Nguồn tin: Báo Cà Mau, 10/12/2020
Ngày cập nhật:
11/12/2020
“Thấy bà con hợp tác xã (HTX) làm ăn hiệu quả, mình tin tưởng nên xin vào. Vào HTX Thuận Lợi được nhiều cái lợi như: được đầu tư ao bạt, thức ăn tôm, thuốc thú y thuỷ sản… Giá cả lại rẻ hơn mua bên ngoài. Còn được hỗ trợ kỹ thuật; được đi tham quan học hỏi cách làm ăn ở những nơi khác… Tôi mới vào HTX, nuôi 1 ao siêu thâm canh, chưa có nhiều kinh nghiệm, vụ trước không đạt lắm nhưng cũng có lãi hơn 40 triệu đồng”, ông Huỳnh Văn Mười, ấp Lung Trường, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), nói về chuyện tham gia vào HTX với giọng đầy phấn khởi.
HTX “Đa năng”
HTX Thuận Lợi mà ông Mười vào, nằm trên địa bàn ấp Lung Trường, xã Phong Lạc. Hôm chúng tôi đến, mặc dù ảnh hưởng bão, trời mưa tầm tã, nhưng có mặt gần chục người. Giám đốc HTX Dương Thanh Long phân trần: “Hôm nay có cuộc họp nên anh em có mặt đông. Chúng tôi thường xuyên họp để bàn tính rất nhiều công việc của HTX. Thường họp vào ngày nghỉ để anh em tiện tham dự”. Rồi anh “khoe”: “Cuộc họp hôm nay bàn về chuyện tăng mức chi trả chế độ tiền công, tiền lương cho thành viên trong ban lãnh đạo theo Luật HTX. Chúng tôi dự định khoảng 3 năm mới lo được khoản này, nhưng hoạt động hiệu quả nên bước qua năm thứ hai đã có nguồn để chi trả. Ban đầu mỗi thành viên nhận mức 500.000 đồng/tháng, giờ họp bàn dự kiến tăng lên 1 triệu đồng, anh em phấn khởi lắm”.
Ban lãnh đạo HTX Thuận Lợi thường xuyên thực địa hướng dẫn các hộ thành viên nuôi tôm.
HTX Thuận Lợi ra đời vào giữa cuối năm 2017, trên cơ sở hợp nhất 2 THT và một số hộ dân bên ngoài. Nhờ phát huy được hiệu quả kinh tế tập thể nên từ 24 thành viên ban đầu, với 11 ao siêu thâm canh giờ tăng lên 36 thành viên, với 25 ao và hơn 40 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp trồng lúa.
“Vụ đầu tiên thả tôm vào giữa năm 2018, 11 ao siêu thâm canh thành công 100%, lợi nhuận 2,45 tỷ đồng. Thành viên thấp nhất hưởng lợi nhuận 150 triệu đồng, cao nhất 350 triệu đồng, bình quân 8.350.000 đồng/người/tháng”, Giám đốc HTX Dương Thanh Long kể trong hào hứng.
Thừa thắng xông lên, các vụ kế tiếp ngày càng có thêm kinh nghiệm nên lợi nhuận thu về càng tăng. “Vụ vừa rồi mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh, giá tôm giảm, nhưng HTX cũng có lãi hơn 2 tỷ đồng, bình quân mỗi xã viên được 13.937.000 đồng/người/tháng”, vẫn giọng đầy phấn khởi, Giám đốc HTX thông tin.
Liên tiếp 5 vụ nuôi siêu thâm canh thành công của Giám đốc HTX Thuận Lợi càng tạo dựng niềm tin cho bà con khi tham gia HTX.
Nuôi tôm theo quy trình sinh học, tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu bảo vệ môi trường, đó là điều HTX bắt buộc phải thực hiện và mang lại thành công bước đầu đáng ghi nhận. “Áp dụng theo quy trình nuôi sinh học, so với các hộ nuôi bên ngoài, chúng tôi đạt hơn từ 80-90%”, ông Long khẳng định.
Một điều dễ nhận thấy là HTX được tổ chức khá bài bản, ngoài xây được trụ sở, có các ban theo quy định, có kế toán, thủ quỹ, còn có cả tổ kỹ thuật gồm kỹ sư của các công ty cung cấp thức ăn, thuốc thuỷ sản và một lợi thế nữa là HTX có đến 2 kỹ sư là thành viên tham gia. “Hễ có sự cố gì là chúng tôi tập hợp tổ kỹ thuật lại để bàn bạc đưa ra hướng xử lý. Nhờ vậy mà hạn chế được rất lớn rủi ro”, ông Long cho biết.
Đối với nuôi quảng canh cải tiến, cũng nhờ áp dụng quy trình sinh học mà hiệu quả cao hơn bên ngoài. Điểm đáng ghi nhận nữa là, các hộ nhất thiết phải trồng lúa, tuy năng suất chưa cao (hộ cao nhất chỉ đạt 20 giạ/công) do đất nhiễm mặn nặng, nhưng bà con vẫn trồng lúa để cải tạo đất, lấy rạ làm thức ăn cho tôm.
Trong không khí đầy… tinh thần HTX, các thành viên cứ liên tiếp nói chuyện sản xuất, chuyện giá cả, thị trường, kế hoạch làm ăn... “Phải chị đến trước dịch bệnh sẽ chứng kiến cảnh bà con tới nhận hạt điều về nhích lụa, mỗi ngày có mấy chục người tới người nhận hạt về làm, kẻ gieo hạt đã xử lý xong, vui lắm”, ai đó trong ban quản trị “khoe”.
Thấy tôi tỏ vẻ thắc mắc, giám đốc Dương Thanh Long giải thích: “Ngoài sản xuất, chúng tôi còn kết hợp làm dịch vụ. Thấy lao động nhàn rỗi nhiều, chúng tôi liên hệ với một công ty ở Bình Phước nhận hạt điều về để mọi người làm công đoạn tách vỏ lụa, cải thiện thu nhập. Hoạt động này cũng sôi nổi lắm, có tới hơn 250 người trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và nhiều người ở tận huyện Cái Nước cũng tham gia. Thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Tiếc là dịch bệnh nên phải tạm ngưng vì công ty xuất khẩu khó khăn”.
Ông Long còn thông tin, HTX đã ký kết gia công đan các sản phẩm lục bình với một công ty ở Đồng Tháp nhưng vì dịch bệnh nên tạm dừng lại.
“Hướng tới, chúng tôi mở thêm cơ sở mua bán vật liệu xây dựng; đồng thời đi Đồng Tháp học hỏi mô hình nuôi lươn về triển khai cho bà con để cải thiện thu nhập”, ông Long cho biết.
“Đầu tàu” năng động
Những năm 2012-2017, nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn bị thất bại liên tục, nợ nần, một số hộ phải đi ngoài tỉnh lao động, bỏ con cái cho ông bà nuôi. Trên địa bàn có 2 THT nhưng làm ăn không mấy hiệu quả do vướng mắc nhiều thứ. Từng là Phó chủ tịch UBND xã Phong Lạc, ông Dương Thanh Long nghỉ việc xã về tham gia thành lập HTX Thuận Lợi, quyết đưa mô hình HTX phát triển mang lại lợi ích thiết thực cho bà con, đồng thời góp phần cùng xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.
Chân ướt chân ráo, vốn liếng eo hẹp đã là một khó khăn, làm thế nào làm ăn hiệu quả để phát huy ưu thế của mô hình HTX kiểu mới, để thu hút bà con tham gia phát triển kinh tế gia đình là điều mà Giám đốc Dương Thành Long luôn trăn trở.
Với vị trí “đầu tàu”, ông Long đã tìm hiểu, quan hệ với nhiều công ty thức ăn, thuốc thuỷ sản, chọn lựa công ty uy tín để liên kết, đồng thời vận động hỗ trợ bạt trải ao để nuôi siêu thâm canh. “11 ao đầu tiên được trải bạt đều do các công ty hỗ trợ”, ông Long phấn khởi nhớ lại.
Nhận thấy giá thức ăn tôm giữa tiền mặt và mua thiếu ở các công ty chênh lệch từ 3.000-6.000 đồng/kg, thậm chí có công ty chênh lệch 1 kg tới 13.000-14.000 đồng, trong khi mỗi đầm phải tiêu tốn thức ăn từ 5-7 tấn/vụ, bà con không có tiền mặt để mua, HTX không có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng, ông Long đã bàn bạc cùng các thành viên ban lãnh đạo vay vốn bên ngoài mua tiền mặt đầu tư cho bà con. Nhờ đó, làm lợi cho bà con hàng chục triệu đồng mỗi đầm.
Chưa dừng lại ở đó, thấy được lợi thế HTX có nhiều ao nuôi, các công ty đầu tư cùng lúc được lượng thức ăn lớn, ông Long tiếp tục cùng các thành viên thương lượng và được giảm giá thức ăn xuống 4.000-5.000 đồng/kg. Giá thuốc cũng được các công ty giảm hơn bên ngoài. Cách làm trên đã tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất cho bà con, giúp họ tăng thêm lợi nhuận.
Được hỗ trợ kỹ thuật, được đầu tư vốn, giá thức ăn giảm hơn nhiều so với bên ngoài… Khi sản xuất rủi ro, HTX lại tiếp tục đầu tư để bà con tái sản xuất, chính những “cái lợi” này mà bà con hăng hái tham gia HTX.
Các thành viên HTX cho biết, vào dịp Tết họ còn được HTX tặng quà, khi ốm đau bệnh tật HTX đều đến thăm nom, động viên. HTX còn tham gia đóng góp xây dựng một số công trình phúc lợi trên địa bàn. Việc mở ra các dịch vụ cũng giúp họ có thêm việc làm cải thiện thu nhập. Vì vậy, họ thấy mình không lẻ loi, yên tâm khi vào HTX.
“HTX hoạt động tốt được như hôm nay là nhờ công rất lớn của Giám đốc Dương Thanh Long. Anh Long luôn năng động, gương mẫu và hết lòng chăm lo cho HTX, vì vậy anh em trong ban lãnh đạo luôn tín nhiệm và đồng thuận, ủng hộ cao”, Phó giám đốc HTX Thuận Lợi Trương Quốc Sự chia sẻ.
Ông Long thì luôn dè chừng: “HTX hoạt động chưa lâu, những thành công chỉ là bước đầu. Loại hình này cũng còn mới mẻ, mình phải làm từng bước, nên ngại lên đài, lên báo”./.
Toàn tỉnh hiện có hơn 200 HTX, tuy nhiên, số HTX làm ăn hiệu quả chưa nhiều. Liên kết trong sản xuất là tất yếu trong thời buổi kinh tế thị trường và biến động về điều kiện thời tiết, khí hậu, đây cũng là định hướng của đất nước. Dẫu vậy, đây vẫn là loại hình mới đối với nhiều nông dân, cũng như với ban lãnh đạo nhiều HTX. Tuỳ điều kiện từng địa phương mà mỗi nơi có cách làm riêng. Nỗ lực của HTX Thuận Lợi là đáng ghi nhận và được Liên minh HTX tỉnh Cà Mau xếp vào tốp HTX làm ăn hiệu quả.
Huyền Anh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.