• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giá cá giảm mạnh, người nuôi gặp khó

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 20/12/2020
Ngày cập nhật: 22/12/2020

Mấy tháng qua, người nuôi cá nước ngọt tại huyện Châu Đức, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang đối mặt với nhiều khó khăn khi giá cá liên tục giảm, đầu ra gặp khó do sức tiêu thụ chậm.

Giá giảm, đầu ra khó khăn khiến người nuôi cá nước ngọt lo lắng. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Tuân cho cá ăn.

GIÁ GIẢM, TIÊU THỤ KHÓ KHĂN

Ông Nguyễn Văn Tuân, thành viên tổ nuôi cá nước ngọt tại xã Suối Rao, huyện Châu Đức cho hay, khoảng 3 tháng trở lại đây, giá các loại cá đồng loạt giảm mạnh với mức giảm từ 3.000-12.000 đồng/kg (tùy loại). Cụ thể, cá trắm đang bán với giá 55.000 đồng/kg, cá chép 45.000 đồng/kg (loại to), giảm 10.000-12.000 đồng so với thời điểm trước. Các loại cá khác như rô phi, mè… đang được thương lái thu mua với giá dao động từ 27.000-30.000 đồng/kg, giảm 3.000-7.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong vài năm qua.

Hiện nay, gia đình ông Tuân đang nuôi gần 20.000 con cá các loại như: rô phi, mè, trắm, chép… trên diện tích 2ha. Trước đây, trung bình mỗi vụ gia đình ông xuất bán khoảng 35 tấn cá, lợi nhuận đạt gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, với mức giá như hiện nay, gia đình ông giảm khoảng 30% lợi nhuận, thậm chí hòa vốn, chưa tính công lao động.

Ông Nguyễn Văn Thắng, ở tổ 2, thôn 1, xã Suối Rao đang nuôi theo hình thức gối đầu khoảng 5.400 con cá các loại trên diện tích 1,4ha. Ông Thắng cho hay, do điều kiện nuôi phù hợp, những năm qua tổ nuôi cá nước ngọt mang lại lợi nhuận cao cho các hộ nuôi. Với mức giá như trước đây, thu nhập của gia đình ông khoảng 250 triệu đồng/vụ, mỗi năm thu hoạch 2 vụ. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, ông rất lo vì giá cá giảm sâu và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguồn cung còn dồi dào trong khi thị trường tiêu thụ quá chậm. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng cá chỉ mới tiêu thụ được từ 60% trên tổng sản lượng cả vùng. Sức tiêu thụ chậm, thương lái ép giá nhưng người nuôi buộc phải xuất bán bởi cá đã tới thời điểm thu hoạch, nếu để lâu càng tốn kém thức ăn. “Bên cạnh đó, giá thức ăn của cá cũng ngày một tăng, hiện đã tăng 5.000-7.000 đồng/bao so với trước, khiến người nuôi cá càng đối mặt nguy cơ thua lỗ”, ông Thắng chia sẻ thêm.

Vùng nuôi cá nước ngọt của HTX Nông nghiệp-Dịch vụ-Thủy sản Len (ấp Gò Sầm, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) cũng đang trong tình trạng tương tự. Ông Lê Đức Viếng, Giám đốc HTX cho biết, 3 tháng trước, ngày nào HTX cũng có hộ thu hoạch cá để bán cho thương lái, thì nay sức tiêu thụ cá rất chậm, giá cả giảm đã khiến thu nhập của người nuôi giảm tới gần 30%. “Thời điểm này, nhiều vùng nuôi cá khác ở khu vực phía Nam đến vụ thu hoạch cá đều gặp khó khăn về đầu ra, nguồn cung tồn đọng nên thị trường cuối năm và ngay cả cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu cũng rất khó dự đoán. Tình trạng giá cá giảm, sức tiêu thụ chậm khiến người nuôi lo lắng”, ông Viếng nói thêm.

LIÊN KẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ông Nguyễn Thanh Chức, Tổ trưởng tổ nuôi cá nước ngọt xã Suối Rao, huyện Châu Đức lo lắng cho hay, dù đã gần tết, song giá cá ngày càng giảm khiến nhiều hộ nuôi như đang “ngồi trên lửa”. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ cũng khó khăn hơn. Thay vì mua trữ lượng lớn như trước, các thương lái chỉ mua số lượng ít, rải dần trong nhiều tuần.

Lý giải tình trạng giá cá giảm sâu nhưng vẫn khó tiêu thụ, ông Chức cho hay, hiện tổ nuôi cá nước ngọt có 18 thành viên, nuôi trên diện tích 35ha, trung bình mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 600 tấn cá các loại. Lượng cá này chỉ mới xuất bán trong thị trường nội địa nên khi dịch COVID-19 xảy ra, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Trong khi đó, nguồn cung dồi dào hơn mọi năm vì người nuôi cá ở các tỉnh miền Tây tăng sản lượng. Dự báo giá các loại cá nước ngọt vẫn trên đà giảm vì nguồn cung còn lớn, trong khi thị trường tiêu thụ vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Để tìm hướng đi bền vững cho nghề nuôi cá nước ngọt, ông Chức cho rằng, cần có sự liên kết, tiêu thụ sản phẩm với các DN trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc nông dân tự tìm kiếm đối tác gần như là “bất khả thi” mà cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng, chung tay vào cuộc để người nuôi cá có hướng đi bền vững.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang