• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ngược dòng về đích

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 01/12/2020
Ngày cập nhật: 2/12/2020

Vượt qua những thời điểm khó khăn về hạn, mặn, dịch bệnh, thị trường và nhất là những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, vụ tôm nước lợ năm 2020 của tỉnh Sóc Trăng đã làm cú ngược dòng về đích thành công cả về diện tích thả nuôi lẫn sản lượng thu hoạch.

Nhiều diện tích tôm thu hoạch trúng mùa là minh chứng cho sự thành công của vụ tôm nước lợ năm 2020 của tỉnh. Ảnh: TÍCH CHU

Bước vào vụ tôm nước lợ năm 2020, người nuôi tôm trong tỉnh đã phải đối mặt với chướng ngại vật đầu tiên tương đối khó là tình hình hạn, mặn diễn ra gay gắt trên diện rộng và kéo dài. Độ mặn quá cao cùng thời tiết nắng nóng khiến tiến độ thả nuôi rất chậm, thậm chí một số vùng nuôi, mô hình nuôi không dám thả nuôi vì rủi ro quá cao. Sau chướng ngại vật đầy khó khăn trên, người nuôi tôm nói riêng và ngành tôm của tỉnh nói chung tiếp tục đương đầu với những chướng ngại vật khác còn khó khăn hơn nhiều, như: dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, giá tôm lên xuống thất thường, dịch bệnh đốm trắng, vi bào tử trùng và phân trắng xuất hiện và gây hại tôm nuôi…

Tuy nhiên, nhờ giá tôm trong những tháng đầu năm còn ở mức cao, nhất là tôm thẻ cỡ lớn, nên những hộ nuôi tôm thẻ bằng ao lót bạt vẫn mạnh dạn thả nuôi một số diện tích mang tính thăm dò và phần lớn đều thành công với tỷ suất lợi nhuận đạt được rất cao. Đây chính là động lực, là niềm tin để phần lớn người nuôi tôm tiếp tục theo đuổi vụ nuôi, góp phần mang lại thành công chung cho nghề nuôi tôm của tỉnh trong vụ nuôi này. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, tính đến ngày 20-11, toàn tỉnh thả nuôi 51.353,2ha, đạt 102,7% kế hoạch và dù chỉ mới thu hoạch gần 40.000ha nhưng sản lượng đã gần 160.000 tấn, tức bằng với kế hoạch đề ra. Trong khi đó, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại đến thời điểm trên chỉ mới có 4.368,7ha, nên có thể khẳng định chắc chắn rằng, sản lượng tôm nước lợ năm nay của tỉnh sẽ lại vượt chỉ tiêu kế hoạch vì hiện vẫn còn trên 10.000ha tôm chưa thu hoạch.

Đây thật sự là một thành quả rất đáng ghi nhận cho sự nỗ lực vượt bậc của cả người nuôi tôm, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lẫn ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp. Và trong cuộc ngược dòng thành công đó cũng có những người nuôi tôm không có được niềm vui hoặc nếu có thì niềm vui cũng chưa trọn vẹn mà nguyên nhân là do nuôi không thành công, hay thành công nhưng lúc thu hoạch gặp phải giá tôm xuống thấp… Đây cũng là chuyện thường tình ở mỗi mùa tôm, bởi nghề nuôi tôm vốn được xem là nghề lắm rủi ro, nên những chuyện không vui như thế vẫn luôn xảy ra. Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số thiệt hại đến ngày 20-11 chỉ 4.368,7ha, tức chỉ chiếm khoảng 8,5% diện tích thả nuôi mới thấy thành công ở vụ tôm đầy rẫy những khó khăn, thách thức như năm nay là rất đáng để ghi nhận.

Nếu theo dõi xuyên suốt vụ tôm năm nay có thể thấy người nuôi tôm và ngành chức năng đã rất kinh nghiệm trong việc xử lý những tình huống khó phát sinh trong vụ tôm, mà nổi bật là quyết định làm chậm tiến độ thả nuôi bằng cách thả nuôi rải vụ để thăm dò tình hình và chuyển một phần diện tích từ ao đất sang nuôi ao bạt. Những quyết định trên cùng với sự nhạy bén, linh hoạt của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong tỉnh nhanh chóng giảm hàng tồn kho và chuyển phần lớn sản phẩm sang kênh tiêu thụ là các siêu thị bán lẻ để tránh tác động từ dịch Covid-19. Đây được xem là mấu chốt giúp vụ tôm năm nay về đích thành công, dù có những thời điểm thị trường và dịch bệnh trên tôm gây khó cho người nuôi lẫn doanh nghiệp.

Vụ tôm nước lợ năm 2020 đã thành công (chắc chắn là như vậy) không những xóa tan đi những hoài nghi ban đầu khi tiến độ thả nuôi luôn diễn ra một cách khá chậm chạp so với cùng kỳ, mà còn giúp cho người nuôi tôm, doanh nghiệp và ngành chức năng có thêm những kinh nghiệm quý trong việc ứng phó với khó khăn phát sinh từ thực tế. Những kinh nghiệm đó rồi đây sẽ được đúc kết thành “cẩm nang” để tiếp tục đồng hành cùng ngành tôm trong những vụ tôm tiếp theo. Những kinh nghiệm đó, cùng với thế mạnh hiện có, dù không là thủ phủ tôm của cả nước nhưng Sóc Trăng hoàn toàn có thể tự tin sẽ trở thành tỉnh trọng điểm của ngành tôm cả nước, đặc biệt là về giá trị kim ngạch xuất khẩu.

TÍCH CHU

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang