• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thay đổi tư duy để nuôi tôm an toàn

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 21/02/2020
Ngày cập nhật: 22/2/2020

Bên cạnh một số hộ dân đã tiếp cận được phương thức nuôi tôm an toàn, hiện nhiều người vẫn thiếu kiến thức.

“Không dùng thuốc tôm không to”

Những năm trước, tại những vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở các địa phương ven biển, tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh cho tôm tràn lan, phổ biến đến mức cơ quan chức năng khó kiểm soát. Tình trạng này hiện có thuyên giảm, nhưng chỉ những lúc thuận trời, tôm không xảy ra dịch bệnh. Và chỉ những người nuôi “rủng rỉnh” nguồn vốn mới hướng đến việc áp dụng công nghệ an toàn sinh học vào hồ nuôi.

Hồ nuôi của anh Hồ Văn Lưỡng tại vùng nuôi xã Phong Hải, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đang vào giai đoạn thu hoạch. Tôm đã đạt cỡ 40-50 con/kg nhưng vì giá thấp nên anh quyết định chờ. Vụ này, thuận trời, tôm phát triển tốt nên dự báo sản lượng sẽ rất cao. Hỏi chuyện có sử dụng thuốc kháng sinh hay không, anh khoe: “Vụ ni, tôm của tui không xảy ra dịch bệnh nên không sử dụng kháng sinh”.

Theo nhiều người nuôi, xét về chuyên môn, khi tôm đã đạt trọng lượng, kích cỡ như hộ anh Lưỡng thì tôm khó xảy ra dịch bệnh và không sử dụng kháng sinh là điều đương nhiên. Người nuôi cũng tiết lộ, giai đoạn bắt đầu thả giống đến khoảng 20 ngày tuổi, việc sử dụng kháng sinh là điều phải làm nếu không muốn tôm còi cọc, dịch bệnh xảy ra.

Người nuôi tôm xã Phong Hải dùng rớ kiểm tra kích cỡ tôm

Đến trại tôm của anh N.V.H (xã Phong Hải, huyện Phong Điền), sau một hồi lưỡng lự, anh H. cũng giới thiệu cho tôi một số loại muối khoáng, thuốc kháng sinh, trị bệnh trên tôm mà anh đã sử dụng trong giai đoạn tôm mới xuống giống như, cefotaxime, cavarol, biotical…. “Không có thuốc thì tôm không thể to được, tùy theo kích cỡ tôm mà sử dụng thuốc phù hợp. Khi dịch bệnh xảy ra phải tăng liều lượng thuốc, thậm chí phải mua thuốc tây trị bệnh cho người để trị cho tôm”, anh H. nói.

Ngoài các loại thuốc tây, trong quy trình nuôi tôm của người dân ven biển, thuốc nam được họ sử dụng khá phổ biến. “Lá cây chó đẻ, rể cây cà gai leo dùng trị bệnh gan và đường ruột. Ngoài ra còn có lá tam thất (cây cộng sản) để trị bệnh. Thông thường, tụi tui thường chuần bị những loại lá cây này ngay từ đầu vụ. Để dễ bảo quản thì thường mua lá cây khô. Khi sử dụng lá nấu lên, lấy nước cốt rồi trộn vào thức ăn của tôm”, anh H. tiết lộ.

Khảo sát tại các vùng nuôi tôm ven biển, không chỉ trại nuôi của anh H. mà nhiều hộ nuôi tôm trên cát tại vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền) vẫn còn sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc tây và thuốc nam. “Khi tôm xảy ra dịch bệnh, chủ hồ thường lúng túng, họ tìm mọi cách để trị, trong đó có cả việc dùng thuốc tây cho người như, Teraxinlin, Becberin…Với người huôi tôm dường như không thể không dùng kháng sinh và thuốc”, anh N.T., một người nuôi tôm thuê cho chủ ở Phong Điền nói.

Người dân vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền) thu hoạch tôm thẻ chân trắng

Thay đổi tư duy để con tôm vươn xa

Nuôi tôm trên cát luôn đòi hỏi chi phí đầu tư cao, chỉ một sơ suất nhỏ, người nuôi lỗ hàng trăm triệu đồng. Do vậy, cơ quan chức năng thường khuyến cáo ngươi dân cần nuôi tôm theo phương pháp an toàn, song chính tư duy sản xuất của người dân khiến cách nuôi chưa thể thay đổi.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh cho rằng, so với trước đây, tình trạng sử dụng kháng sinh và các loại tân dược đã giảm nhưng vẫn còn tình trạng người dân lén lút sử dụng. “Với người nuôi tôm, họ đầu tư số tiền rất lớn nên khi xảy ra dịch bệnh thường hoang mang, truyền tai nhau nhiều phương pháp để cứu tôm, trong đó có việc lén lút sử dụng tân dược. Nếu phát hiện thì chế tài xử phạt cũng không là bao so với số tiền họ đã đầu tư”, ông Khoa chia sẻ.

Hiện nay, có nhiều loại thuốc kháng sinh trong danh mục cho phép sử dụng. Tuy nhiên, mức độ, liều lượng sử dụng phải hợp lý. Các chuyên gia thủy sản khuyến cáo việc sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể gây tác dụng ngược, các vi khuẩn có lợi sẽ bị tiêu diệt. Ngoài ra, lạm dụng kháng sinh sẽ nguy hại cho hệ vi khuẩn trong hồ nuôi. Thực tế, chính tư duy “ăn xổi” của người nuôi khiến nhiều lần lâm vào cảnh “được mùa mất giá”. Những doanh nghiệp thu mua có thể bao tiêu sản phẩm giá cao lưỡng lự vì không kiểm soát được quy trình, chất lượng tôm nuôi.

Với phương pháp nuôi tôm tự phát hiện nay rất dễ xảy ra việc tồn đọng dư lượng kháng sinh cao trong tôm khiến tôm không đạt chuẩn để xuất khẩu, theo đó giá trị tôm sẽ bị giảm xuống, qua đó làm giảm giá thành xuất khẩu, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế của các hộ nuôi.

Tại thông báo kết quả giám sát các chất độc hại trong thủy sản nuôi tháng 8 và tháng 9/2019 của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Trung bộ, Thừa Thiên Huế có 11 mẫu thủy sản nuôi được kiểm nghiệm. Theo đó, mặc dù không có mẫu tôm nào bị phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, nhưng lại có đến 8 mẫu không đạt giới hạn cho phép về chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu được phân tích để xuất khẩu.

“Việc sử dụng kháng sinh phù hợp trong nuôi trồng thủy sẽ ít ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con giống. Trước khi thu hoạch khoảng 15 ngày không sử dụng kháng sinh là cách tôm không có tồn dư kháng sinh khi test mẫu. Song, muốn tăng chất lượng sản phẩm để vươn tầm, người nuôi phải thay đổi tư duy, tiến tới nuôi tôm an toàn”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phan Thị Thu Hồng khuyến cáo.

Bài, ảnh: Quỳnh Viên

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang