• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tất bật chuẩn bị vụ tôm mới

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 03/03/2020
Ngày cập nhật: 7/3/2020

Những ngày này, đi dọc theo những cánh đồng vùng ngoài đê bao ngăn mặn ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang người dân đang tất bật thu hoạch lúa Đông xuân và chuẩn bị cho vụ tôm mới.

Người dân nuôi tôm trên đất trồng lúa ở xã Lương Nghĩa sẵn sàng bước vào vụ thả tôm mới.

Xen kẽ với những cánh đồng lúa chín vàng chờ thu hoạch, máy san phẳng mặt ruộng đã chạy trên những cánh đồng đã cắt lúa xong. Vài nơi còn có máy xúc vét bùn đáy, đắp bờ tạo một vuông nuôi ngay ngắn. Ngồi bên hiên nhà, ông Nguyễn Văn Rạng nhìn ra cánh đồng lúa vừa mới cắt, ông tính sau khi rơm khô sẽ gom bớt lên bờ rồi dẫn nước vào ngâm vài ngày cho mục gốc rạ. Quy trình này lặp lại 2-3 lần để làm sạch ruộng. Song song với những việc kể trên, còn gia cố bờ bao, cống để tránh rò rỉ, cần thiết thì vét bùn đáy, cải tạo mặt ruộng. Đó là những bước chuẩn bị quan trọng cho vụ thả tôm trong năm nay. Dự kiến ông sẽ thả toàn bộ diện tích ruộng 3,5ha xung quanh nhà. So với lần thả nuôi đầu tiên vào năm 2016, giờ đây bà con đã có nhiều kinh nghiệm và biết rõ quy trình kỹ thuật. “Với diễn biến độ mặn mấy ngày qua, hy vọng mùa tôm này cũng thuận lợi như năm 2016, trung bình đạt 500kg/ha mà không tốn kém nhiều chi phí trong quá trình nuôi”, ông Rạng cho biết thêm.

Cùng ở ấp 6, ông Vũ Văn Ngoan lại kết thúc vụ lúa sớm hơn và rục rịch chuẩn bị thả tôm giống. Khi cải tạo mặt ruộng xong ông đã bón vôi, sau đó phơi ruộng chừng 2-3 ngày trước khi lấy nước vào ruộng lắng. Việc bón vôi ngoài giúp diệt bớt mầm bệnh còn ổn định pH trên ruộng nuôi. Với diện tích khoảng 1.000m2 cần bón khoảng 100kg vôi. Nhờ sự chủ động chuẩn bị kỹ các bước và thả nuôi đúng thời điểm mà năm vừa qua dù nồng độ mặn không cao nhưng vụ tôm của gia đình ông Ngoan cũng đạt khoảng 400kg/ha. Với giá thương lái thu mua dao động từ 180.000-200.000 đồng/kg tùy kích cỡ tôm, lợi nhuận thu được cũng trên 60 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn so với vụ lúa trước đây.

Ông Lâm Văn Việt, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ, thông tin thêm: Ngoài thông báo lịch thả giống và tăng cường kiểm tra nồng độ mặn và các chỉ tiêu khác về môi trường, trong các buổi khảo sát trước khi vào vụ nuôi tôm, cán bộ kỹ thuật sẽ nhắc nhở người dân hạn chế đốt gốc rạ để giữ môi trường tự nhiên cho tôm sinh trưởng. Ngoài ra, khi dẫn nước vào ruộng nên sử dụng lưới lọc để hạn chế cá tạp vào làm hao hụt con giống. Dự kiến trong đầu tháng 3, đơn vị sẽ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm sú luân canh với đất trồng lúa để các hộ dân mới tham gia và cả những hộ đã nuôi nhiều vụ cập nhật kiến thức và nắm vững kỹ thuật để có một vụ nuôi hiệu quả.

Theo thông tin từ Tổ kỹ thuật xã Lương Nghĩa, tuy chưa thả nuôi đồng loạt nhưng dự kiến diện tích thả nuôi tôm sú vào khoảng 65ha, tăng 1ha so với năm ngoái. HTX Tôm - lúa Tân Tiến tại ấp 6 có 14 thành viên và hiện có nhiều hộ đăng ký tham gia nên dự kiến số lượng thành viên sẽ tăng trong năm nay. Khi hoạt động tập thể sẽ khắc phục khó khăn của sản xuất riêng lẻ, bà con được chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật mới và có liên kết để quản lý vùng nuôi tốt hơn.

Lương Nghĩa là một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn ở huyện Long Mỹ, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn càng gay gắt, việc sản xuất 2 vụ lúa/năm như trước gặp nhiều khó khăn. Với hình thức nuôi tôm sú luân canh trên đất trồng lúa đã mở ra hướng đi mới, giúp người dân tận dụng được nguồn nước mặn vào mùa khô tiếp tục phát triển kinh tế, nhất là ở các diện tích đất sản xuất ngoài đê bao khép kín.

Chi cục Thủy sản tỉnh đã có khuyến cáo người dân phải thực hiện đúng theo các bước kỹ thuật như phơi đáy, bón vôi, diệt tạp, gây màu nước tạo nguồn thức ăn tự nhiên và ổn định môi trường trước khi thả tôm, đảm bảo độ mặn được duy trì từ 5‰ trở lên, độ kiềm từ 60-180mg/l, oxy hòa tan>3 mg/l, pH 7,5-9,0. Tôm giống thả nuôi cần có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận kiểm dịch, kích cỡ tối thiểu là Postlarvae 15 (PL15), tương ứng chiều dài 12mm. Thực hiện ương giống 2-3 tuần trước khi thả nuôi để nâng cao tỷ lệ sống. Nên thả lúc sáng sớm hoặc chiều mát với mật độ từ 1-3 con/m2, có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên trong ruộng.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang