỗi ngày. Trong đó, 50% nguồn vốn của dự án hỗ trợ, còn lại là do HTX Vạn Chài đối ứng. Như vậy, các hộ nuôi trồng chỉ phải bỏ kinh phí mua giống cá. Sau 3 năm, các hộ muốn tiếp tục phát triển nuôi trồng thuỷ sản sẽ được HTX chuyển nhượng lại các nhà bè với kinh phí phù hợp.
Ông Tăng Văn Phiến, Giám đốc HTX Vạn Chài chia sẻ, khác với các nhà bè truyền thống của ngư dân làng chài trước đây, tất cả các nhà bè trong dự án đều được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và đảm bảo tính thống nhất, thẩm mỹ cao. Mô hình thí điểm nuôi trồng thuỷ sản thân thiện gắn với du lịch đã giải quyết việc làm cho bà con ngư dân.
Anh Nguyễn Văn Lợi, một trong 7 hộ dân được tham gia mô hình thí điểm này phấn khởi cho biết: “Tôi rất vui khi được lựa chọn tham gia mô hình này. Với kinh nghiệm nuôi trồng thuỷ sản vốn có, cộng với kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với du lịch sinh thái cộng đồng được trang bị từ các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng ngư dân của MCD, tôi nghĩ mình sẽ triển khai thực hiện tốt mô hình này”.
Ông Tăng Văn Phiến cho biết, theo kế hoạch đến năm 2018, mô hình thí điểm này sẽ hoàn thành 32 bè nuôi thuỷ sản ở Vung Viêng. Đây là mô hình thiết thực góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn trên Vịnh Hạ Long. Khu nuôi trồng thuỷ sản trở thành sản phẩm du lịch mới. Du khách đến tham quan làng chài Vung Viêng sẽ được rong thuyền nan vào thăm khu nuôi trồng thuỷ sản, được cùng ngư dân chăm cá, thả mồi và thưởng thức không gian thanh bình tuyệt vời của làng chài độc đáo này.
Sáng kiến liên minh Hạ Long - Cát Bà là một dự án do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) thực hiện bằng nguồn tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Dự án được triển khai trong 3 năm từ tháng 6-2014 đến 6-2017, chủ trì thực hiện bởi MCD và tham gia thực hiện bởi Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) và Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR).
Thu Nguyên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.