Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 22/12/2020
Ngày cập nhật:
25/12/2020
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang đào ao nuôi thủy sản, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, anh Phạm Tiến Thắng, thôn Long Khám, xã Việt Đoàn (Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) thu được lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm và trở thành tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương.
Tiếp chúng tôi, anh Thắng kể: “Năm 2014 khi đang làm kinh doanh, tôi nhận thấy Bắc Ninh có thế mạnh về công nghiệp, nhiều nơi, người dân có xu hướng xin vào làm trong các doanh nghiệp nên không còn mặn mà với đồng ruộng. Từ đó, trong tôi xuất hiện ý tưởng phát triển mô hình nuôi thủy sản trên diện tích đất canh tác bỏ hoang. Năm 2015, tôi bắt tay vào thuê 20ha ruộng trũng bỏ hoang của các hộ dân ở xã Hiên Vân (Tiên Du) quy hoạch thành khu nuôi cá truyền thống. Đồng thời, đến trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản (thị xã Từ Sơn) và trực tiếp gặp chuyên gia tiến sỹ Bùi Quang Tề để học kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi các loại cá chim, trắm, chép. Chủ động liên hệ với các siêu thị, bếp ăn công nghiệp, tiểu thương chợ đầu mối tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, ngay năm đầu mô hình cho sản lượng 150 tấn, doanh thu 6 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi gần 1 tỷ đồng”.
Với mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, anh Thắng tiếp tục đầu tư hơn 2 tỷ đồng làm hệ thống cấp, thoát nước khu nuôi cá; xây dựng và đưa vào vận hành khu sản xuất cám hữu cơ, khu nuôi cấy men vi sinh để khử các vi sinh có hại trong môi trường nước cho cá. Cuối năm 2019, anh thuê thêm 40 ha đất canh tác ở phường Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh) quy hoạch và đưa cá vào nuôi. Đến nay, mô hình nuôi thủy sản của anh Thắng cho lợi nhuận 2,5 - 3 tỷ đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho 15 lao động thường xuyên, thu nhập trung bình hơn 7 triệu đồng/người/tháng.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình nuôi thủy sản của anh Thắng.
Anh Thắng chia sẻ kinh nghiệm: “Để có nguồn thủy sản chất lượng cung cấp ra thị trường, người nuôi thủy sản phải tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ việc chọn con giống đến thức ăn, quy trình chăm sóc, xử lý mầm bệnh, đặc biệt là môi trường nước đóng vai trò quyết định đến chất lượng của vật nuôi. Nước trước khi bơm vào các bể, ao nuôi, tôi thường xử lý bằng các chế phẩm sinh học bên trong một diện tích ao lắng. Sau một thời gian, khi nguồn nước đủ bảo đảm an toàn cho cá mới đưa vào từng bể nuôi. Thức ăn cho cá cũng được gia đình tự chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp như: Cám gạo, ngô, sắn, rau, trứng, cỏ... Cách làm này tiết kiệm được chi phí so với sử dụng thức ăn công nghiệp, cá vẫn nhanh lớn và ít bị bệnh, con giống khỏe, tỉ lệ sống cao, thịt chắc, thơm”.
Không giữ bí quyết cho riêng mình, anh Thắng còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ nuôi thủy sản khác trong tỉnh để cùng nhau phát triển. Tích cực tham gia các hoạt động của địa phương và Hội Nông dân phát động. Giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Từ năm 2015 - 2019, anh chủ động hỗ trợ tiền và huy động bạn bè hỗ trợ xây dựng 6 ngôi nhà tình nghĩa; ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ chất độc màu da cam, Quỹ đền ơn đáp nghĩa,… gần 200 triệu đồng.
Những đóng góp của anh Thắng được các cấp, các ngành ghi nhận và khen thưởng. Nổi bật nhất là năm 2015, anh đươc tặng Bằng khen tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV của tỉnh Bắc Ninh; giai đoạn 2012 - 2016 và năm 2019 đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh”; vừa qua, được nhận Huân chương Lao động hạng Ba tại Đại hội thi đua yêu nước của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Nói về dự định trong tương lai, anh Thắng cho biết: “Thời gian tới tôi sẽ mở rộng quy mô trang trại lên thêm 20ha; tạo việc làm ổn định cho 10-15 lao động. Giúp đỡ kỹ thuật nuôi cá cho 20 - 30 gia đình nuôi cá. Mở rộng khu sản xuất cám hữu cơ, khu nuôi cấy men vi sinh cung ứng cho các trang trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Xây dựng nhà máy chế biến thủy sản nhằm bao tiêu sản phẩm thủy sản cho các hộ nuôi với giá ổn định, giúp họ yên tâm sản xuất, đồng thời góp phần bình ổn mặt hàng thủy sản trên thị trường.
Thanh Ngân
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.