Nguồn tin: Lao Động, 18/12/2020
Ngày cập nhật:
19/12/2020
Một người nuôi cá tầm tại Sơn La còn cố gắng bám trụ với hồ nuôi. Ảnh: Cá tầm Việt.
Theo thống kê của Hiệp hội Cá nước lạnh, ở khu vực miền núi phía Bắc có khoảng hơn 165 trang trại nuôi cá nước lạnh. Phần lớn các cơ sở, trang trại nuôi có quy mô vừa và nhỏ. Khi cá tầm Trung Quốc nhập nhèm nguồn gốc và chất lượng đổ bộ với giá bán tại chợ chỉ khoảng 110 nghìn/kg thì cá tầm Việt của người người dân nuôi không thể cạnh tranh nổi. Hiện tượng hồ cá bị bỏ hoang phế, nước đọng cạn đáy, rêu mốc… đang diễn ra ngày một phổ biến.
Khó khăn
Báo Lao Động đã có bài phản ánh về tình trạng khăn đầu ra cho con cá tầm Việt. Theo đó ngay trên sân nhà, do giá thành rẻ hơn (đi kèm chất lượng kém hơn) nhưng lại mập mờ trong khâu bán hàng và tiếp thị, nên cá tầm Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra chiếm ưu thế trên thị trường. Nhiều người bán khi được hỏi, thậm chí còn không phân biệt nổi đâu là cá tầm Trung Quốc, đâu là cá tầm trong nước.
Thống kê của Hiệp hội Cá nước lạnh cho thấy, sản lượng cá tầm Việt Nam năm 2020 ước đạt trên 3.000 tấn với giá trị hơn 500 tỉ đồng. Việc phát triển nuôi cá tầm ở Việt Nam đã tạo được nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động, đặc biệt là lao động ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhiều doanh nghiệp, hộ nuôi cá tầm khá lên từ nghề này.
Kể từ năm 2018 đến nay, trước sự đe dọa từ cá tầm Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp, hàng loạt doanh nghiệp nuôi cá tầm trên cả nước có nguy cơ phá sản. Nhiều trang trại buộc phải để hoang phế, nước đọng cạn đáy...
Người bán cá tầm Trung Quốc thường không thông tin về nguồn gốc cá cho người mua. Ảnh: Long Nguyễn.
Tại tỉnh Yên Bái, với tiềm năng về diện tích mặt nước và điều kiện tự nhiên phù hợp, việc phát triển nuôi cá nước lạnh đã đạt được những kết quả nhất định, đến năm 2020 diện tích đưa vào nuôi đạt trên 32.000 m3; sản lượng đạt gần 100 tấn/năm.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh này, do có tình trạng cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc vào rất rẻ giá trong nước không cạnh tranh được, hơn nữa con giống vẫn chủ yếu là nhập từ Trung Quốc nên phần nào bị hạn chế.
Tương tự là các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai... gần như tất cả các tỉnh nuôi cá tầm ở khu vực miền núi phía Bắc đều "cầu cứu" trước thực trạng cá tầm Trung Quốc ồ ạt đổ bộ.
Cơ quan chức năng kiểm tra một xe cá tầm Trung Quốc thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn hồi tháng 10.2020. Ảnh: Long Nguyễn.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Tuân – một hộ nuôi cá tầm tại Lai Châu cũng không thể lý giải bằng cách nào mà cá Trung Quốc lại có thể bán với giá rẻ đến như vậy.
Anh tâm sự: “Hộ nhà tôi nuôi được 3 năm đầu là có lãi, nhưng từ khi cá tầm Trung Quốc trà trộn vào thị trường Việt thì chúng tôi bị mất đầu ra. Cá tầm Trung Quốc vốn đã rẻ lại được ưu đãi thuế nên về Việt Nam càng rẻ, tuy nhiên, rõ ràng là về chất lượng thua xa cá ở ta. Thế nhưng một số nơi còn “treo đầu dê bán thịt chó”, bán cá Trung Quốc nhưng giới thiệu cá tầm Việt Nam…”.
Lần lượt bỏ hồ
Còn tại Sơn La, nơi có hồ thuỷ điện với dòng nước lạnh phù hợp để nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là gây dựng thương hiệu cá tầm Việt cũng đang rơi vào tình cảnh điêu đứng.
