Nguồn tin: VOV, 13/06/2017
Ngày cập nhật:
14/6/2017
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định tiềm lực phát triển ngành tôm Việt Nam là rất lớn, và đã mời truyền thông quốc tế "giải oan" cho cá tra.
Giàu tiềm năng phát triển con tôm
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường tại Nghị trường sáng nay (13/6), đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa Vũng Tàu) dẫn ý kiến của Thủ tướng cho rằng, ngành tôm Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế phát triển, Kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, đóng góp 10% cho GDP cả nước.
Đại biểu Cúc hỏi: Bộ trưởng có giải pháp gì để thực hiện chiến lược phát triển ngành tôm trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, tiềm năng phát triển ngành tôm của Việt Nam là rất lớn. "Với con tôm, dư địa phát triển là rất lớn khi mỗi năm nhu cầu tiêu thụ 10-15%. Chưa kể Việt Nam là đất nước có dải bờ biển dài, tiềm năng lớn để phát triển con tôm," ông Cường nêu rõ.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, muốn phát triển ngành, lĩnh vực nào thì đầu tiên phải xác định thị trường, nhu cầu tiêu thụ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội
Nhưng khó nhất hiện nay, theo Bộ trưởng Cường, là việc huy động lực lượng doanh nghiệp, nông dân liên kết chặt chẽ theo vùng, quản trị từ giống, thức ăn, chế biến, xuất khẩu…
Ông Cường cho hay, Bộ NN&PTNT đã giao nhiệm vụ cho các viện nghiên cứu thuỷ sản nghiên cứu, giải quyết cho được tình trạng con giống tôm, trước mắt là 2 loại giống tôm sú, tôm thẻ để phục vụ cho nhu cầu phát triển. Đồng thời, Bộ cũng đang kết hợp với doanh nghiệp, địa phương phát triển theo hướng sinh thái chứ không phải thâm canh.
"Chúng ta phải phát triển cả 2 hướng là thâm canh có mức độ và tận dụng sinh thái để phát triển con tôm", ông nói.
"Giải oan" cho cá tra
Trước tình trạng cá tra gần đây bị một số phương tiện truyền thông nước ngoài đưa thông tin không đúng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là vấn đề cấp bách, cần phải "giải oan" cho cá tra.
"Khi hội nhập, chúng ta cũng cần chuẩn bị các phương án để đối phó với các biện pháp phi thương mại. Vừa qua chúng tôi đã mời các hãng truyền thông, cử đại diện chính thức đi cơ sở sang Việt Nam, để họ tận mắt chứng kiến, nếu đưa không đúng thì phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải tiến hành nhiều biện pháp khác kết hợp", ông Cường nói.
Về vấn đề hàng xuất đi phải nhập lại của Việt Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp cho biết chiếm tỷ lệ rất thấp và lý do chính là yêu cẩu của đối tác rất cao. Ông cũng khẳng định, nếu không xuất được thì không thể bán trong nước.
Để khắc phục tình trạng này, "tư lệnh" ngành nông nghiệp đề xuất tăng cường quy trình kiểm tra đồng nhất với nước bạn để hạn chế tình trạng xuất bị trả về./.
Trần Ngọc/VOV.VN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.