Nguồn tin: Báo Hòa Bình, 17/2/2020
Ngày cập nhật:
20/2/2020
Tỉnh ta có tiềm năng phát triển thuỷ sản tương đối lớn với trên 14.560 ha mặt nước ao, hồ, công trình thuỷ lợi, thuỷ điện và nhiều sông, suối có thể nuôi cá lồng bè, hoặc tổ chức quản lý bảo vệ để tái tạo phát triển nguồn lợi cho khai thác tự nhiên. Bên cạnh đó, nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên và khu hệ cá phân bố trên các loại thuỷ vực tương đối phong phú. Đây là tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản, góp phần thúc đẩy kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân vùng có lợi thế.
Người dân xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) đầu tư nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình cho hiệu quả kinh tế cao.
Để phát triển ngành thủy sản nói chung và nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình nói riêng, UBND tỉnh sớm có quyết định thành lập Ban chỉ đạo Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020, ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. BTV Tỉnh ủy có Nghị quyết về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2014 - 2020. Ngoài ra, Sở NN&PTNT ban hành kế hoạch thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường, UBND các huyện, thành phố đã phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản đảm bảo nguyên tắc khai thác, sử dụng mặt nước sông, suối, ao, hồ hợp lý. Phát huy thế mạnh tiềm năng mặt nước, ứng dụng KHCN mới vào nuôi trồng thủy sản góp phần tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng giá trị thu nhập. Đồng thời phát triển hợp lý nghề nuôi cá lồng trong các thủy vực lớn, nhất là trên hồ Hòa Bình.
Nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, hàng năm, Sở NN&PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu ban hành văn bản gửi các địa phương chỉ đạo thực hiện việc tăng cường công tác quản lý nguồn lợi, môi trường sống của các loài thủy sản, bảo vệ các bãi cá đẻ, cá giống trong mùa sinh sản. Để ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh, Phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế TP Hòa Bình, UBND các xã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên vùng hồ sông Đà và các thủy vực, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi sai phạm. Chi cục Thủy sản cũng tích cực phối hợp với UBND các xã tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật về công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Tổ chức ký cam kết bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho nông, ngư dân, vận động bà con tự giao nộp bộ xung kích điện các loại nhằm loại bỏ việc khai thác mang tính hủy diệt.
Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2014 - 2020, đến nay, UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ cho người dân các xã vùng hồ trên 2.600 lồng nuôi cá, tương ứng 1.702 hộ vùng hồ thuộc 5 huyện, thành phố được hưởng lợi với ngân sách hỗ trợ 30.895 triệu đồng. Hàng năm cung cấp cho thị trường trên 3.000 tấn cá thương phẩm các loại.
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản, đến hết năm 2019, toàn tỉnh có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản 2.700 ha (tăng 610 ha so với năm 2013), gồm diện tích nuôi cá ao hồ nhỏ, cá ruộng và nuôi cá hồ chứa kết hợp thủy lợi. Các địa phương phát triển trên 4.670 lồng nuôi cá (tăng 3.300 lồng), sản lượng thu hoạch hơn 9.200 tấn (tăng 5.200 tấn so với năm 2013); trong đó khai thác hơn 1.700 tấn, nuôi trồng khoảng 7.500 tấn, chủ yếu là các loại cá chiên, lăng chấm, lăng vàng, nheo Mỹ, diêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm… Trong năm, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng trưởng ước đạt 6,2%.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 cơ sở, hộ gia đình đầu tư nuôi cá quy mô trên 20 lồng, trong đó có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống lồng, bè nuôi tiên tiến, theo hình thức thâm canh và bán thâm canh các loài cá đặc sản như: Tập đoàn Mavin, Công ty TNHH thương mại đầu tư Việt Đức, các Công ty TNHH Hải Đăng, Cường Thịnh, Hưng Nguyên... Đã có 9/15 cơ sở được cấp chứng nhận ATTP, VietGAP, nhờ đó, sản phẩm đã tạo chữ tín trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng.
Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Từ những chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực của tỉnh, những năm qua, tỉnh đã từng bước "đánh thức” tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện các địa phương phấn đấu phát triển ngành theo hướng bền vững, trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới vào các hoạt động thủy sản nhằm đa dạng sản phẩm; tăng năng suất trên đơn vị diện tích, giá trị thu nhập. Duy trì và mở rộng hình thức nuôi, khai thác nhằm tạo việc làm, thu hút lao động. Phát triển hợp lý nghề nuôi cá lồng trong các thủy vực lớn, đặc biệt là trên hồ Hòa Bình, phấn đấu năm 2020 phát triển được 4.800 lồng nuôi cá, sản lượng thủy sản đạt 9.500 tấn.
Thu Hiền
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.