Vài năm trước các hợp tác xã xây dựng mô hình cá tầm trên lòng hồ thuỷ điện rất hiệu quả. Người dân địa phương có thu nhập, kinh tế địa phương cũng dần dà phát triển, an ninh xã hội tốt.
Ông Dương Văn Biểng - Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh này than thở: "Sơn La là tỉnh tiên phong nuôi cá tầm và đã từng có Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát triển nghề nuôi cá tầm chế biến xuất khẩu. Tỉnh cũng đã xây dựng quy hoạch, triển khai chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên kể từ khi cá tầm Trung Quốc đổ bộ qua các đường tiểu ngạch thì hàng loạt hộ nuôi, các hợp tác xã nhỏ lẻ không trụ được, phải bỏ hồ.
Hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn duy nhất Công ty Cá tầm Việt Nam còn nuôi cá trên vùng lòng hồ sông Đà và duy trì được công việc cho khoảng 20 lao động địa phương".
Nhiều bể nuôi cá tầm trên khắp cả nước bị bỏ hoang vì người nông dân không thể chịu nổi sức ép từ cá tầm Trung Quốc giá rẻ. Ảnh: Long Nguyễn.
Cũng theo lời ông Biểng, trước thực trạng đáng buồn trên, giới chức Sơn La đã có kiến nghị gửi Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý cần có biện pháp kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc cũng như việc buôn lậu qua đường tiểu ngạch nhằm bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng.
"Theo một số kênh thông tin chúng tôi nắm được, có việc người Trung Quốc bán cá tầm của họ sang Việt Nam và sau đó mua cá tầm Việt Nam về ăn", ông Biểng cho biết thêm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Điệp - Giám đốc Công ty TNHH Cá tầm Suối Đại Dương cũng tỏ ra vô cùng lo lắng khi hàng loạt trang trại ở Lâm Đồng và Khánh Hoà của công ty với hàng chục lao động đang đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình để cầm cự.
Nhiều giống cá tầm từ Trung Quốc sang Việt Nam không nằm trong danh mục được cấp phép. Ảnh: Long Nguyễn.
Ông Điệp cho biết: “Nếu như trước đây cá tầm Việt Nam xuất tại trang trại với giá 160.000 đồng/kg thì cá tầm Trung Quốc nhập khẩu luôn bán ở thị trường thấp hơn vài chục nghìn/kg. Khi chúng tôi hạ giá xuống 140.000 đồng/kg, thì cá tầm Trung Quốc lại hạ tiếp xuống 130.000 đồng rồi 120.000 đồng/kg.
Nói chung mình có chấp nhận lỗ, hạ giá xuống để bán thì cũng không thể cạnh tranh được với cá tầm Trung Quốc nuôi công nghiệp, giá thành rẻ như hiện nay".
Tuy nhiên, bản thân ông Điệp cũng không dám chắc có thể tiếp tục bù lỗ được bao lâu nữa. Ông Điệp lo lắng rằng một ngày buộc phải buông tay, bỏ hồ thì hàng chục lao động sẽ lâm vào cảnh túng quẫn, nhất là trong thời kỳ khó khăn dịch bệnh như hiện nay.
Nhiều giống cá "lạ" đổ bộ thị trường
Thông tin từ Tổng cục Thủy sản, nước ta hiện chưa cấp phép nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm ngoài danh mục được sản xuất thông thường, gồm 5 loài: Cá tầm Xibêri (Acipenser baerii), cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus) và cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis).
Tuy nhiên, theo khảo sát từ thực tế của TS Lê Thanh Lựu (Hội Nghề Cá Việt Nam) và TS Nguyễn Viết Thùy (Viện NNNT Thủy Sản 3), thì cá tầm từ Trung Quốc được nhập về lại có rất nhiều các giống cá lai không nằm trong danh mục được cấp phép.
Cụ thể, các loại cá đang nhập về không có hình thái đồng nhất, thuộc nhiều dòng lai khác nhau của cá tầm Amur (Acipenser schrenckii), cá tầm Kaluga (Huso dauricus), cá tầm Xibêri (Acipenser baerii)…
LONG NGUYỄN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.