Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng, 12/11/2020
Ngày cập nhật:
14/11/2020
Tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi gần 73.000 ha thủy sản, đạt trên 98% kế hoạch, giảm 7,9% so cùng kỳ; trong đó, diện tích tôm nước lợ là gần 50.000 ha (giảm hơn 13% so cùng kỳ), thủy sản nước ngọt khoảng 21.000 ha, thủy sản khác trên 2.000 ha. Diện tích thiệt hại tôm nước lợ chiếm gần 4.000 ha, chiếm khoảng 8% diện tích thả nuôi, dù thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 gần 1,5% diện tích, tuy vậy do tác động bất lợi của thời tiết và môi trường, tỷ lệ tôm nuôi nước lợ bị thiệt hại vẫn còn cao, nhất là với các hộ dân ít vốn, nuôi nhỏ lẻ.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, tình hình dịch bệnh cuối tháng 10 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là bệnh đốm trắng và vi bào tử trùng vẫn chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân do ảnh hưởng của các đợt áp thấp nhiệt đới và bão liên tiếp ảnh hưởng đến nước ta, gây ra mưa kéo dài, nhiệt độ môi trường biến động và giảm thấp tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển. Đặc biệt, tại một số vùng nuôi có ao nuôi bị thiệt hại do bệnh đốm trắng cao như xã Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu), xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên); nhất là vùng nuôi Lịch Hội Thượng có tỷ lệ nhiễm vi bào tử trùng khá cao (có 11/13 mẫu dương tính với bệnh).
Theo khung lịch mùa vụ thả nuôi tôm nước lợ được ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo thì với tôm thẻ chân trắng thả nuôi từ ngày 20/01 - 30/9/2020; tôm sú từ ngày 01/4 - 30/8/2020. Còn tại các địa phương thực hiện luân canh mô hình tôm - lúa, việc bố trí lịch thả nuôi tôm và thu hoạch sẽ kết thúc trước tháng 9/2020 để chuẩn bị cho vụ lúa.
Hiện nay, đã kết thúc mùa vụ thả nuôi theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, điều kiện thời tiết cuối năm thường bất lợi do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới. Do đó, khuyến cáo các hộ nuôi có công trình ao không đảm bảo điều kiện kỹ thuật, khó quản lý các yếu tố môi trường ao, các vùng đang có dịch bệnh nhiều nên ngưng thả giống.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo, đối với các hộ nuôi đang có tôm trên đồng cần lưu ý quản lý môi trường ao nuôi để hạn chế thiệt hại do biến động môi trường. Hiện nay, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão liên tiếp hình thành trên biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, điều kiện thời tiết sẽ rất bất lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh. Các bệnh đốm trắng và hoại tử gan tuỵ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Do đó, để hạn chế dịch bệnh lây lan, các hộ có diện tích tôm bị thiệt hại không được xả nước ra môi trường bên ngoài, nên xử lý ao nuôi bằng thuốc sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành thú y; các hộ nuôi xung quanh khu vực có dịch bệnh không lấy nước trực tiếp vào ao nuôi; cấp nước vào ao lắng và diệt khuẩn, diệt giáp sát triệt để trước khi đưa vào ao nuôi.
Những yếu tố bất lợi của môi trường, thời tiết đã gây khó khăn cho người nuôi tôm
Trong năm 2019, toàn tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi tôm nước lợ trên diện tích 57.500 ha; trong đó tôm thẻ chân trắng hơn 38.000 ha, tôm sú khoảng 19.000 ha; ước sản lượng đạt hơn 150.000 tấn. Năng suất bình quân cũng ở mức cao với tôm thẻ chân trắng, đạt 4,4 tấn/ha, tôm sú 1,5 tấn/ha (thâm canh 4 tấn/ha, bán thâm canh 2,2 tấn/ha và quảng canh cải tiến 0,7 tấn/ha)...
Niên vụ tôm năm 2020, Sóc Trăng cũng đặt chỉ tiêu thả nuôi tôm nước lợ hơn 50.000 ha với sản lượng ước đạt 167.000 tấn. Để đạt mục tiêu này, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người nuôi thả nuôi tôm theo đúng khung lịch mùa vụ; thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm phòng chống thiệt hại trên tôm nuôi và chăm sóc tốt diện tích còn tôm trên đồng.
Tuy nhiên, với những hộ nuôi nhỏ lẻ, ít vốn, thành công trong mỗi vụ nuôi là không hề dễ dàng. Bởi ngoài yếu tố bất lợi từ thời tiết, môi trường nuôi thì nguồn vốn và biện pháp kỹ thuật yếu sẽ khó đảm bảo cho các hộ nuôi nhỏ lẻ có được thành công. Một thực tế khác là nguồn nước trên các kênh rạch hiện nay không đảm bảo, nguồn lây nhiễm bệnh trên tôm vẫn không được xử lý triệt để. Anh Trần Sà Rây ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu cho biết: Năm nay nuôi hai ao tôm đều thất bại, lỗ hơn 40 triệu đồng. Giờ hết vốn, cũng không biết sẽ nuôi con gì trong những vụ tới.
Ông Mã Văn Hồng - Giám đốc Hợp tác xã Nông Ngư Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên thông tin, đối với vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020, do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nên rất khó nuôi, thiệt hại cũng tương đối nhiều nên đa số các thành viên của hợp tác xã chỉ thả thăm dò một số ao. Thậm chí, bà con chọn “treo ao” hoặc thả nuôi cua để tăng thu nhập chứ vụ tôm năm nay không đạt được như kế hoạch đề ra.
Để có vụ tôm thắng lợi, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng hàng năm đã quản lý nuôi tôm nước lợ bằng khung lịch mùa vụ và được các tổ chức cũng như người nuôi đánh giá cao; đưa ra khuyến cáo phù hợp với diễn biến thực tế từng địa phương. Người nuôi ở các địa phương trong tỉnh cũng tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chức năng. Tuy nhiên, dịch bệnh luôn là yếu tố đe dọa đến sự thành công trong mỗi vụ nuôi. Cùng với đó là những yếu tố về môi trường, bất lợi của thời tiết, giá cả…
Chanh Đa
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.