Nguồn tin: Báo Thái Bình, 22/12/2020
Ngày cập nhật:
23/12/2020
Những năm qua, ngành thủy sản trong tỉnh Thái Bình phát triển toàn diện cả về lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,1%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất thủy sản năm 2020 dự kiến đạt 19% trong tổng cơ cấu chung của ngành Nông nghiệp. Đạt được kết quả trên là nhờ đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Cơ cấu tàu thuyền trong tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng số lượng tàu khai thác xa bờ, giảm phương tiện khai thác gần bờ.
Một trong những kết quả nổi bật của ngành thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 đó là lĩnh vực NTTS đã đổi mới, đa dạng các hình thức và đối tượng nuôi trồng nhằm gia tăng sản lượng, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Căn cứ tiềm năng, lợi thế của từng vùng mà các địa phương, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản đã khai thác hiệu quả diện tích đất, mặt nước để đưa những đối tượng nuôi chủ lực cho giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng. Đối với diện tích nước mặn tập trung nuôi các đối tượng ngao, hàu; diện tích nước lợ nuôi tôm sú, tôm thẻ, cá song, cá vược; diện tích nước ngọt nuôi cá lăng, cá diêu hồng, cá chép theo hình thức nuôi lồng bè trên sông, đồng thời phát triển các mô hình nuôi thâm canh với nhiều đối tượng nuôi đặc sản như cá rô đồng, cá lóc, cá nheo, ếch, ba ba... Hình thức nuôi trồng chuyển dịch tích cực, từ năm 2016 đến năm 2020 tăng 36,5% diện tích nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh sang nuôi thâm canh, nuôi theo quy trình công nghệ cao cho năng suất tăng từ 3 - 5 lần so với nuôi thông thường. Năm 2020, tổng diện tích NTTS toàn tỉnh ước đạt 15.746,82ha (tăng 7% so với năm 2015), trong đó nuôi nước mặn 3.169ha (tăng 8%); nước lợ 3.638,21ha (tăng 4%); nước ngọt 8.939,61ha (tăng 8%). Bên cạnh đó, hoạt động nuôi cá lồng trên sông tiếp tục được mở rộng và phát triển với nhiều đối tượng nuôi có giá trị. Toàn tỉnh hiện có 611 lồng nuôi với tổng thể tích 66.204m3 (tăng 430 lồng so với năm 2015). Sản lượng NTTS ước đạt 168.400 tấn (tăng 42% so với năm 2015); giá trị sản xuất ước đạt 3.944,5 tỷ đồng (tăng 42% so với năm 2015).
Cùng với cơ cấu lại lĩnh vực NTTS thì hoạt động khai thác thủy sản cũng có những chuyển biến tích cực. Cơ cấu tàu thuyền trong tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần số lượng tàu cá khai thác xa bờ, giảm phương tiện khai thác gần bờ và đẩy mạnh cơ giới hóa để khai thác các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh có 778 tàu cá, giảm 449 tàu cá so với năm 2015 (giảm loại tàu khai thác vùng ven bờ) với tổng công suất 122.299CV, tăng 33.822CV so với năm 2015. Nhờ vậy mà sản lượng khai thác thủy sản năm sau luôn cao hơn năm trước. Điển hình như sản lượng khai thác năm 2020 ước đạt 91.780 tấn (tăng 42% so với năm 2015), giá trị sản xuất ước đạt 1.394 tỷ đồng (tăng 39% so với năm 2015).
Phát huy lợi thế của huyện ven biển với đường bờ biển dài hơn 23km, những năm qua, huyện Tiền Hải đã thực hiện các chính sách khuyến khích ngư dân đẩy mạnh hoạt động đánh bắt và NTTS mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Tổng diện tích NTTS hàng năm của huyện luôn duy trì khoảng 5.000ha, trong đó thực hiện quy vùng 93ha nuôi tôm thâm canh theo hướng công nghệ cao, mỗi năm nuôi từ 2 - 3 vụ mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. Để khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, huyện đã thực hiện tốt các cơ chế, chính sách phát triển đội tàu khai thác xa bờ, giảm các nghề khai thác hủy diệt, ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản. Nhờ vậy mà hàng năm sản lượng NTTS luôn đạt trên 60.000 tấn, sản lượng khai thác đạt khoảng 22.772 tấn; giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng bình quân 5 năm là 7,89%.
Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020, ngành thủy sản đã thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, cơ cấu lại sản phẩm trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản. Thực hiện kế hoạch phát triển lĩnh vực thủy sản những năm tiếp theo, ngành thủy sản đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 tổng giá trị sản xuất thủy sản chiếm 30% giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 đạt 5%. Để đạt mục tiêu trên, ngành thủy sản tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả, bãi bồi ven sông sang NTTS; tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi giá trị; nghiên cứu, đề xuất cho tỉnh phát triển nuôi lồng bè trên biển; ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập của ngư dân trong tỉnh và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.
Thanh Huyền
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.