Nguồn tin: Báo Phú Yên, 15/11/2020
Ngày cập nhật:
17/11/2020
Thu gom tôm hùm ở TX Sông Cầu. Ảnh: PV
Sau bão số 12, hơn 1.500 lồng bè nuôi tôm hùm của 169 hộ dân tại xã Xuân Phương và các phường Xuân Yên, Xuân Thành, Xuân Đài (TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) có tôm hùm nuôi chết, thiệt hại ban đầu lên đến hàng chục tỉ đồng. Những con số này chắc chắn chưa dừng lại.
Người dân, chính quyền địa phương, nhà quản lý, nhà khoa học đều có chung nhận định: tôm hùm chết hàng loạt là do sốc nước, tức môi trường nước có sự thay đổi đột ngột ngay khi lũ các nơi đổ về.
Chỉ riêng ở thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương, trong số 410 hộ nuôi tôm hùm thì đến trưa 12/11, số tôm hùm chết đưa vào bờ đã lên đến 8,3 tấn, 1 tỉ con tôm hùm con đang ương nuôi cũng sốc nước lũ chết hết. Một tài sản quá lớn đối với ngư dân chỉ chốc lát đã tan thành bọt biển.
Đây là chuyện không mới ở Phú Yên cũng như nhiều vùng nuôi tôm hùm ở các đầm, vịnh ven biển miền Trung. Vậy có thể nuôi tôm hùm hiệu quả được không? Làm sao để người nuôi tôm hùm đỡ thiệt hại khi có bão, lũ xảy ra?
Trồng rừng, tái tạo lớp phủ rừng
Hơn 10 năm qua, trên hệ thống sông ngòi Việt Nam đã có hàng trăm công trình thủy điện lớn nhỏ án ngữ nơi đầu nguồn. Trong khi ở hầu hết dự án đầu tư thủy điện, vấn đề suy giảm nguồn nước, những tác động xấu đến hệ sinh thái, môi trường và đặc biệt là vấn đề mất rừng đầu nguồn chưa được quan tâm. Các dự án đều đưa ra viễn cảnh điều tiết lũ, cắt lũ, điều tiết nước tưới như là một lợi ích kép của việc xây dựng thủy điện.
Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Chưa bao giờ lũ lụt, hạn hán ngày càng dữ dội, khốc liệt như những năm gần đây, nhất là ở khu vực miền Trung. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hàng ngàn héc ta rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn đã bị bức tử. Trong đó, không thể không nói đến trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án thủy điện.
Vùng nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu. Ảnh: PV
Diện tích rừng bị mất để làm các nhà máy thủy điện quá nhiều, nhưng diện tích rừng mà chủ đầu tư hứa trồng lại không đáng kể. Rừng bị mất là một trong những nguyên nhân làm thay đổi hệ sinh thái, dẫn đến khô hạn, cạn kiệt nguồn nước hoặc làm gia tăng nguy cơ lũ lụt. Nhiều diện tích đất sản xuất bị xói mòn cũng do mất rừng. Chính vì thế, tái tạo lại hệ sinh thái rừng đầu nguồn được xem là vấn đề cấp thiết, phải làm từ Tây Nguyên xuống Phú Yên, đặc biệt là vùng tiếp giáp lũ đổ từ Tây Nguyên xuống.
Nhưng, trồng rừng chưa quan trọng bằng tái tạo lớp phủ rừng. Thời gian qua, một số diện tích rất lớn rừng đã được thay thế bởi cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su... Nhưng cao su và một số loại cây công nghiệp khác là cây rễ cọc, không giữ nước được. Bên cạnh đó, lối canh tác vô cơ, sử dụng hóa chất đã làm chai đất, nước không ngấm được xuống đất và tràn trên bề mặt, gây ra lũ lụt. Do đó cần sớm chuyển sang thói quen canh tác hữu cơ - tuần hoàn, vừa tăng năng suất lao động, tăng GDP, vừa thân thiện với môi trường.
Các vấn đề liên quan cũng cần lưu tâm là việc đô thị hóa phải có kiểm soát, hệ thống thoát nước phải hoàn thiện trước khi xây dựng các hạ tầng khác. Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nước ngầm và khai thác cát trên sông. Tái cân bằng nước ngầm là giải pháp hiệu quả cho nhiều mục tiêu phát triển bền vững cũng rất cần được sớm triển khai.
Ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm hùm
Để nuôi tôm hùm hiệu quả, trước hết việc nuôi tôm hùm phải nằm trong phạm vi quản lý nhà nước cho phép sau khi cân đối giữa các lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường. Nuôi tôm hùm phải đảm bảo khả năng tự cân bằng sinh thái của vùng nuôi. Ví như vịnh Xuân Đài chỉ cho phép nuôi bao nhiêu diện tích lồng bè thì chính quyền “cấp quota” cho nuôi bấy nhiêu, không vượt mức cho phép. Nuôi tôm hùm ứng dụng các công nghệ cao một cách đồng bộ theo nguyên tắc hữu cơ, tuần hoàn cũng là giải pháp cần hướng đến sớm hơn.
Làm thế nào nuôi tôm hùm đỡ thiệt hại hơn khi có bão, lũ? Đây là câu chuyện liên quan đến nhiều yếu tố. Các nhà khoa học khuyến cáo: nên làm loại lồng di động và có thể nhấn chìm sâu xuống đáy khi có bão hoặc nước lũ đổ về với ống thông hơi nhô lên. Hoặc kiểu lồng có thể nhấc lên hoàn toàn khi thu hoạch, khi cần cứu tôm hùm ngay lập tức do sốc độ pH khi nước lũ gây ra, để giữ tôm được giá nếu còn sống. Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống IoT (internet kết nối vạn vật) quan trắc đo các thông số kỹ thuật trong môi trường nuôi cũng cần triển khai sớm.
Tóm lại, lũ làm tôm hùm nuôi chết là do thiên tai. Người dân nuôi tôm hùm còn mang tính tự phát, sử dụng hóa chất khi tôm bệnh, gây ô nhiễm môi trường làm tôm hùm nuôi chết hàng loạt. Đó là do nhân tai. Đã đến lúc người dân Phú Yên phải thay đổi cách nghĩ, cách làm mới đảm bảo nghề nuôi tôm hùm hiệu quả, an toàn, bền vững...
TRẦN THANH HƯNG - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.