• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Triển vọng nuôi tôm sú QCCT hai giai đoạn

Nguồn tin: Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, 28/12/2020
Ngày cập nhật: 29/12/2020

Từ năm 2017, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) 2 giai đoạn, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trong năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đã phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế TP Cà Mau và UBND một số xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai “Mô hình hỗ trợ thiết bị ương tôm giống phục vụ nuôi tôm 2 giai đoạn”, với quy mô 54 bể (diện tích 80 m2/bể) để hỗ trợ các THT, HTX thực hiện việc ương tôm sú giống (theo công nghệ Biofloc) trước khi thả vào vuông nuôi. Trong đó, mỗi huyện, thành phố là 2 điểm, mỗi điểm có 3 THT, mỗi THT là 1 bể.

Bể ương tôm

Từ hiệu quả của việc triển khai lắp đặt và vận hành thành công 54 bể ương tôm hai giai đoạn, Trung tâm Khuyến nông đã đúc kết và xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn để chuyển giao cho bà con nông dân, tạo điều kiện nhân rộng mô hình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn trên địa bàn các địa phương.

Giai đoạn 1: Ương tôm giống bằng công nghệ sinh học (biofloc) Tốt nhất và phổ biến nhất là bể ương bạt nổi và ao đất lót bạt.

- Bể ương bạt nổi: Được thiết kế hình tròn, lắp khung sắt và lót bạt hoàn toàn. Diện tích từ 30 - 100 m2 (tùy vào nhu cầu ương và mật độ ương), chiều cao từ 1 - 1,2 m.

- Ao đất lót bạt: Được thiết kế hình vuông hay chữ nhật, có diện tích từ 15 - 50 m2 (tùy vào nhu cầu ương và mật độ ương), chiều cao 0,8 - 1 m. Bể ương được trang bị hệ thống sục khí đáy, hệ thống đảo nước để đảm bảo lượng ôxy, duy trì hạt floc giúp tôm phát triển. Mật độ ương dao động từ 2.000 - 6.000 con/m2. Hàng ngày đều phải cho tôm ăn theo định lượng và sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ trong quá trình ương. Sau thời gian ương từ 13 - 15 ngày thì chuyển tôm sang nuôi giai đoạn 2.

Thu hoạch tôm sú năng suất cao từ mô hình nuôi QCCT 2 giai đoạn ở Cà Mau

Giai đoạn 2: Nuôi tôm thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học và phân bón

Sau khi chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho vuông, ruộng nuôi thì tiến hành chuyển tôm từ bể ương ra để thả nuôi. Trong quá trình nuôi phải định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường để xử lý kịp thời. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học (15 ngày một lần) để làm sạch nền đáy và ổn định môi trường.

Quản lý thức ăn tự nhiên: Trong nuôi tôm QCCT chủ yếu là thức ăn tự nhiên (nguyên sinh động vật, động vật thân mềm, giun nhiều tơ, ít tơ, giáp xác nhỏ…). Trong quá trình nuôi phải quản lý, bổ sung phân bón để duy trì mật độ thức ăn tự nhiên cho tôm. Sau một tháng thả nuôi (ở giai đoạn 2) thì tiến hành bổ sung phân bón (vô cơ, hữu cơ, vi sinh hữu cơ) hay cám, rơm rạ, lá, cỏ khô… Định kỳ lập lại sau 30 ngày một lần để duy trì chuỗi thức ăn tự nhiên cho vuông nuôi.

Cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có 38.164 ha nuôi tôm sú QCCT 2 giai đoạn, tăng 31.624 ha so năm 2017. Năm 2019, từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ các địa phương tổ chức lớp học tại hiện trường; thực hiện 9 mô hình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn, quy mô 1 ha/điểm; triển khai, nhân rộng 29 mô hình (3ha/3 hộ/mô hình) cho xã nghèo, ấp nghèo và 20 mô hình (3 ha/3 hộ/mô hình cho xã nông thôn mới ở địa bàn. Đến cuối năm 2019, mô hình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn được nhân rộng là 14.688 ha, đạt 100,8% so kế hoạch và tăng 38% so cùng kỳ. Với năng suất bình quân từ 500 - 600 kg/ha/năm, đây là mô hình nuôi tôm sú QCCT hiệu quả nhất hiện nay và được áp dụng cho nhiều vùng nuôi như: chuyên tôm, tôm - lúa, tôm - rừng... Mô hình kiểm soát được số lượng và chất lượng tôm giống, chi phí thả giống thấp, nâng cao tỷ lệ sống, chủ động bổ sung chuỗi thức ăn tự nhiên, tạo môi trường tốt cho tôm nuôi...; hiệu quả cao so với QCCT (thả tôm giống không qua ương), bền vững, được người dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ

Bửu San

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang