Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 28/02/2020
Ngày cập nhật:
3/3/2020
Những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông, hồ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nuôi tăng thu nhập và mở ra hướng đi mới cho phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Năm 2018, nhận thấy việc thuận lợi về nguồn nước, thức ăn, nhân công. Sau khi đi tham quan, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm tại một số tỉnh phía Bắc về mô hình nuôi cá hồ ở Thác Bà, hồ Hòa Bình, một số hộ dân xã Thượng Giáo, xã Cao Trĩ (Ba Bể) đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên dòng sông Năng (đoạn qua thôn Phiêng Chì, xã Thượng Giáo).
Anh Triệu Văn Thẩn, xã Cao Trĩ cho biết: Gia đình anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng đóng mới 02 lồng để nuôi cá diêu hồng, cá trắm, cá chép trên sông Năng, sau tám tháng là có cá thương phẩm bán. Nhận thấy mô hình hiệu quả, anh Thẩn chuẩn bị đầu tư thêm lồng để nuôi cá lăng, cá chép giòn, trắm cỏ và diêu hồng. Đây là những loại cá được thị trường ưa chuộng nên thu hoạch đến đâu, cá tiêu thụ hết đến đó. Anh Thẩn cho biết thêm, nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên vốn đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cao nhất là khi có thiên tai, bão lũ, chính vì vậy phải nắm chắc kỹ thuật nuôi cũng như áp dụng tốt các biện pháp phòng, chống thiên tai...
Người dân đến mua cá tại khu vực nuôi cá lồng trên sông Năng.
Anh Hoàng Xuân Tình đang có 2 lồng cá cùng nuôi trên sông Năng cho biết, nuôi cá lồng hiệu quả kinh tế rất cao. Cuối năm 2018 gia đình anh cũng mới bắt đầu nuôi, sau tám tháng cá diêu hồng có trọng lượng đạt trung bình 1kg/con, gia đình đã xuất bán 1.000 con với giá 80.000 đồng/kg, còn cá trắm đến nay trọng lượng trung bình đạt 7kg/con. Hiện nay hai lồng cá của gia đình anh có tổng đàn hơn 5.000 con, sau đợt thu hoạch này anh đã thu được vốn và có lãi.
Nhận thấy việc nuôi cá lồng có hiệu quả, hiện nay người dân khu vực này đã nuôi hơn chục lồng cá. Cá lồng được nuôi đa dạng với nhiều loại có giá trị kinh tế cao như: Cá lăng, cá diêu hồng, cá trắm, cá chép… Nhờ có dòng nước lưu thông trên sông Năng nên người chăn nuôi không phải lo lượng thức ăn thừa như nuôi trong ao. Bên cạnh đó, giảm được khâu xử lý môi trường ao nuôi và thời gian nghỉ của ao sau mỗi vụ, từ đó giảm nhiều chi phí, nâng cao thu nhập. Theo người nuôi cá đánh giá, mô hình nuôi cá này có tiềm năng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, nuôi cá lồng trên sông gặp một số khó khăn nhất định, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm, phương tiện, dụng cụ neo giữ chắc chắn. Bên cạnh đó, các hộ tính toán độ an toàn của lồng và cân nhắc số lượng nuôi trong những tháng cao điểm của mùa mưa, bão, hạn chế tối đa thiệt hại và ổn định phát triển sản xuất./.
Vì Dân
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.