Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 29/12/2020
Ngày cập nhật:
30/12/2020
Tại Hội nghị tổng kết kết quả sản xuất vụ tôm nước lợ năm 2020 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021 vào ngày 24-12, các đại biểu tham dự hội nghị đều có chung mối quan tâm là làm sao kéo dài chuỗi thành công cho ngành tôm của tỉnh Sóc Trăng như mấy năm gần đây, hay nói một cách cụ thể như Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu là làm sao để phát triển ngành tôm một cách hiệu quả và bền vững nhất mới là mục tiêu quan trọng mà chúng ta muốn hướng tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu khẳng định mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững mới là đích đến của ngành tôm Sóc Trăng.
Với mong muốn ngành tôm của tỉnh phát triển hiệu quả và bền vững nhất như ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu, các đại biểu tham dự hội nghị đều dành nhiều thời gian để thông tin, góp ý cho các giải pháp, đề xuất, kiến nghị cho tương lai của ngành tôm. PGS.TS Trương Quốc Phú – Trưởng Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh sự hỗ trợ và liên kết chuyển giao khoa học công nghệ với Sóc Trăng thời gian qua là rất hiệu quả. TS Phú cũng thông tin đến hội nghị về kết quả thử nghiệm 2 mô hình nuôi mới hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào mà Khoa Thủy sản đã thực hiện rất thành công. Hiện Khoa Thủy sản đang phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai mô hình trình diễn trên diện tích 1ha tại phường Vĩnh Phước, TX. Vĩnh Châu, dự kiến sẽ tiến hành thả giống vào đầu tháng 1-2021.
Không chỉ có các đơn vị khoa học, các tổ chức hội nghề nghiệp cũng rất quan tâm hỗ trợ ngành tôm một cách tích cực và có hiệu quả. Ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế khai thác và nuôi trồng thủy sản bền vững (ICAFIS) cho biết, nhiều năm qua, tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, Dự án ICAFIS đã hỗ trợ cho ngành tôm Sóc Trăng một cách thiết thực và hiệu quả nhất. Bên cạnh việc hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, THT) của Sóc Trăng nuôi tôm đạt chứng nhận VietGAP, ASC… ICAFIS còn kết nối các HTX, THT với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, còn hỗ trợ các HTX, THT phát triển các sản phẩm có giá trị từ mô hình tôm – lúa. Đối với các sản phẩm được hình thành từ các chương trình, dự án có sự tham gia của ICAFIS sẽ được hỗ trợ xây dựng logo, nhãn hiệu bao bì và được giới thiệu trên các trang thương mại điện tử có uy tín.
Thành công liên tiếp của nghề nuôi tôm mấy năm gần đây theo ông Võ Quan Huy – Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh là rất đáng ghi nhận, nhưng vấn đề tới đây là chúng ta làm sao kéo dài sự thành công này và quan trọng hơn, trong sự thành công đó không có người nuôi tôm nào bị bỏ lại phía sau. Ông Huy chia sẻ: “Nếu chịu để ý chúng ta sẽ thấy, những hộ hay trang trại, doanh nghiệp nuôi tôm thành công thì ở đó luôn có sự hiện diện một hàm lượng rất lớn của khoa học công nghệ và ngược lại. Do đó, theo tôi, tỉnh cần quan tâm nhiều hơn đến người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến bằng các chương trình và sự hỗ trợ cụ thể, như: chương trình giám sát, theo dõi dịch bệnh hay biểu đồ về giá tôm theo từng tháng, từng mùa vụ trong năm để từ đó có những phân tích, lý giải nguyên nhân cũng như đưa ra những dự báo kịp thời, chính xác”. Nói về lợi thế rất lớn của ngành tôm Sóc Trăng, theo ông Huy đó chính là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp chế biến trong tỉnh đều là những tài năng thuộc tốp đầu trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu của cả nước. Đây là nguồn lực rất lớn mà tỉnh cần quan tâm để làm sao khai thác tốt nguồn nhân lực này để họ có thể chia sẻ nhiều hơn với ngành tôm và giúp ngành tôm của tỉnh phát triển mạnh và bền vững hơn nữa.
Liên quan đến ngành tôm, ông Trần Văn Phẩm – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) có một đề xuất rất mới và khá hay, đó là tỉnh cần có chiến lược đô thị hóa hợp lý cho vùng nuôi. Giải thích thêm cho vấn đề này, ông Phẩm cho biết hiện tại, dù có trả lương 10 hay 15 triệu đồng/tháng cũng không dễ tuyển dụng kỹ sư hay kỹ thuật viên thủy sản về làm việc tại các trang trại nuôi tôm, mà nguyên nhân chính là do những vùng nuôi tôm đều cách xa trung tâm đô thị nên họ không có điều kiện vui chơi, giải trí sau giờ nghỉ. “Vì vậy, theo tôi, tỉnh cần có chiến lược đô thị hóa phù hợp với những vùng nuôi tôm trọng điểm để tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực có trình độ về với vùng nuôi” – ông Phẩm đề xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu đánh giá cao các ý kiến đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành tôm Sóc Trăng và cho rằng, sản lượng tôm tăng là tốt, nhưng vấn đề là làm sao để phát triển bền vững mới là quan trọng. Cũng theo Chủ tịch Trần Văn Lâu, năm 2021, tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh… trong nước cũng như thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường và đây cũng là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến ngành tôm. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nuôi phù hợp nhằm kéo dài thêm sự thành công của nghề nuôi mà chúng ta đã đạt được trong mấy năm gần đây. Hay nói cách khác, chúng ta phải làm sao để phát triển nghề nuôi tôm một cách hiệu quả và bền vững nhất.
Muốn làm được điều này, người nuôi phải áp dụng khoa học công nghệ vào nghề nuôi và từng bước chuyển dần sang nuôi thâm canh, nuôi ứng dụng công nghệ cao để tăng sản lượng, giảm rủi ro và xây dựng liên kết, tạo chuỗi giá trị hiệu quả và bền vững, tiến tới không còn hộ nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu, chỉ đạo: “Ngành tôm bên cạnh sự thích ứng và thuận thiên còn phải làm sao thay đổi được tư duy sản xuất của người nuôi tôm để hướng họ đến những mô hình nuôi hiệu quả hơn, môi trường nuôi được tốt hơn. Do đó, ngành nông nghiệp phải chủ động phối hợp cùng các địa phương để có sự phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phát sinh; phải quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nghề nuôi và chế biến…”.
TÍCH CHU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.