Nguồn tin: Báo Long An, 01/12/2020
Ngày cập nhật:
2/12/2020
Những tháng gần đây, giá tôm liên tục ở mức thấp. Điều này khiến người nuôi tôm tại các huyện vùng hạ của tỉnh ngại thả nuôi vụ mới.
Người dân gặp khó vì giá tôm thấp
Giá tôm thấp
Vừa thu hoạch 1,2ha tôm thẻ, anh Nguyễn Thành Lập, ngụ ấp 3, xã Tân Ân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An buồn bã nói: “Vụ vừa rồi, dù thu hoạch được hơn 9 tấn tôm thẻ nhưng gia đình tôi vẫn thua lỗ gần 100 triệu đồng, đó là chưa kể hơn 3 tháng bỏ công chăm sóc của 2 vợ chồng. Hiện tôi vệ sinh ao để chuẩn bị thả nuôi vụ mới. Tuy nhiên, nếu giá tôm vẫn thấp như hiện nay thì có lẽ tôi phải để trống ao một vụ”. Theo anh Lập, chi phí đầu tư cho mỗi hécta tôm hiện nay dao động từ 650-700 triệu đồng. Do đó, nếu bán với giá dưới 75.000 đồng/kg thì người nuôi sẽ thua lỗ. Đó là chưa kể đến năng suất tôm.
Anh Võ Thành Trung, ngụ ấp Nhựt Hòa, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, cho biết, anh và nhiều người nuôi tôm trên địa bàn xã trông chờ giá tăng để thu hoạch và cải tạo ao nuôi. “Giá tôm hiện nay ở mức thấp nhất, do đó nhiều người sợ thua lỗ nên vẫn chưa thu hoạch, còn những người đã thu hoạch tôm thì vẫn “treo ao”, không dám thả nuôi vì giá chưa tăng” - anh Trung cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, ngụ ấp Bắc, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi 2 ao tôm bán công nghiệp (sử dụng bạt bờ và oxy đáy). Cách đây 1 tháng, tôi thu hoạch 1 ao được khoảng 1,2 tấn tôm. Mặc dù đạt năng suất nhưng do giá tôm thấp nên gia đình tôi không có lãi. Ao tôm còn lại cũng đến giai đoạn thu hoạch nhưng tôi để lại, chờ giá tăng. Nhiều người nuôi tôm ở đây cũng đang “treo ao” như vậy”.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ, hiện diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện là 101,9ha, trong đó có hơn 13ha nuôi tôm sú, còn lại là tôm thẻ chân trắng, tập trung chủ yếu ở các xã: Nhựt Ninh, Đức Tân, Tân Phước Tây và Bình Trinh Đông. Từ đầu năm 2020 đến nay, công tác phòng, chống dịch bệnh cho tôm nuôi được triển khai quyết liệt, hệ thống giám sát dịch bệnh được thiết lập và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn chưa được khống chế triệt để, các loại bệnh nguy hiểm trên tôm như hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng,... còn xảy ra suốt vụ nuôi và ở hầu hết các vùng nuôi với mật độ thấp.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo thông tin: “Những tháng qua, giá tôm trên thị trường khá thấp. Vì vậy, người nuôi cần chọn phương án và thời gian thu hoạch phù hợp. Nhìn chung, việc nuôi tôm năm nay gặp khá nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường. Tính đến tháng 11/2020, huyện có hơn 20ha tôm bị thiệt hại do sốc môi trường và bệnh đốm trắng, gan tụy cấp”.
Thận trọng khi thả nuôi
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân, những năm gần đây, việc nuôi tôm của nông dân trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, thời tiết diễn biến bất thường,... Cùng với đó, nông dân chưa vệ sinh, xử lý ao, đầm đúng yêu cầu kỹ thuật, tình trạng lạm dụng các loại thuốc kháng sinh còn xảy ra, chưa thể kiểm soát được. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện có trên 344ha tôm bị thiệt hại, chiếm gần 20% tổng diện tích thả nuôi.
Để hạn chế dịch bệnh lây lan, trước khi thả nuôi, người dân nên chọn mua tôm giống từ những cơ sở uy tín, đã qua kiểm dịch; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, dịch bệnh, chất lượng môi trường nước ao nuôi và nước,... Ngoài ra, người dân cần cải tạo ao đầm thật kỹ, đối với ao bệnh phải cải tạo trên 30 ngày mới thả nuôi lại,...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh thông tin: “Nhằm bảo đảm duy trì diện tích và sản lượng tôm trong năm 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng khung lịch thời vụ và tổ chức các đợt quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh để thông tin, khuyến cáo kịp thời đến các địa phương. Đồng thời, ngành phối hợp chặt chẽ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm; tổ chức lấy mẫu giám sát, khoanh vùng, xử lý dịch bệnh, không để lây lan; đẩy mạnh tuyên truyền cho tập thể, cá nhân các hộ nuôi tôm thực hiện “3 không”: Không giấu dịch bệnh, không xả nước thải chưa qua xử lý và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra môi trường”./.
Đến nay, tỉnh thả nuôi 5.436ha tôm nước lợ, đạt 76,8% kế hoạch (7.080ha), bằng 84,6% so cùng kỳ năm 2019; trong đó, thu hoạch 5.137,2ha, năng suất bình quân 2,7tấn/ha, sản lượng 13.647,8 tấn.
Hiện giá tôm thương phẩm ở mức thấp: Tôm thẻ chân trắng: Cỡ 60-70 con/kg giá từ 100.000-110.000 đồng/kg, cỡ 100-110 con/kg giá từ 90.000-95.000 đồng/kg; tôm sú: Cỡ 40-50 con/kg giá từ 195.000-200.000 đồng/kg, cỡ 70-80 con/kg giá từ 110.000-115.000 đồng/kg.
Bùi Tùng
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.