Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 23/12/2020
Ngày cập nhật:
24/12/2020
Mấy năm nay, diện tích lúa vụ mùa ở huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) giảm mạnh, vụ mùa 2020, toàn huyện chỉ còn gieo cấy trên 2.500 ha. Diện tích còn lại được nhiều địa phương chuyển đổi sang chuyên canh thủy sản hoặc nuôi thủy sản ngắn vụ. Những ngày này, nhiều địa phương ở huyện Gia Viễn đang đẩy mạnh thu hoạch thủy sản, thủy cầm để có diện tích triển khai sản xuất vụ đông xuân.
Gia đình anh Trần Văn Sâm (HTX Mai Sơn) thu hoạch ếch. Ảnh: Anh Tuấn
Gia Viễn là địa bàn có địa hình không bằng phẳng nên triển khai sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở vụ mùa, ảnh hưởng của lũ, lụt nên nhiều diện tích đã được chuyển sang nuôi trồng thủy sản hoặc chăn nuôi gia cầm theo thời vụ ngắn. Đại diện Ban quản trị các HTX Lạc Khoái, Mai Sơn (Gia Lạc) và các xã Gia Minh, Gia Phong cho hay: Là địa phương nằm trong vùng xả lũ, chậm lũ sông Hoàng Long, mấy năm nay, người dân có xu hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia cầm (vịt thời vụ). Nên ở vụ mùa này, nhiều diện tích cấy lúa kém hiệu quả đã được địa phương chuyển đổi, không còn gieo cấy lúa như nhiều năm trước.
ông Vũ Đình Thi, Chủ tịch UBND xã Gia Lạc chia sẻ, xã có 2 HTX nông nghiệp, trong đó HTX Mai Sơn có 114 ha và HTX Lạc Khoái có 259 ha đất canh tác. Phong trào "dồn điền, đổi thửa" đã thực hiện từ năm 2014, tùy theo số khẩu ở địa bàn, nhưng bình quân mỗi khẩu được từ 670 - 700 m2 đất ruộng. Nhờ được dồn đổi, nhiều hộ có diện tích canh tác rộng, đó là tiền đề thuận lợi cho đầu tư sản xuất nông nghiệp, trong đó biến khó khăn về điều kiện tự nhiên thành lợi thế nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, mấy vụ mùa qua, diện tích gieo cấy ở xã Gia Lạc giảm rõ rệt, tăng diện tích nuôi thủy sản, thủy cầm.
Ông Trần Văn Long, Giám đốc HTX Mai Sơn cho biết thêm: HTX có 114ha đất canh tác, nhưng vụ mùa này HTX chỉ thực hiện khoảng 40ha nuôi cá và 21ha trồng màu. Nhiều hộ xã viên nơi đây tích cực chuyển đổi ruộng, hoặc mượn, gom ruộng để có diện tích mặt nước rộng hơn để đầu tư nuôi cá các loại ngắn ngày (từ tháng 6 đến tháng 12). Thống kê sơ bộ, toàn HTX có gần 20 hộ đứng ra thuê lại ruộng của những gia đình không cấy, với mức 30 - 50 kg thóc/sào để có diện tích cải tạo mặt nước nuôi cá các loại, như trắm cỏ, chép hoa, cá rô, nuôi ếch Thái… Các hộ đầu tư nuôi thủy sản, như hộ anh Nguyễn Văn Tuấn có 6 ha, Nguyễn Văn Ngọc có 4 ha, Nguyễn Văn Minh 3 ha. Vụ cá năm trước, bình quân năng suất cá ở HTX Mai Sơn đạt 10 tấn/ha. Thời điểm này, các hộ nuôi cá trên ruộng đang gấp rút thu hoạch hoặc dồn lượng cá xuống phần thùng trũng, kênh rạch, nhường diện tích triển khai cày bừa đất cho làm vụ đông xuân.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế trong sản xuất ở các địa bàn, thời gian qua, các hộ phát triển nuôi trồng thủy sản nhận được sự hỗ trợ của Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể huyện, Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân các cấp tạo điều kiện để HTX, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản đẩy mạnh hoạt động, là chỗ dựa cho các thành viên. Trên địa bàn huyện Gia Viễn có nhiều HTX nuôi trồng thủy sản được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Cụ thể như: HTX Đoàn kết Vân Long, HTX thủy sản Gia Hòa, HTX thủy sản Gia Tân, HTX thủy sản Sông Hoàng, HTX nuôi trồng thủy sản Gia Minh và nhiều tổ hợp tác khác.
Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Viễn cho biết: Mỗi HTX khi thành lập thường có từ 10 đến 30 thành viên, mỗi thành viên góp vốn từ 30 đến 50 triệu đồng, canh tác trên diện tích từ 10 đến 50 ha. Các HTX thủy sản xác định phương hướng, nhiệm vụ cụ thể, tiếp tục làm tốt các khâu dịch vụ cung ứng phục vụ sản xuất cho thành viên, đồng thời tích cực, chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho các thành viên. Khoảng ba, bốn năm nay, trên địa bàn huyện Gia Viễn có nhiều HTX nuôi trồng thủy sản hoạt động có hiệu quả. Hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện phát triển ổn định về diện tích, tăng dần về năng suất và sản lượng. Nếu như năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Gia Viễn là 1.700 ha thì năm 2020 đã tăng lên 2.300 ha. Hằng năm, sản lượng đạt 5.000 tấn, đạt giá trị từ 150 - 180 tỷ. So với cấy lúa, nuôi thủy sản (nuôi cá) cho giá trị kinh tế cao hơn từ 3 - 5 lần. Đặc biệt là nuôi thủy sản trên phần diện tích đất xấu, trên phần đất cấy lúa cho thu hoạch bấp bênh thì giá trị quý hơn nhiều lần.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Gia Viễn đã xuất hiện những điển hình đi trước, làm hay, như hộ ông Phạm Trung Nam ở thôn Vân Thị (HTX thủy sản Gia Tân), gia đình ông Bùi Đức Thịnh, thôn Hoàng Quyển (HTX thủy sản Gia Hòa), ông Nguyễn Xuân Thủy, HTX thủy sản Sông Hoàng (Gia Trung)… Các địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng, nhiều nông dân cũng muốn làm theo.
Nguyễn Minh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.