Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 01/12/2020
Ngày cập nhật:
3/12/2020
Sau các đợt mưa bão, lũ lụt liên tiếp trong tháng 10/2020, người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng nề. Hơn 1.800 ha diện tích nuôi thủy sản các loại bị ngập, nước lũ cuốn trôi; nhiều ao nuôi, lồng bè nuôi thủy sản bị vỡ, hư hỏng… Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, cùng với việc tích cực phòng, chống thì cần phải có những giải pháp căn cơ như tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, chính sách bảo hiểm nông nghiệp… nhằm hạn chế hậu quả thủy sản chết, bị nước lũ cuốn trôi khi mùa mưa bão về.
Nước lũ làm hư hỏng hệ thống máy bơm phục vụ nuôi tôm ở xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong - Ảnh: T.Q
Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng, toàn bộ hơn 182 diện tích nuôi tôm cao triều của xã đã bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn, trong đó có nhiều diện tích đã nuôi được từ 3 - 4 tháng, chuẩn bị cho thu hoạch, thiệt hại hơn 70 tỉ đồng. Ông Dũng cho biết, ngay từ đầu năm, UBND xã đã chỉ đạo người nuôi tôm tuân thủ đúng khung lịch thời vụ của huyện và tỉnh nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh làm tôm nuôi chính vụ bị chết; sau khi cải tạo và thả nuôi lại thì COVID-19 làm giá tôm thương phẩm giảm thấp nên người dân tiếp tục thả nuôi vụ trái với hy vọng có thể đạt lợi nhuận cao hơn. Mặc dù UBND xã đã hướng dẫn người nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống như gia cố bờ đê, thu hoạch ngay những ao nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm… nhưng do nước lũ lên quá cao nên hầu hết các ao nuôi tôm đều bị ngập nước từ 0,5 - 1 m, cuốn trôi toàn bộ thủy sản nuôi trong ao. “Hằng năm, UBND xã đều chỉ đạo người dân tập trung vào nuôi tôm chính vụ, thả nuôi một vụ ăn chắc; còn nuôi vụ trái chỉ thả nuôi quảng canh, nuôi xen ghép… nhưng do trong 3 - 4 năm trở lại đây không xảy ra lũ lớn nên người dân chủ quan, dẫn đến thiệt hại quá lớn”, ông Dũng cho biết thêm.
Còn tại xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, do nằm ở vùng hạ du, lại gần với cửa biển nên trong các đợt mưa lũ vừa qua, toàn xã đã có hơn 170 ha diện tích nuôi tôm, 81 ha nuôi xen ghép tự nhiên và 30 lồng bè nuôi cá bị ngập chìm trong nước lũ; hơn 200 tấn tôm, cua, cá các loại bị nước lũ cuốn trôi. Ngoài ra, hệ thống lán trại, ao hồ, kênh mương và máy móc, trang thiết bị nuôi thủy sản cũng bị nước lũ cuốn trôi hoặc gây hư hỏng nặng, ước thiệt hại hơn 16 tỉ đồng. Theo Chủ tịch UBND xã Triệu Phước Nguyễn Văn Vui, hằng năm UBND xã đều có thông báo lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản đến người dân. Đồng thời, vào mỗi mùa mưa bão, đặc biệt là trước thời điểm đã được cơ quan chuyên môn dự báo, UBND xã đều chỉ đạo, hướng dẫn người dân gia cố bờ bao, rào lưới, thu hoạch những diện tích đã đạt kích cỡ… nhưng do người dân thường không tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, có tâm lý chủ quan, cố kéo dài thời gian nuôi để thủy sản đạt kích cỡ lớn hơn, giá bán cao hơn. Đặc biệt, do năm nay nước lũ quá lớn nên người nuôi thủy sản chịu thiệt hại nặng nề.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng cho hay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa bão, lũ lụt ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Mặc dù hàng năm ngành nông nghiệp đều có hướng dẫn về khung lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản, trong đó yêu cầu người dân thu hoạch trước khi vào mùa mưa lũ nhưng do nhiều yếu tố như tâm lý chủ quan của người dân, thủy sản nuôi chưa đạt kích cỡ, giá bán thấp, kéo dài thời gian nuôi để xuất bán vào dịp tết… dẫn đến thiệt hại nặng nề khi mưa lũ xảy ra. “Cứ cách vài năm là lại xảy ra tình trạng thiệt hại do mưa lũ. Đã đến lúc phải có giải pháp để người nuôi tuân thủ đúng khung lịch mùa vụ, tránh thiệt hại mỗi mùa mưa lũ về”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Trần Văn Nhuận, vào mùa mưa bão, ngành nông nghiệp nói chung và nuôi thủy sản nói riêng là lĩnh vực thường hay bị thiệt hại. Tại huyện Triệu Phong, các đợt mưa lũ vừa qua đã cuốn trôi hơn 425 ha diện tích nuôi thủy sản và 35 lồng bè nuôi thủy sản các loại. Sau lũ lụt, môi trường nước trong các ao nuôi bị xáo trộn còn làm xuất hiện các loại dịch bệnh như đốm đen, đen mang… trên các ao nuôi nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở các xã Triệu Vân, Triệu Lăng, gây chết hàng loạt với số lượng lớn. Để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, theo ông Nhuận, các cơ quan chuyên môn và địa phương cần có quy hoạch vùng nuôi thủy sản hợp lý. Ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất như hệ thống điện, đê bao, kênh mương…
Đối với nuôi tôm ở vùng triều, ven sông yêu cầu chỉ thả nuôi một vụ ăn chắc; chỉ thả nuôi vụ trái đối với những ao nuôi có khả năng vượt lũ. Đối với nuôi tôm trên cát cần phải có ao chứa nước, hệ thống điện dự phòng vì vào mùa mưa bão, có thể xảy ra tình trạng mất điện, lượng mưa lớn, biển động mạnh… làm môi trường nước trong ao nuôi biến động, nếu không chủ động nguồn nước thay thế sẽ làm tôm nuôi bị sốc, chết. Đối với nuôi cá lồng trên sông cần lựa chọn những địa điểm phù hợp như đảm bảo độ sâu, dòng chảy, thả nuôi các đối tượng có thời gian sinh trưởng nhanh, thả giống kích cỡ lớn để có thể thu hoạch trước mùa mưa lũ. “Điểm quan trọng nhất là người nuôi cần phải tuân thủ đúng khung lịch mùa vụ mà các cơ quan chuyên môn khuyến cáo, đặc biệt là đối với nuôi tôm nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do mưa bão, lũ lụt gây ra”, ông Nhuận nhấn mạnh.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam cho biết, hằng năm Chi cục Thủy sản đều tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành khung lịch mùa vụ thả giống thủy sản. Trong năm 2020, đối với vùng nuôi tôm ven sông, thời gian thả giống tôm sú từ 15/4/2020 đến 30/6/2020 và chỉ nuôi 1 vụ trong năm. Đối với nuôi tôm thẻ chân trắng, những vùng cao trình bờ ao thấp, bị ngập lụt khuyến cáo nên thả giống từ 15/4/2020 đến 30/6/2020; những vùng cao trình bờ ao cao, không bị ngập lụt, có nguồn nước lợ dự trữ thì thời gian thả giống mới kéo dài từ 15/4/2020 đến kết thúc trước ngày 31/10/2020. Chỉ khuyến cáo nuôi 2 vụ trong năm đối với nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát và nuôi quanh năm đối với nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát hoàn toàn điều kiện nuôi. “Với thời gian nuôi từ 3 - 4 tháng, nếu người nuôi tuân thủ đúng khung lịch mùa vụ, có sự tính toán hợp lý thì với những vùng nuôi tôm ven sông, vùng có khả năng ngập lụt hoàn toàn có thể thu hoạch trước mùa mưa bão, hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra”, ông Nam khẳng định.
Theo ông Nam, trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa bão, lũ lụt thất thường, Chi cục Thủy sản sẽ phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, cơ cấu lại khung lịch mùa vụ phù hợp. Về phía người nuôi, để giảm thiểu thiệt hại cần tuân thủ triệt để khung lịch mùa vụ mà ngành nông nghiệp đã ban hành hằng năm. Trên cơ sở đó tính toán kế hoạch sản xuất phù hợp nhằm thu hoạch trước mùa mưa bão đối với những diện tích nằm ở vùng thấp trũng, thường bị ảnh hưởng do lũ lụt. Đối với những diện tích không bị ảnh hưởng trực tiếp, cần tăng cường quản lý ao, hồ; củng cố, tu bổ bờ ao; rào lưới chắn xung quanh ao; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra. Đối với nuôi lồng bè cần lựa chọn địa điểm nuôi phù hợp, tính toán thời gian nuôi hợp lý, thả giống kích cỡ lớn hơn để đảm bảo thu hoạch trước mùa mưa lũ. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân nói chung, người nuôi thủy sản nói riêng trong việc mua bảo hiểm nông nghiệp để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thục Quyên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.